Nguyễn Nam
(VNTB) – Hai bên thẳng thắn trao đổi và thống nhất giải quyết xuất phát từ tầm cao chiến lược, lợi ích chung của hai nước, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, ổn định”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam – Trung Quốc tại hội đàm diễn ra sáng 23-4-2022 ở Trung tâm Hội nghị huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Chưa thấy điểm đột phá
Một năm trước, ngày 24-4-2021, thượng tướng Phan Văn Giang – tân bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam – cùng đoàn đại biểu cấp cao qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sang Đông Hưng (Trung Quốc), tham dự hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Thông cáo báo chí ở lần gặp gỡ năm 2021 cho biết, về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có, như Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; hợp tác giữa các quân, binh chủng, học viện, nhà trường; tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quân sự, quốc phòng đa phương…
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; bảo vệ chặt chẽ biên giới, ngăn chặn tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch lây lan qua biên giới…
Về những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, hai bên thẳng thắn trao đổi, thống nhất giải quyết xuất phát từ tầm cao chiến lược, lợi ích chung của hai nước, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Năm nay, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã thăng hàm đại tướng, nhưng nội dung công khai về tin tức ở hội đàm này vẫn chung chung tương tự như một năm trước đó. Theo đó, thông cáo báo chí cho biết hai bên khẳng định, mô hình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung đã góp phần quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước, hai Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có như: Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; hợp tác giữa các quân, binh chủng, học viện, nhà trường; tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quân sự, quốc phòng đa phương…
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc; bảo vệ chặt chẽ biên giới, ngăn chặn tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch lây lan qua biên giới…
Về những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, hai bên thẳng thắn trao đổi và thống nhất giải quyết xuất phát từ tầm cao chiến lược, lợi ích chung của hai nước, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam vẫn ‘mềm mỏng ngoại giao’ là chính?
Năm tuần lễ trước đó, trả lời câu hỏi về việc sau khi giao thiệp với Trung Quốc ngày 7-3, Việt Nam có biện pháp gì để yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động này, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Lập trường của Việt Nam về việc này đã được nêu rõ vào ngày 7-3-2022”.
Bà Hằng nói thêm: “Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông”.
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tiếp tục giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này.
Về thông tin Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn một số đảo mà nước này bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng lưu ý, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
“Việc thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế như được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN, không có lợi cho duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông” – bà Phạm Thu Hằng nói.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hóa, không có hành động gây ra căng thẳng, duy trì điều kiện thuận lợi, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”.
Về quan điểm của Việt Nam với việc cựu thẩm phán tối cao Philippines gần đây đề xuất nước này nên tuần tra chung Biển Đông với Việt Nam và các nước khác trong khu vực, bà Phạm Thu Hằng cho hay: “Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Hàng loạt tin tức trong nội dung phát biểu của bà Phạm Thu Hằng, không rõ có nằm trong chương trình của tướng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 23-4-2022.
Tính chủ động của quốc phòng Việt Nam trong đối ngoại đa phương?
Có lẽ cũng điểm qua một số điểm đáng chú ý ở Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2016 – 2021, phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025 mà Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức hồi trung tuần tháng 4-2022.
Tại hội nghị, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói rằng Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, diễn biến tình hình thế giới, khu vực và các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch Covid-19… cần được nắm chắc, theo dõi sát để làm tốt công tác tham mưu chiến lược về đối ngoại quốc phòng; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội trong công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của đất nước.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quan hệ, lĩnh vực hợp tác quốc phòng phù hợp; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên giới, phối hợp thực thi pháp luật trên biển, khắc phục hậu quả chiến tranh.
“Đối ngoại quốc phòng đa phương có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Việt Nam đã tích cực tham gia có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế” – thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết như vậy.