Việt Nam Thời Báo

VNTB – Các Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Lập đài kỷ niệm này, chúng tôi chỉ muốn cho mọi người Phật tử Việt Nam nhớ lại công đức của những người đã hy sinh… để tự mình đừng quên nhiệm vụ của chính mình đối với Dân tộc, đối với Đạo pháp

 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh thư tý, kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đã ký phát hành một văn bản kêu gọi hưởng ứng sự kiện kỷ niệm 60 năm các Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam.

Lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất

Văn bản có toàn văn như sau:

“Kính gởi Bốn chúng Đệ Tử.

Quý mão, Phật đản rằm tháng tư, đài phát thanh Huế.

Buổi tối, các Phật tử và các khuôn hội Phật giáo gần đài tụ tập trước đài yêu cầu được nghe phát thanh lại lễ Phật đản buổi sáng tại chùa Từ Đàm, theo thông lệ các năm.

Giám đốc đài từ chối yêu cầu với lý do theo lệnh từ Dinh Cố vấn và Tòa Tỉnh trưởng. Nhưng quần chúng Phật tử tại hiện trường kiên quyết yêu cầu, không chịu giải tán do đó Chư Tôn đức từ chùa Từ Đàm đến trước đài để trấn an Phật tử và yêu cầu Tỉnh Trưởng trực tiếp giải thích lệnh cấm.

Một lát sau, Tỉnh trưởng đến, cùng hội kiến và thảo luận với Chư Tôn đức, nhưng cuộc thảo luận chưa có kết quả thì xuất hiện xe tăng và quân lính. Đám đông bắt đầu rối loạn cùng với tiếng súng nổ và tiếng kêu la.

Kết quả sau đó tám em Oanh Vũ Gia đình Phật tử Việt Nam bị chết và nhiều số Phật tử khác bị thương.

Máu của những người con Phật Việt Nam đã đổ và tiếp theo là những ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Chư Tăng Ni và Phật tử đã bốc lên để soi sáng lối đi của Dân Tộc và Đạo Pháp cùng lúc đánh thức lương tâm nhân loại, trước những thế lực hung tàn bị thúc đẩy bởi tham vọng quyền lực thống trị.

Mùa pháp nạn 1963 của Việt Nam bắt đầu.

Sáu mươi năm, một vòng Hoa giáp đã trôi qua; đó cũng là đánh dấu một chu kỳ vận hội thăng trầm của lịch sử.

Sau mùa pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, tập hợp tất cả các hệ phái, tông phái Nam truyền Bắc truyền, cùng hòa hợp dưới bóng đức Thích Tôn và Giáo Pháp thiện thuyết để cống hiến ước nguyện hòa bình Dân Tộc, cùng phát huy truyền thống bao dung và nhân ái từ những ngày dựng nước và giữ nước, kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Lịch Đại Tổ Sư, các Quân vương và các Anh hùng Phật tử.

Sáu mươi năm trôi qua, mặc dù các thế lực chính trị đã bằng mọi thủ đoạn gây phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo giáo hội; dù vậy, những cống hiến của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, dưới sự lãnh đạo đồng tâm nhất trí của Chư Tôn đức trong các hệ phái Bắc truyền và Nam truyền đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội trong ước nguyện hòa bình Dân Dộc.

Sáu mươi năm trôi qua, với những thăng trầm và những oan khiên lịch sử, cùng với những phân hóa sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo giáo hội; ngọn đèn Chánh Pháp vẫn âm thầm soi sáng hướng đi cho những người con Phật trong những đêm tối của lịch sử. Cho đến lúc, Phật Giáo Việt Nam tất yếu vươn mình tự đứng dậy, tái phục hồi những giá trị đang bị lu mờ, tiếp tục sứ mạng lịch sử như đã từng trong truyền thống của dân tộc.

Để tưởng niệm công đức vô biên và tinh thần vô úy đã hi sinh thân mạng cho đèn Chánh Pháp trường tồn và Dân Tộc văn minh hưng thịnh trong một thế giới tự do, bình đẳng và những giá trị cơ bản của con người được tôn trọng, chúng đệ tử Phật tùy duyên, tùy phương tiện, công cũng như tư, tại các Tự viện hoặc tại tư gia, tổ chức những buổi lễ trang nghiêm thanh tịnh, nhiếp tâm cầu nguyện bốn chúng đệ tử Phật cùng hòa hiệp đồng học đồng tu, kế thừa và tăng trưởng tâm nguyện của chư Thánh tử đạo vị pháp vong thân”.

Đài Thánh tử đạo ở Huế

Để tưởng nhớ sự kiện bi thảm ngày 8-5-963, vào ngày vía Đức Phật A Di Đà năm 1965, một đài tưởng niệm Thánh tử đạo nằm bên bờ sông Hương, ngay đầu múi Nam cầu Trường Tiền, trước đài phát thanh cũ được đặt đá xây dựng nhằm 17 tháng 11 năm Ất Tỵ 1965. Theo đồ án kiến trúc của kỹ sư Ngô Nẫm, đài được thiết kế gồm 3 phần: phần đế, phần thân và phần đỉnh.

Phần đế được xem như phần mộ, gồm trụ đế và đài, có chiều cao 0,8m, chu vi khoảng 9,91m; phần đài hoa dễ nhận dạng hơn, vì đó là cả một hoa sen cách điệu gồm 8 cánh, biểu trưng cho Bát Thánh đạo, mà cũng là biểu trưng cho 8 vị Thánh tử vì đạo.

Phần thân được xây theo hình khối lăng trụ gồm 4 mặt. Phần bên dưới được đúc hình vuông có cạnh 0,9m, tiến dần lên trên cạnh thu hẹp lại còn 0,77m và chiều cao của tháp là 1,28m.

Mặt tiền tháp hướng ra ngã tư, được dùng làm bia ghi lạc khoản “Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật lịch 2507, ngày 8.5.1963” ở bên trên, “Giáo hội Thừa Thiên phụng lập” ở phía dưới và ở giữa ghi pháp danh và thế danh 8 vị Thánh tử đạo vào đêm mùng 8 tháng 5 năm 1963, tức đêm rằm tháng 4, PL. 2507:

Tâm Đồng – Đặng Văn Công.

Tâm Thành – Dương Viết Đạt.

Tâm Thanh – Nguyễn Thị Yến.

Tâm Thông – Nguyễn Thị Phúc.

Tâm Hiển – Lê Thị Kim Anh.

Tâm Thuận – Trần Thị Phước Trị.

Tâm Chánh – Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Tâm Tôn – Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoà.

Phía sau bia tháp là bài minh bằng chữ Hán được viết theo lối chân phương khắc sâu vào đá cẩm thạch, mà đã có lời dịch vô cùng thống thiết:

“Toàn thiện thay, Tám vị Thánh!

Sanh là tuấn anh, chết thành Thánh linh.

Sông Hương núi Ngự, rạng rỡ kết tinh.

Chánh ngược triều Ngô thân dẫu gặp,

Hồn mai nước Phật kiếp lai sanh.

Thà cam nát thịt tan xương, giữ gìn Chánh pháp,

Mặc kẻ báng Tăng huỷ Phật, họ phải hy sinh.

Nhìn xưa rồi ngó lại nay, kẻ đại bi rồi mới là đại lực,

Không sau mà chẳng có trước,

Chỉ tranh đấu cho thấy uy danh”.

Phần đỉnh là một đài hoa được trang trí bằng hình lá sen ngược và 3 quả cầu chồng lên nhau biểu trưng cho Tam bảo Phật-Pháp-Tăng. Chiều cao của phần đỉnh ước chừng 1,5m. Phía trên cùng là bánh xe Pháp 12 nan được đúc bằng đồng, biểu thị cho 12 nhân duyên. Như vậy, tổng chiều cao của đài gồm 3 phần đế, thân và đỉnh vừa chẵn 6m.

Non nửa thế kỷ trôi qua, thành phố Huế đã có nhiều thay đổi, ngôi nhà “Đài Phát thanh” nơi diễn ra biến cố đã bao lần thay ngôi đổi chủ và giờ đây cũng đã biến mất để tạo thành vườn hoa. Con đường Lê Lợi cũng đã bao lần được nâng cấp làm cho hiện trạng Đài Thánh tử đạo vốn đã rất “khiêm tốn” nay lại càng “khiêm tốn” hơn.

Đài Thánh tử đạo luôn in hình trong tâm thức người Phật tử Việt Nam nói chung và người Phật tử Huế nói riêng, và vẫn còn vang vọng mãi lời người xưa “… Lập đài kỷ niệm này, chúng tôi chỉ muốn cho mọi người Phật tử Việt Nam nhớ lại công đức của những người đã hy sinh… để tự mình đừng quên nhiệm vụ của chính mình đối với Dân tộc, đối với Đạo pháp”


Tin bài liên quan:

VNTB – Có phải Putin chỉ tin vào Chúa Ki-tô mà thôi?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sông Đồng Nai sẽ lại bị ‘cải tạo’

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn còn vậy, nói gì đến các tỉnh

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 08.05.2023 1:00 at 01:00

“đánh thức lương tâm nhân loại, trước những thế lực hung tàn bị thúc đẩy bởi tham vọng quyền lực thống trị”

May quá, chúng nó đã bị đập tan . Nhờ vậy mà người thầy của chúng ta, Đại Hòa Thượng Thích Trí Quang đã có thể trở về với đúng tiếng gọi của đời mình, là 1 thầy tu đúng nghĩa . Thích Trí Quang chỉ muốn làm 1 ông sư nghiên cứu Phật pháp, chứ không (bao giờ) muốn là 1 thứ Richelieu Hồng Y Giáo Chủ . Chỉ khi những thế lực hung tàn thúc đẩy bởi tham vọng quyền lực bị lật đổ, bị đuổi khỏi đất nước, Thích Trí Quang mới có thể bình yên mà đi theo tiếng gọi của đời mình, đó là trở thành 1 ông sư chuyên nghiên cứu Phật pháp & chủ nghĩa Xã hội

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo