Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ ngành đã quảng cáo kit test của Việt Á thì sao lại không mua?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Bộ Y tế đã đưa thông tin vậy thì mua thôi

 

Ông Huỳnh Hữu Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An – cho hay đơn vị này mua 10.000 kit xét nghiệm của Công ty Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin trên cổng thông tin của bộ.

“Ban đầu hơn 400.000 đồng, sau đó có thời điểm lên hơn 500.000 đồng. Nói chung lúc đó kit xét nghiệm này gần như độc quyền, lại cần gấp, mà bộ đã đưa ra thông tin vậy thì CDC Long An mua theo đúng quy định thôi. Sau này có đơn vị cung cấp kit xét nghiệm giá rẻ hơn thì chúng tôi không còn mua của Việt Á nữa” – ông Dũng nói thêm.

Theo văn bản ngày 2-7-2021 do vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế khi đó là ông Nguyễn Minh Tuấn ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và giá bán test xét nghiệm, vật tư do các đơn vị cung ứng công bố, Bộ Y tế đã giới thiệu bộ kit test Việt Á ở vị trí số 1, với khả năng cung ứng 3 triệu kit test/tháng, giá 470.000 đồng/kit test.

Đây là một trong số văn bản của Bộ Y tế gửi các tỉnh thành, cập nhật danh mục và giá kit test, vật tư y tế, giá kit test PCR LightPower của Việt Á luôn là 470.000 đồng/kit test.

Và đâu chỉ vậy, đầu năm 2020 nhiều quan chức cấp cao của Bộ Y tế và nhiều bộ ngành khác cũng rất “tán thưởng” chất lượng bộ xét nghiệm của Việt Á về độ nhạy, độ đặc hiệu.

Lãnh đạo Bộ Y tế khi đó cũng cho biết “đây là lần đầu tiên Việt Nam có một sinh phẩm được đăng ký quốc tế, ngay khi bệnh dịch bùng phát ở quy mô toàn thế giới”. Thông tin Việt Á đăng ký và được WHO phê duyệt đã được vị lãnh đạo này thông báo tại nhiều phiên họp chính thức.

Ngày 7-8-2020, trang web của CDC Hà Nội đưa tin có nội dung như sau:

“Sở Y tế Hà Nội đã tiếp nhận ủng hộ 10.000 Kit xét nghiệm virus SARS-COV-2 và 12.000 mặt nạ chống giọt bắn do Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Hệ thống Tiêm chủng vắc xin VNVC trao tặng với tổng trị giá là 6 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, bộ kít và sinh phẩm xét nghiệm này do Học viện Quân y, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất và đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành của Vương Quốc Anh, Tổ chức Y tế Thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, bộ kít và sinh phẩm xét nghiệm có độ nhạy lên tới 100% và đã được các đơn vị trong và ngoài nước sử dụng.

Thành phố Hà Nội xác định có khoảng 94 nghìn người đi từ Đà Nẵng về Hà Nội từ ngày 8-7, trong đó đã làm test nhanh cho hơn 72 nghìn trường hợp. Theo các chuyên gia y tế, phương pháp làm test nhanh chỉ mang tính chất tương đối và tỷ lệ chính xác là khoảng 65%. Chính vì vậy, Thành phố đã yêu cầu ngành Y tế phải sớm triển khai xét nghiệm RT-PCR cho tất cả những trường hợp từ Đà Nẵng trở về nhằm phát hiện các ca bệnh một cách chính xác và kịp thời, tránh bỏ xót ca bệnh tại cộng đồng. Theo dự kiến bắt đầu từ ngày hôm nay (7-8), Hà Nội sẽ tiến hành lấy mẫu cho tất cả những trường hợp từ Đà Nẵng trở về để làm xét nghiệm PCR.

Phát biểu tại buổi tiếp nhận, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã hoan nghênh  các đơn vị đã chung tay và tích cực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, đã hỗ trợ bộ kít và sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR, giúp cho các đơn vị y tế thực hiện các xét nghiệm, phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng”.

Ngày 26-2-2021, bà Trần Thị Nhị Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thay cho ông Nguyễn Khắc Hiền nghỉ hưu.

Trong một trao đổi với báo chí vào sáng ngày 17-3-2000, ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa và Công nghệ cho biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19. Tiếp lời Thứ trưởng Phạm Công Tác, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết trong số các khách hàng của Việt Á, riêng thành phố Hà Nội đã  thông báo đặt mua 200.000 test (4.000 bộ) để sử dụng tại chỗ và dành tặng cho các bệnh viện ở Ý, một trong những ổ dịch lớn nhất Châu Âu.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc khi ấy cho biết hiện mỗi ngày Việt Nam có thể sản xuất được hàng chục ngàn bộ test với mức giá khoảng 500.000 đồng cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm tất cả các vật tư, thiết bị đi kèm. Nhờ vậy, trong trường hợp xấu khi chẳng may dịch bùng phát, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ động cung ứng về nguồn kit xét nghiệm.

Theo ông Phạm Công Tạc, số liệu của CDC Hoa Kỳ cho thấy, Việt Nam thuộc top những nước đứng đầu về khả năng kìm chế dịch bệnh Covid-19. Kết quả này dựa trên rất nhiều các số liệu khoa học như số người bị nhiễm bệnh, số người tử vong, tỷ lệ số người bị bệnh trên tổng dân số và tỷ lệ số người nhiễm Covid-19 được xét nghiệm trên tổng số người bị bệnh,… “Thành công này có những đóng góp rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh. Điều này đặc biệt có giá trị trong công tác kiểm soát dịch bệnh”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Dẫn chứng về vấn đề trên, ông Tạc cho biết Hàn Quốc đã dùng tới 22.000 kit test xét nghiệm để tìm ra 500 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19, nhờ vậy đã sớm khoanh vùng được dịch bệnh này.

Như vậy, với một số tình tiết cụ thể kể trên, liệu mấy ai ngờ vực rằng dường như tất cả đều không có thật, và đây chỉ thuần là cú áp phe chụp giựt lúc cả thế giới đang bối rối về con vi-rút đến từ Vũ Hán, Trung Quốc.


Tin bài liên quan:

VNTB – COVID-19: Tập Cận Bình và ĐCSTQ nợ thế giới lời xin lỗi

Phan Thanh Hung

VNTB – Thả gà ra đuổi và những con số thống kê ban đầu

Phan Thanh Hung

VNTB – Từ trì hoãn đến tuyệt vọng: chuyện bài trung và vắc xin COVID-19 ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo