VNTB: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 24/05, đã cho biết, việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng cao 30% trong thời gian ngắn như vừa qua là hợp lý.
Theo lý giải của ông, diễn biến giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay (21/5) so với thời điểm thấp nhất (2/2015) đã tăng 38,3%. Trong khi giá bán lẻ trong nước của chúng ta tăng 30%.”
30% là “hợp lý”, chắc chắn là thế, bởi Bộ trưởng đã bày tỏ quan điểm trên cơ sở, không coi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu tại Việt Nam – một mặt hàng không chỉ ảnh hưởng đến cước vận tải, mà cả giá cả hàng hóa tiêu dùng của hàng triệu hộ gia đình, doanh nghiệp.
30% là “hợp lý”, cũng phải thôi. Bởi sau hai lần tăng giá gần đây, giá cũng chỉ tăng 3.150 đồng/ lít, năm trong “hạn mức chấp nhận được” như cái câu mà Bộ Tài chính đã vỗ về dân trước đây, “Giá xăng đáng lẽ tăng 3.300 đồng một lít.”
Và chắc chắn là tăng “hợp lý”, ít nhất là nó giúp cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bớt than vãn với Dân, khi vừa công bố kết quả kinh doanh tăng lãi 80% so với cùng kỳ. Và nó hợp lý khi Bộ trưởng bảo rằng, 300% thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng dầu dù rằng, sau sau đợt tăng thuế, giá xăng tăng đã tăng tới 2 lần.
Và càng phải nhấn mạnh là “hợp lý” vì nó điều tiết theo kiểu “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” với việc khi giá xăng dầu thế giới trong đà giảm thì giá xăng dầu trong nước vẫn kiên quyết trụ giá, đến khi giá thế giới tăng thì lại nhanh chóng bắt kịp xu hướng đó của thế giới.
Tất cả là “hợp lý” phải không? Thưa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng?
Thiết nghĩ, làm chính sách, trong đó có việc điều hành giá xăng dầu không làm ở cấp độ là một người có lương tháng mười mấy triệu, đi xe công nhà nước, ăn uống đã có hóa đơn cơ quan lo… Mà hãy đặt vào trong hoàn cảnh một người dân bình thường, luôn phải cân đong đo đếm với cơm ngày hai bữa, đi làm bằng xe bus hoặc xe máy cá nhân… Bởi làm chính sách, không phải là làm cho tầng lớp siêu giàu, mà phải xuất phát từ lợi ích của tầng lớp bình dân trong xã hội.
Như vậy mới thực sự là hợp lý, thưa bộ trưởng!
Tin liên quan: Chia sẻ trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 24/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng khoảng 30% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm là hợp lý…
Tối ngày 20/5, Liên bộ Công thương-Tài chính đã quyết định tăng giá bán các mặt hàng xăng thêm 1.200 đồng/lít; sau khi đã tăng 1.950 đồng/lít vào ngày 4/5 trước đó.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng lần thứ 3 với mức tăng tổng cộng gần 30% so với giá bán lẻ đầu năm.
Việc giá xăng tăng liên tục đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là lo ngại về việc tăng giá xăng sẽ kéo theo một loạt các mặt hàng khác tăng giá theo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Để giải đáp những thắc mắc về vấn đề này, trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện giá xăng và việc điều hành giá cả hiện nay.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, điều hành giá xăng tuân theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước thời gian vừa qua là hợp lý. Giá bán lẻ xăng dầu đã tăng khoảng 30% so với giá thời điểm đầu năm.
Người đứng đầu ngành Tài chính lý giải, giá xăng dầu thế giới hiện tại tính đến ngày 21/5 là 60,72 USD/thùng. Thời điểm thấp nhất là vào tháng 2/2015 với mức giá 43,9 USD/thùng.
“Diễn biến giá xăng dầu thế giới hiện nay so với thời điểm thấp nhất đã tăng 38,3%; trong khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng 30%. Điều này cũng khẳng định việc vừa qua chúng ta điều chỉnh thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên, ví dụ xăng tăng từ 1000 đến 3000 đồng/lít.” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về thuế suất nhập khẩu trong đó có xăng dầu. Theo đó, từ ngày 15/4/2015, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%.
Theo tính toán của Bộ, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% lớn hơn số tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1000 đến 2000 đồng. Do vậy, công cụ điều hành về thuế đã phát huy tác dụng và có tác động giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước thời gian vừa qua.
Trong khi đó, giải đáp thắc mắc về việc giá xăng tăng như vậy cộng với với giá điện bán lẻ bình quân tăng khoảng 7% sẽ khiến cho nhiều mặt hàng nhấp nhổm tăng giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm hạn chế việc lợi dụng tăng giá.
Thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan về quản lý giá.
Thứ hai, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, tăng cường giám sát chặt chẽ việc kê khai giá danh mục các mặt hàng phải kê khai giá.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các quy định về giá và xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo Trí thức trẻ