(VNTB) – Bỏ tử hình 8 tội danh: CSVN vừa có cái ăn nói với quốc tế về nhân quyền, vừa có thể yên tâm tham nhũng, hối lộ
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đã có đề xuất bỏ phạt tử hình đối với 8 tội danh. Lý do được đưa ra là các tội danh này có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.
Danh sách 8 tội danh bao gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109 Bộ luật Hình sự), tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 114), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (điều 194 Bộ luật Hình sự), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (điều 250 Bộ luật Hình sự), tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 421 Bộ luật Hình sự), tội gián điệp (điều 110), tội tham ô tài sản (điều 353) và tội nhận hối lộ (điều 354).
Nếu bàn chi tiết các tội danh này thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần phân tích riêng lẽ. Nhưng tựu trung lại thì có hai đối tượng thường dính phải nhất là dân và quan. Như điều 109, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, vốn chỉ dành cho những người bất đồng chính kiến. Điều luật này đã bị quốc tế lên án và gây áp lực rất nhiều vì bị áp dụng tuỳ tiện để đàn áp người dân. Rõ ràng, giảm án cho tội này là để làm dịu áp lực quốc tế. Lưu ý, đây chỉ là giảm, chứ đúng ra thì phải bỏ hẳn điều luật bất công này.
Còn tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì không phải chỉ có dân mới vận chuyển, mà gần đây có những vụ án cho thấy công an, quan chức cũng có tham gia các đường dây này.
Đối với các tội sản xuất buôn bán thuốc giả, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, gián điệp, tham ô tài sản, nhận hối lộ thì là những tội mà chỉ các quan chức CSVN có thể gây ra chứ người dân thường cũng không ai làm được như vậy. Ngay cả tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nhà nước mà nếu bị kết án tử hình thì phải rất nặng, chỉ có những sếp lớn mới làm được chuyện này.
Bởi vậy có một số quan điểm cho rằng CSVN cố tình bỏ 2 tội tử hình mà dân thường mắc phải là để mở đường giảm 6 tội tử hình cho các các bộ. Tỷ lệ 2-6 thì quan chức quá lời. Vừa có cái ăn nói với quốc tế về nhân quyền, vừa có thể yên tâm tham nhũng, hối lộ.
Quan sát 8 tội này thì gần đây cũng ít có trường hợp nào bị tuyên tử hình. Tuy nhiên việc giảm từ tử hình xuống chung thân có thể sẽ dẫn tới việc chạy án để xin ân xá, lo lót xin giảm thời gian chấp hành án chung thân sau 12 năm chấp hành án… Cho nên khi có tin các tội danh này được bỏ án tử hình thì người dân lại nghĩ ngay tới chuyện chạy án.
Nhiều quan điểm cho rằng tội bán thuốc giả chẳng khác nào đầu độc người dân, có yếu tố giết người hàng loạt. Những tội danh như tham ô, nhận hối lộ thì gây thất thoát ngân sách, giảm chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, gián tiếp gây ra rất nhiều tai nạn mỗi ngày.
Dù không trực tiếp, nhưng những tội này ảnh hưởng tới sinh mạng hàng triệu người, nếu không tử hình để răn đe mà chỉ chung thân, rồi giảm án thì quá coi thường sinh mạng người dân. Hơn nữa, các quan chức dù mang án chung thân, nhưng vẫn được “đặc cách” sống như vua chúa trong tù, chứ lâu nay không hề có chuyện quan chức phải ở tù như các tội phạm thông thường.
Nếu muốn chống tham nhũng thì những bản án phải có sức răn đe đủ mạnh để quan chức sợ mà không dám làm. Còn nếu không thì việc bỏ án tử hình với các tội danh này chỉ là phía công an muốn mở đường cho cán bộ tha hồ tham nhũng mà thôi.
____________________
Tham khảo: