Việt Nam Thời Báo

VNTB – Các chiến hạm Hoa Kỳ và ‘FONOP’ mới trên Biển Đông

biển đông

Trần Trung Đạo

 

Giới thiệu:

Bài viết bàn về sự có mặt của hai nhóm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ngay sau khi USS John S. McCain thực hiện chuyến Tuần Tra Tự Do Hàng Hải (FONOP) trong đó có đi sát với quần đảo Hoàng Sa. Tuần tra Eo Biển Đài Loan liên tục là một cách để tái khẳng định chiến lược bảo vệ Đài Loan của TT Truman năm 1950 và hủy bỏ chiến lược của TT Eisenhower 1954. Các mục đích chính của FONOP là gì?

Tập Cận Bình cố tình khai thác các mối bất hòa trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ nhưng đã không thành công. Trong mỗi thời kỳ phương pháp có thể khác nhưng về dài hạn chiến lược bao vây và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng trên vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được TT Trump đề ra tại Đà Nẵng đầu tháng 11, 2017 sẽ không thay đổi. Và cuối cùng, Việt Nam đứng đâu trong tranh chấp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

————————————

Trong một thông cáo báo chí của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ công bố từ bản doanh đặt tại Nhật Bản, khu trục hạm USS John S. McCain đang tiến vào Eo Biển Đài Loan. Mục đích của chuyến hải hành lần này là để “chứng tỏ cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở.”

Ngoài ra, theo Reuters, sáng nay 9 tháng 2, 2021 hai nhóm tấn công thuộc hai Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ gồm USS Theodore Roosevelt Carrier và USS Nimitz Carrier đang điều khiển một cuộc tập trận phối hợp trên Biển Đông. Đây là cuộc tập trận đầu tiên kể từ tháng Bảy năm 2020.

Hôm 4 tháng 2, 2021, trên đường tiến đến Eo Biển Đài Loan, USS John S. McCain cũng đã đi gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do Trung Cộng (TC) chiếm đóng và dĩ nhiên không thông báo cho phía TC biết.

Nhắc lại, khu trục hạm USS John S. McCain được vinh dự mang tên của ba người cùng dòng họ McCain. Khi hạ thủy năm 1994, tàu chiến này mang tên cố Đô Đốc John S. McCain Sr. và con trai ông là cố Đô Đốc John S. McCain Jr. Tháng Sáu, 2018, khu trục hạm còn được vinh dự mang thêm tên của Thượng Nghị Sĩ John S. McCain III, một cựu sĩ quan Hải Quân và là cháu nội của của cố Đô Đốc John S. McCain Sr.

Khủng hoảng Eo Biển Đài Loan có một lịch sử nóng lạnh kéo dài từ 1950. Vào thời điểm đó TT Truman ra lịnh Đệ Thất Hạm Đội tiến vào eo biển để bảo vệ Đài Loan từ các cuộc tấn công bằng đổ bộ của TC.

Tuy nhiên đến thời TT Eisenhower, sau khi ký Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương Hoa Kỳ- Đài Loan (Sino-American Mutual Defense Treaty) năm 1954, hải quân Hoa Kỳ rút ra khỏi Eo Biển Đài Loan. Điểm đáng lưu ý là hiệp ước này chỉ nhấn mạnh đến việc bảo vệ Đài Loan và Bành Hồ (Penghu) mà không có các đảo Quemoy hay Kinmen (Kim Môn) và Matsu (Mã Tổ).

Từ đó đến nay Eo Biển chiến lược này đã trải qua nhiều xung đột quân sự và hiện nay cùng với Biển Đông là hai điểm nóng nhất trong Thái Bình Dương. Nếu chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, nước của eo biển có chiều ngang 160 km này sẽ đổi thành màu đỏ.

Bằng giọng điệu cố hữu, Wang Wenbin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TC phản đối: “Trung Quốc sẽ tiếp tục cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với mọi đe dọa và khiêu khích bất cứ lúc nào, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng cho hòa bình và ổn định của khu vực, thay vì ngược lại.”

Lần đầu trong năm 2021 nhưng không phải lần đầu từ trước đến nay. Năm ngoái cũng chính USS John S. McCain đã thực hiện chuyến hải hành vào Eo Biển Đài Loan trong một hành động được gọi tắt là FONOP. Thực hiện các FONOP trong khu vực là một cách tái khẳng định quan điểm của TT Truman không chỉ bảo vệ Đài Loan mà bảo vệ cả Eo Biển Đài Loan.

FONOP là chữ viết tắt của Freedom of Navigation Operations (Tuần Tra Tự Do Hàng Hải). FONOP trên Biển Đông đã được thực hiện từ thời TT Obama nhưng nhịp độ chậm hơn thời TT Trump. Tiếp nối chính sách của TT Trump, chưa đầy một tháng từ khi nhậm chức TT Joe Biden đã tiến hành FONOP.

Mục đích của FONOP?

FONOP của Hoa Kỳ nhắm vào bốn mục đích.

Thứ nhất, duy trì không gian tự do hải hành trên Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông phù hợp với các điều khoản được quy định bởi UNCLOS.

Thứ hai, cô lập để dẫn tới vô hiệu hóa các “status quo” (tình trạng hiện hữu) mà Trung Quốc vừa thiết lập qua hình thức các đảo nhân tạo.

Thứ ba, thách thức trực tiếp và phủ nhận chủ quyền của TC trên các quần đảo của Biển Đông không bằng những tuyên bố suông mà bằng hành động cụ thể.

Thứ tư, về mặt quân sự, Mỹ muốn cho TC thấy các căn cứ quân sự nổi mà họ xây dựng cách lục địa hàng ngàn dặm chỉ là những điểm tập tác xạ của hải quân Mỹ một khi có chiến tranh.

FONOP rất quan trọng. Như người viết đã bàn trong những bài trước đây, trong điều kiện hiện nay chưa có một biện pháp quân sự nào khác làm TC lo ngại hơn.

Các liên minh quân sự đang được thai nghén. Nhưng cho đến khi thành lập được một liên minh quân sự kiểu NATO tại Á Châu trong đó cho phép sự có mặt thường xuyên kể cả thả neo của tàu chiến Mỹ tại các đảo trên Biển Đông, FONOP là biện pháp trả đũa cứng rắn duy nhất áp dụng được. Bất cứ một hành động không kềm chế được của một bên cũng có thể dẫn đến chiến tranh, một viễn ảnh mà Tập Cận Bình không dám nghĩ tới và tìm mọi cách tránh né.

Tập Cận Bình chờ tới giờ chót của chức vụ ngoại trưởng, 20 tháng 1, 2021, để “trừng phạt” Mike Pompeo vì đã “can thiệp vào nội tình Trung Quốc”. Cùng lúc, họ Tập tuyên bố sẽ hợp tác với chính phủ Joe Biden để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. TC nghĩ rằng cứng rắn với Mike Pompeo và dịu giọng với Joe Biden sẽ dẫn tới một không khí hòa hoãn trong quan hệ Mỹ-Trung. Họ Tập quên một điểm, trong truyền thống đối ngoại của Mỹ, chiến thuật có thể khác nhau nhưng chiến lược đối ngoại chính, từ Truman (Dân Chủ) tới Eisenhower (Cộng Hòa) trước đây hay từ Trump (Cộng Hòa) tới Biden (Dân Chủ), về căn bản, không khác.

Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Hoa Kỳ, cựu Đại tướng Lục Quân và nguyên Tư lịnh Bộ Tư Lịnh Trung Tâm của quân đội Hoa Kỳ Lloyd Austin khẳng định Trung Cộng là đe dọa lớn nhất đối với an ninh và quyền lợi Mỹ. Ông cũng nhắc một cách tích cực đến Chiến Lược Quốc Phòng 2020 được soạn thảo dưới thời TT Trump: “Tôi nghĩ rằng phần lớn tài liệu này hoàn toàn phù hợp với những thách thức ngày nay.”

Trả lời câu chất vấn của Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa, Missouri) rằng giữa TC và Nga, quốc gia nào là đối thủ hàng đầu của Mỹ, cựu tướng bốn sao Lloyd Austin, người từng chịu trách nhiệm quân sự Hoa Kỳ trong một khu vực gồm 20 quốc gia, cho rằng “Trung Quốc sẽ là mối đe dọa đáng kể nhất trong tương lai bởi vì Trung Quốc đang gia tăng, trong khi Nga cũng là một mối đe dọa, nhưng đang suy giảm.”

Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đánh giá Nga như vậy. Trong các tranh chấp quốc tế, Putin chỉ là một kẻ cơ hội. Nga không phải là đối thủ đáng ngại của Mỹ. Nền kinh tế Nga tính theo GDP còn nhỏ hơn của Nam Hàn, Canada, Ba Tây, Ý, Pháp. Kho bom nguyên tử vẫn còn đó nhưng vào thời buổi này không mang ra dọa được ai.

Trong bài viết Tương Lai Của Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) cuối năm 2020, người viết tin rằng dù các tổng thống Mỹ tới là ai “Chiến lược Tự do và Mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (Free and Open Indo-Pacific Strategy) do TT Trump đưa ra tại Đà Nẵng năm 2017 sẽ không thay đổi.

Cho dù TT Joe Biden có muốn thay đổi cũng không được. Giống như các chủ thuyết Monroe chống lại sự can thiệp của Châu Âu vào Châu Mỹ và chủ thuyết Truman ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS, Chiến lược Tự Do và Mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xem là chiến lược của Hoa Kỳ trong thời đại này. Chiến lược đó không phải riêng của một tổng thống nào mà phản ảnh quan điểm của lưỡng đảng Hoa Kỳ.

Mục đích tối hậu của Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là giới hạn sự bành trướng của TC. Tuy nhiên, phương pháp thực hiện sẽ khác rất xa với các phương pháp được áp dụng trong Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô. Liên Xô chỉ có 4 phần trăm GDP do mậu dịch quốc tế. Ngày nay, bảng tổng kết các quan hệ mậu dịch đa phương giữa các quốc gia đang tranh chấp về chủ quyền hay về quyền lợi trong vùng Biển Đông là một bảng phân tích vô cùng phức tạp. Những quốc gia có tranh chấp với TC lại là những nước có quan hệ mậu dịch lớn nhất với TC. Xung đột Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì thế, sẽ là một mặt trận khó khăn và cần nhiều thời gian để giải quyết.

Việt Nam ở đâu trong tranh chấp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Ngày 13 tháng 7, 2020, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao, Michael R. Pompeo trong tư cách ngoại trưởng đã ra một bản tuyên bố cứng rắn bác bỏ các đòi hỏi, tuyên bố về chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông. Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh “Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”

Lịch sử thế giới cho thấy xung đột giữa các cường quốc bao giờ cũng là cơ hội cho các nước khôn ngoan. Trong Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, phần lớn các nước Tây Âu và Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore ở Á Châu đều trở nên giàu có trong một thời gian kỷ lục nhờ đã nắm lấy cơ hội kinh tế do Mỹ đem lại cho quốc gia họ. Năm 1968 là năm người Việt cả hai miền đổ nhiều máu nhất nhưng cũng là năm kinh tế Nhật gia tăng cao nhất trong lịch sử với 12.88 phần trăm.

Tính đến năm 1989, để bao vây Liên Xô, Mỹ có liên minh quân sự với 50 quốc gia và chi một ngân khoản khổng lồ lên đến tám ngàn tỉ dollar cho các lãnh vực quốc phòng. Liên Xô không thể tạo được một đối lực tương đương. Khối quân sự Warsaw (Warsaw Pact) trong thực tế chỉ là một nhóm các nước CS chư hầu đặt hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Liên Xô. “Thành tựu” của tổ chức này là đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary (1956) và Tiệp Khắc (1968).

Khác với các nước CS Đông Âu trước đây không có chọn lựa nào khác ngoài số phận tầm gửi trên thân cây Liên Xô đang rã mục, CSVN có chọn lựa.

So với Philippines, Việt Nam bị TC cướp gấp nhiều lần hơn. TC không những chiếm toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa mà còn nhiều lần đe dọa, hiếp đáp các tàu đánh cá của ngư dân Việt. Nhưng cho đến nay, giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn chọn im lặng khi hải quân Mỹ thực hiện các FONOP trong khu vực Biển Đông và cho đến nay CSVN chọn đứng ngoài “Chiến lược Tự do và Mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong thời TT Trump, các Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ từ Jim Mattis đến Mark Esper gần như thăm viếng Việt Nam hàng năm. Hoa Kỳ nấu nướng, dọn sẵn lên bàn chỉ còn chưa đút vô miệng CSVN mà thôi.

Nhưng tại sao CSVN im lặng? Một số quan sát viên cho lý do kinh tế thương mại ảnh hưởng quyết định im lặng của đảng CSVN.

Thật ra chưa hẳn vậy. Việt Nam không phải là nước duy nhất có quan hệ kinh tế lớn với TC. Đài Loan, một nước mà lúc nào TC cũng muốn ăn tươi nuốt sống là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào TC. Chỉ riêng mậu dịch giữa hai bờ eo biển, năm 2018, lên đến 150 tỉ dollar. Điều kiện mậu dịch tương tự cũng đang diễn ra giữa Ấn Độ với TC hay giữa Nhật Bản với TC.

CSVN im lặng chỉ vì giữa TC và CSVN có một mối quan hệ đặc biệt mà các quốc gia khác không có, đó là sự lệ thuộc tư tưởng chính trị của đảng CSVN vào đảng CSTQ, và ngày nào sự lệ thuộc này còn tồn tại, ngày đó CSVN sẽ còn im lặng.

Nguồn: Chính luận Trần Trung Đạo


Tin bài liên quan:

VNTB – Hai tàu sân bay Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông

Phan Thanh Hung

Miếng bả chủ nghĩa quốc tế vô sản trong tay Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân chủ cho Việt Nam, khó khăn và hy vọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo