Nguyễn Huyền
(VNTB) – Ngài thượng thơ văn hóa Nguyễn Văn Hùng lớn tiếng hình sự hóa quyền nhận định một bộ phim, và im lặng trước một di sản thiên nhiên thế giới bị xâm hại.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có hành vi vi phạm vào điều 6 “Đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý” thuộc 19 điều Đảng viên không được làm theo Quy định 37-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25-10-2021.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã lớn tiếng đe dọa về những ai đã phê phán phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” như sau: “Dư luận cho rằng có biểu hiện này, biểu hiện khác thì đó là những dư luận chưa thật chuẩn xác, cần được xem xét, tính toán và xử lý theo quy định. Nếu có xúc phạm bôi xấu thì xử lý theo các quy định hiện hành”.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhìn nhận về chính trị thì “quan điểm của Bộ trưởng như vậy là không thỏa đáng”.
“Dư luận là biểu hiện trạng thái của xã hội rất bình thường. Dư luận có cái tốt, có cái sai, cái xấu, không phải cái nào đưa ra cũng để “đánh cho ai đó chết” mà để nêu quan điểm rõ ràng, tốt đẹp hơn. Không nên đánh đồng dư luận, nhất là các ý kiến để bảo vệ tính chân thực, giá trị lịch sử.
Trong quản lý, cơ quan quản lý nhà nước phải lắng nghe để điều chỉnh nếu cần thiết” – ông Trịnh Xuân An biện luận và nhấn mạnh: “Bộ phim có thể hay ở góc độ điện ảnh nghệ thuật, có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử, văn hóa dân tộc thì phải chân thực và không được làm méo mó. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải làm rõ đâu là hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh”.
Ở đây cần đặc biệt lưu ý là việc lớn tiếng đe dọa như nêu trên của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có bối cảnh là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7-11, khi đại biểu đặt câu hỏi với các tư lệnh ngành về việc bảo vệ người dân trước tình trạng xâm hại trên không gian mạng đang ngày càng nghiêm trọng.
Đối với lĩnh vực văn hóa, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, ngoài câu chuyện của phim ảnh, còn rất nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm. Đại biểu An lấy ví dụ câu chuyện có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, quá nhiều hoa hậu có cần thiết cho xã hội không? Công tác quản lý các cuộc thi sắc đẹp như thế nào? Đây là những vấn đề chính đáng mà dư luận đặt ra và cơ quan quản lý phải quan tâm để có chính sách phù hợp chứ không phải chăm chăm đi xử lý. Mà muốn xử lý cũng phải theo quy định chứ không thể tùy tiện.
Ông Trịnh Xuân An là một cử nhân luật, và tư cách chính khách, ông đã cân nhắc trong góp ý Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về vấn đề dường như nghiêng về hướng “tư tưởng chính trị” nhiều hơn. Bởi ông hiểu nếu mang chuyện luật ra để tranh luận, như chuyện Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã viện dẫn Luật an ninh mạng ra đe dọa, thì sợ lòi ra ngay những chuyện “dốt hay nói chữ” của ông Hùng.
Nhiều người, trong đó có cả cá nhân ông Nguyễn Văn Hùng lấy cái cớ phim là phái sinh của tác phẩm văn học nên có quyền hư cấu đối với phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”.
Thực tế, phái sinh là một quyền nhưng nó phải được sự chấp thuận từ tác giả bản gốc, hoặc người nắm giữ quyền sở hữu quyền tác giả bản gốc. Trong công ước Berne mà Việt Nam cũng là một thành viên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền tối thượng của tác giả.
Và ở trong trường hợp bản phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”, nó không thể được gọi là bản phái sinh của tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi đơn thuần. Việc sử dụng các nhân vật có trong phim truyền hình “Đất phương Nam” năm 1997 như ông Tiều, bác Ba Phi… cùng cốt truyện gần giống “Đất phương Nam” 1997 và cũng dời bối cảnh về thập niên 20-30 cho thấy “Đất rừng phương Nam” 2023 là phái sinh của phái sinh. Nôm na, nó phái sinh từ “Đất phương Nam” 1997, một bản phái sinh của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam.
Trở lại với 19 điều cấm đảng viên được nêu tại Quy định 37-QĐ/TW, cho thấy với những gì vừa diễn ra, cần xem xét dấu hiệu hành vi vi phạm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vào điều 6 “Đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý”.
Ông Nguyễn Văn Hùng cần bị khai trừ khỏi hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.