TS Phạm Đình Bá dịch
Tác giả: Allegra Hyde
Mở đầu: Chữ “tôi” trong bài nầy là từ tác giả Allegra Hyde, một nhà văn đoạt Giải thưởng tiểu thuyết ngắn ở tiểu bang Iowa, Hoa Kỳ. [1] Cô sống và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Oberlin ở tiểu bang Ohio.
Có thể điều đó đã xảy ra trong mắt bạn: một người lạ có vẻ hay hay. Giây phút nhìn nhau khiến trái tim bạn có phần phấn khích hay tò mò, bạn không thể nói rõ cảm giác nầy. Mặc dù tất cả những gì vẫn chưa biết (và dù muốn tìm biết phải có phần phiêu lưu), bạn cảm thấy muốn xem kết nối có thể dẫn đến đâu.
Tôi nói điều này một cách lãng mạn — và với tư cách của một người đọc và viết tiểu thuyết. Bởi vì tia lửa kết nối có thể xảy ra trên bài viết giống như cách nó có thể xảy ra trong đời thường. Một câu mở đầu bài tuyệt vời có thể thu hút người đọc mạnh mẽ — khơi gợi và thôi thúc muốn biết thêm. Đây là bị quyến rũ ngay từ câu mở đầu.
Tuy nhiên, trải nghiệm thu hút khi bắt đầu đọc những bài viết như vậy rất hiếm hoi. Cũng như việc bạn gặp rất nhiều người lạ và không bị lay động — việc đọc lướt qua mà không đọc hầu hết các bài viết cũng xảy ra rất nhiều lần trong đời sống. Thế giới đầy rẫy những người mà chúng ta sẽ không bao giờ biết và những bài viết mà chúng ta sẽ không bao giờ đọc.
Câu mở đầu tuyệt hay là một cách để quyến rũ và thu hút người đọc — để làm nỗi bật lên bài viết này so với không biết bao nhiêu bài viết khác khi người đọc lướt qua. Câu mở đầu thu hút chuyển một bài viết từ xa lạ thành thân thiết cho người đọc.
Nhưng sự thu hút từ cầu mở đầu đó là cái gì, chính xác là gì? Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi này vào mùa hè năm ngoái, sau khi đăng ký tham gia giảng dạy một lớp về những câu mở đầu của tiểu thuyết. Để “nghiên cứu” chuẩn bị cho lớp học, tôi đã đặt câu hỏi nầy trên Twitter: “Những câu mở đầu mà bạn yêu thích nhất trong văn học là gì?”
Nhiều người trên Twitter trả lời câu hỏi nầy – một chuỗi dài những câu mở đầu đã ghi lại ấn tượng sâu sắc đã được đề cử trong câu trả lời. Các câu mở đầu đến từ một loạt các thể loại truyện kể, bài viết và trong nhiều loại cú pháp. Có những dòng đầu tiên kỳ quặc từ những cuốn tiểu thuyết hiện thực, chẳng hạn như:
“Tôi đang coi bản đồ thì Hoa trật tay lái, va vào tảng đá, và thi thoảng sẩy thai.”
–Trong cuốn “Cây leo trên tường” của Nell Zink
Và có những câu mở đầu đáng nhớ từ những câu chuyện ngắn mang tính suy đoán:
“Có bảy công ty lớn làm dịch vụ sau khi chết và nhiều người tích lũy cả đời để được phục vụ tốt hơn.”
–Louise Erdrich, cuốn “Lĩnh vực”
Có những câu mở đầu dài, chẳng hạn như:
“Trở lại khi gia đình tôi sống ở Bushwick trong một tòa nhà bị kẹp giữa một nhà buôn bán ma túy và một nhà chạy ma túy khác, điểm khác biệt duy nhất là những kẻ buôn bán trong nhà bên này cũng là người sử dụng và vì vậy khó đoán hơn, còn những kẻ buôn bán trong nhà bên kia thì không bao giờ là những người sử dụng và họ khôn ngoan hơn — vào những ngày đó, chúng tôi sống trong một căn hộ một phòng ngủ chật chội đến nỗi chúng tôi thức dậy với những con gián trên giường, đôi khi ba hoặc bốn con bị mắc kẹt trên khuỷu tay của tôi và có lần tôi tìm thấy mười bốn con trong số đó ép vào bắp chân của tôi, và để rũ bỏ chúng, tôi vung cánh tay trong không khí như thể tôi đang nhảy múa ba lê.”
–Jenny Zhang, cuốn “Tôi yêu em, Crispina”
Có những câu mở ngắn gọn, mạnh mẽ như:
“Mẹ mất hôm nay.”
–Albert Camus, cuốn “Người xa lạ”
Cũng như:
“Chúng bắn cô gái da trắng trước.”
–Toni Morrison, cuốn “Thiên đường”
Một số câu mở đầu của Morrison đã được lặp đi lặp lại nhiều lần qua trao đổi trên Twitter. Các câu mở khác đã được lặp lại thường xuyên bao gồm:
“Nhiều năm sau, khi đối mặt với đội xử bắn, Đại tá Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xôi đó khi cha ông đưa ông đi tìm nước đá.”
–Gabriel García Márquez, cuốn “Cả đời cô độc”
Và:
“Không sinh vật nào có thể tiếp tục sống lành mạnh lâu dài trong thực tế tuyệt đối; thậm chí chim sơn ca, theo một số người, cũng mơ mộng.”
–Shirley Jackson, cuốn “Ám ảnh của ngôi nhà trên đồi”
Sau đó là những câu mở đầu với rất nhiều người hâm mộ và nhắc đến:
“Sơn tuyết đang tan chảy và Đăng đã chết vài tuần trước khi chúng tôi hiểu được sự trầm trọng của tình huống.”
–Donna Tartt, cuốn “Bí sử”
Các câu trả lời cho câu hỏi tôi viết trên Twitter giúp tôi hình thành một lý thuyết sơ khai về điều gì làm cho những câu mở đầu trở nên thu hút và đáng nhớ — bởi vì, mặc dù các câu mở đáng nhớ xuất hiện ở tất cả các loại truyện, nhưng một khuôn mẫu cố định dường như đã xuất hiện. Gần như tất cả những câu mở đầu được yêu thích đều mang lại cho độc giả một liều lượng cân bằng trang nhã về sự rõ ràng và sự tò mò. Hay nói theo cách khác: những câu mở đầu quyến rũ dẫn người đọc vào một tình huống, đồng thời gợi lên những câu hỏi trong tâm trí người đọc để thúc đẩy họ đọc tiếp câu chuyện.
Điều này có vẻ đơn giản ngay từ đầu, nhưng sự rõ ràng và sự tò mò có thể mâu thuẫn với nhau nếu không được hiệu chỉnh cẩn thận; quá nhiều thuộc tính này có thể lấn át thuộc tính kia, làm giảm sức mạnh tổng thể của câu mở đầu.
Chúng ta hãy xác định các thuật ngữ này kỹ lưỡng hơn. Bằng “sự rõ ràng”, ý tôi là khả năng của câu mở đầu giúp người đọc có ấn tượng ban đầu về địa điểm, thời gian, nhân vật hoặc cốt chuyện. Sự rõ ràng là điều cần thiết cho câu mở đầu vì, khi bắt đầu một câu chuyện, sân khấu tinh thần của người đọc là một khoảng trống. Khoảng trống rất dễ được lấp trống bởi những tia sáng khai phá. Mỗi từ trong câu mở đầu đó là cơ hội để chiếu sáng những gì sắp xảy ra — cung cấp cho người đọc đủ thông tin để họ ổn định ở một mức độ nào đó về ai, ở đâu và nội dung câu chuyện là gì.
Với Nell Zink trong cuốn “Cây leo trên tường”, chúng ta thấy một ví dụ về sự rõ ràng trong câu mở đầu:
“Tôi đang coi bản đồ thì Hoa trật tay lái, va vào tảng đá, và thi thoảng sẩy thai.”
Câu này gợi ý rằng có một người kể chuyện ở ngôi thứ nhất có mối quan hệ nào đó với một người tên Hoa, và cặp đôi này đang đi du lịch và rằng tai nạn sẩy thai đã xảy ra do tai nạn xe. Đây là một lượng ngữ cảnh đáng kinh ngạc được chuyển tải trong không gian của một câu rất ngắn. Hơn nữa, người đọc có thể phần nào hình dung ngay được về mức nghiêm trọng của chuyện kể, mặc dù câu mở đã kết thúc một cách rất bất ngờ. Mặc dù có những ẩn số trong câu mở đầu, nhưng không có gì là trừu tượng cả về chuyện kể — cách viết sẽ không đạt được kết quả nầy nếu câu mở đầu nầy không được cụ thể hóa một cách rất tỉ mỉ.
Có thể nào một câu viết là quá rõ ràng — quá thiên nhiều về ngữ cảnh không? Chắc chắn rồi. Đây là trường hợp câu mở đầu rất dài của Jenny Zhang trong cuốn “Tôi yêu em, Crispina” đã dẫn ở trên.
Tất cả chúng ta đều đã đọc các câu với nhiều chi tiết đến nỗi động lực tường thuật đi vào bế tắc. Cũng giống như ngọn sét ái tình từ cái nhìn đầu tiên đòi hỏi một mức độ thần bí, thì câu mở đầu hấp dẫn cũng đòi hỏi những khoảng trống nhất định trong cách truyền tải những dữ liệu được mô tả. Có điều gì đó vẫn chưa được nhắc đến, chưa được giải thích, chưa được giải đáp – bởi vì trong đó có tính cân nhắc đặc biệt giữa sự rõ ràng và cách gợi lên sự tò mò. Người đọc chỉ cần biết vừa đủ để tự hỏi và muốn biết nhiều hơn.
Điều gì khơi gợi sự tò mò ở người đọc, và do đó khiến họ tiếp tục đọc? Đó có thể là sự kỳ lạ, xung đột, bi kịch, bí ẩn, siêu nhiên, hoặc một cái gì đó hơi khác thường. Đọc câu đầu tiên của Zink trong cuốn “Cây leo trên tường”, người đọc có thể thấy mình tự hỏi những câu hỏi như: Tại sao Hoa lại lạc tay lái? Những gì đã xảy ra tiếp theo? Những người này đã đi đâu và tại sao? Nhưng người đọc cũng có thể thấy giọng điệu của người kể chuyện hơi kỳ quặc. Từ “thi thoảng” là một từ dùng rất bất thường trong câu mở đầu, gợi ý một thái độ đặc biệt. Sự thay đổi này khiến người đọc có thể sẵn lòng — không, háo hức — đọc thêm.
Xem lại những câu mở đầu thường được yêu thích trên Twitter, tôi bị ấn tượng bởi một điểm chung khác, ẩn chứa trong sự rõ ràng và sự tò mò gợi lên trong các câu mở đầu nầy. Có thể bạn đã nhận thấy từ những ví dụ được đưa ra trong bài tiểu luận này — nhưng có vẻ như nhiều câu mở đầu mang tính biểu tượng đề cập đến cái chết.
Mặc dù lúc đầu, tôi nhận thấy việc đề cập đến cái chết trong các câu mở đầu được yêu thích bởi mọi người là một điều đáng lo ngại, nhưng khi suy ngẫm lại, điểm chung này hoàn toàn có ý nghĩa. Trong tất cả các câu mở này, cái chết được trình bày cùng với một số đề cập về thời gian; thời gian và cái chết, người ta có thể tranh luận, là sự rõ ràng và sự tò mò được đẩy về một điểm kết thúc hợp lý.
Thông tin về thời gian ngay ở câu mở đầu cung cấp cho người đọc cảm giác rõ ràng bằng cách chỉ ra cấu trúc thời gian của một câu chuyện. Và việc đề cập đến cái chết – ẩn số lớn nhất – khiến chúng ta tò mò, điều này tạo ra động lực hấp dẫn của chuyện kể. Chỉ cần nhìn vào dòng đầu tiên của Toni Morrison từ cuốn “Thiên đường”:
“Chúng bắn cô gái da trắng trước.”
Ai đó bị bắn (chết) và chúng ta được cung cấp một thứ tự của sự kiện (thời gian), với bí ẩn về lựa chọn và màu da.
Hai thành phần này có thể được quan sát một lần nữa trong cuốn “Cả đời cô độc” của Gabriel García Márquez:
“Nhiều năm sau, khi đối mặt với đội xử bắn, Đại tá Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xôi đó khi cha ông đưa ông đi tìm nước đá.”
Có một đội xử bắn (chết), khiến Đại tá Aureliano nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ (thời gian).
Cái chết và thời gian cũng xuất hiện trong cuốn “Lĩnh vực” của Louise Erdrich:
“Có bảy công ty lớn làm dịch vụ sau khi chết và nhiều người tích lũy cả đời để được phục vụ tốt hơn.”
Erdrich mở đầu với một công nghệ đầu cơ liên quan đến thế giới bên kia (cái chết) và có liên quan đến cách mọi người dùng cuộc sống của họ (thời gian).
Cuối cùng, cái chết và thời gian được kết hợp thành một gói không thể cưỡng lại trong câu mở đầu của Donna Tartt từ cuốn “Bí sử”:
“Sơn tuyết đang tan chảy và Đăng đã chết vài tuần trước khi chúng tôi hiểu được sự trầm trọng của tình huống.”
Trong câu mở này, Đăng đã chết (cái chết) và nhiều tuần đã trôi qua trước khi mọi người nhận ra sự trầm trọng của tình huống mà người trong cuốn truyện nầy phải đối mặt (thời gian). Câu nói ngay lập tức vừa thẳng thắn và vừa có phần thách thức người đọc để tìm biết thêm. Người đọc được đưa ra cảm giác về bối cảnh, xung đột và nhân vật, nhưng họ cũng bị bỏ lại với những câu hỏi như: Tại sao tình huống lại nghiêm trọng? Làm thế nào mà Đăng chết? Ai đang kể câu chuyện này? “Chúng tôi” là ai?
Trong trường hợp bạn không hoàn toàn tin rằng cái chết và (ít nhất là một khoảng thời gian) thường xuyên xuất hiện trong nhiều câu mở đầu đầy quyến rũ, thì đây là một vài ví dụ khác từ cuộc điều tra của tôi trên Twitter:
“Không ai chết trong năm đó.”
–Renata Adler, cuốn “Thuyền cao tốc”
“Tôi không hối tiếc khi anh tôi chết.”
–Tsitsi Dangarembga, cuốn “Tình huống căng thẳng”
“Tôi thích nghĩ rằng tôi biết cái chết là gì.”
–Jesmyn Ward, cuốn “Hát, không bị chôn vùi, hát”
“Họ đã kết hôn vào ‘Ngày của người chết’, điều mà không ai nghĩ đến trong suốt nhiều tháng lên kế hoạch, cho đến khi cái xe tang của bố chồng quá cố của cô dâu xuất hiện sau đoàn xe đám cưới.”
–Natalie Sylvester, cuốn “Ai cũng biết em về nhà”
“Vào buổi tối Margio giết Anwar Sadat, Kyai Jahro đang hạnh phúc vì bận rộn với ao cá của mình.”
–Eka Kurniawan, “Người như cọp”
“Tôi đã thấy mẹ tôi vựt dậy một người đàn ông từ cõi chết.”
–Kaitlyn Greenidge, cuốn “Tự do”
Tất nhiên, cái chết và thời gian không lúc nào cũng xuất hiện trong những câu mở đầu đáng nhớ. Nhiều người gọi câu mở đầu trong cuốn “Niềm tự hào và định kiến” của Jane Austen là câu mở nổi tiếng bằng tiếng Anh và nó không hề đề cập rõ ràng về cái chết:
“Một sự thật được mọi người thừa nhận rằng một người đàn ông độc thân sở hữu một khối tài sản kếch xù, phải muốn có vợ.”
Mặc dù tôi có thể đưa ra trường hợp rằng “sở hữu một khối tài sản kếch xù” ngụ ý rằng ai đó đã chết để người đàn ông độc thân có thể thừa kế một gia tài, điều quan trọng hơn ở đây là nguyên tắc cân bằng giữa sự rõ ràng và sự tò mò là thích hợp trong câu mở của cuốn truyện nầy. Jane Austen mang đến cho người đọc một sự thật có vẻ đơn giản khiến người đọc phải chú ý đến các chủ đề sắp tới của cuốn tiểu thuyết, đồng thời thêm vào một chút mỉa mai đầy khiêu khích với cụm từ “được thừa nhận rộng rãi”. Sự hiệu chỉnh của cô ấy về sự rõ ràng và tò mò là thật hoàn hảo.
Mô tả sự thật với một chút mỉa mai là một cách tiếp cận hay để viết câu mở đầu, nhưng cũng có nhiều cách khác để thu hút người đọc trong khi vẫn cân bằng các thuộc tính rõ ràng và tò mò đã nói ở trên. Các câu mở đầu bên dưới là rất trực tiếp:
“Mở cửa tủ ra.”
–Nina MacLaughlin, cuốn “Thức ngay, còi hụ”
“Chú ý vào đứa trẻ.”
–Cormac McCarthy, cuốn “Kinh tuyến máu”
“Gọi tôi là Ishmael.”
–Herman Melville, cuốn “Moby Dick”
Trong những câu mở đầu ở trên, người đọc được gợi ý về một tình huống và hướng dẫn sự thu hút. Với tư cách là độc giả, chúng ta hình dung ra một món đồ trong nhà, một đứa trẻ hoặc một người tên là Ishmael — đồng thời tự hỏi tại sao chúng ta lại được cho biết về những sự kiện nầy. Có một sự tự tin tán tỉnh đối với những câu mở nầy và cách người viết yêu cầu sự tham gia, đẩy chúng ta vào câu chuyện phía trước.
Sau đó, có những tác phẩm hư cấu lôi cuốn người đọc về phía trước bằng cách mở đầu bằng một câu hỏi:
“Tại sao thước đo tình yêu lại là sự mất mát?”
–Jeanette Winterson, cuốn “Dòng chữ trên thi hài”
“Sau đó sẽ như thế nào, hả?”
–Anthony Burgess, cuốn “Đồng hồ màu cam”
Thuộc tính tò mò trong câu mở đầu được thể hiện rõ ràng trong những ví dụ này, vì một câu hỏi yêu cầu một câu trả lời. Trong khi đó, sự rõ ràng, trong câu mở đầu “Tại sao thước đo tình yêu lại là sự mất mát?”, đã đến qua cách thể hiện chủ đề — giống như trong câu mở đầu của Austen trong cuốn “Niềm tự hào và định kiến” qua câu “Một sự thật được mọi người thừa nhận rằng một người đàn ông độc thân sở hữu một khối tài sản kếch xù, phải muốn có vợ.”.
Câu mở đầu của Burgess “Sau đó sẽ như thế nào, hả?” phải thừa nhận là trừu tượng — đặc biệt là với sự mơ hồ của nó —nhưng người ta có thể tranh luận rằng giọng điệu thông tục của câu hỏi, cảm giác thôi thúc đáng sợ một cách mơ hồ, mang lại một định hướng ngữ cảnh có ý nghĩa thúc đẩy người đọc để kết nối với những đoạn kế của chuyện kể.
Dòng đầu tiên của cuốn “Đồng hồ màu cam” cũng là một ví dụ về việc bắt đầu bằng đối thoại, cũng giống như câu mở “Tôi đang coi bản đồ thì Hoa trật tay lái, va vào tảng đá, và thi thoảng sẩy thai.” của cuốn “Cây leo trên tường” bởi Nell Zink. Cả hai câu mở nầy có thể chỉ ra khó khăn và thử thách để bắt đầu một câu chuyện kể. Điều này là do, trong khoảng trống thông tin vốn là phần mở đầu của bất kỳ chuyện kể hư cấu nào, có thể rất khó đặt lời đối thoại — bởi mở đầu bằng đối thoại là tạo dựng âm thanh truyền tải qua môi trường mà người viết vẫn chưa diễn tả — do đó khó đạt được độ rõ ràng. Để mở đầu như vậy, theo một nhà phân tích:
“Cuộc đối thoại phải đủ hấp dẫn để thu hút người đọc trước khi họ biết bất cứ điều gì về (các) nhân vật đang nói hoặc bối cảnh mà cuộc đối thoại đang diễn ra.”
Việc dùng một câu đối thoại trong một đoạn mở đầu có thể giúp người đọc hiểu thêm về địa điểm, thời gian, nhân vật và các yếu tố cần thiết khác theo ngữ cảnh để dẫn vào câu chuyện kể. Dưới đây là hai ví dụ về cách tiếp cận đối thoại theo cách này:
“ ‘Màu hồng là màu dành cho con gái,’ Kiera nói, vì vậy cô và Ava cắt lòng bàn tay và để máu của họ nhỏ vào một cái bát cạn chứa đầy sữa, nhìn màu sắc lan tỏa từ từ trên bề mặt, những bông hoa nhỏ màu đỏ nở rộ.”
–Dantiel W. Moniz, cuốn “Sửa, máu và ấm áp”
” ’Cha đi đâu với cái rìu đó?’ Fern nói với mẹ khi họ dọn bàn ăn sáng.”
–E.B. White, cuốn “Charlotte’s Web”
Cả hai phần mở đầu của Moniz và White đều mang đến cho người đọc những bối cảnh cần thiết để ổn định người đọc trong một cảnh và mở ra cánh cửa cho những cảnh kế tiếp. Những câu đối thoại này một lần nữa cho thấy rằng hình thức hoặc phong cách của câu mở đầu ít quan trọng hơn cách tác giả tạo ra một sự pha trộn cân nhắc giữa sự rõ ràng và sự tò mò.
Những ví dụ về câu mở đầu sau đây đưa người đọc vào một tình huống, đồng thời phóng to về phía trước trên đà hài hước:
“Bố nghĩ mình là một người đàn ông đẹp trai.”
–Souvankham Thammavongsa, cuốn “Đẹp trai”
“Phòng học của tôi ở tầng một, cạnh phòng khách của các nữ tu.”
–Ottessa Moshfegh, cuốn “Nâng cao bản thể”
“Mỗi mùa hè Lin Kong trở về Làng Ngỗng để ly dị vợ mình, Shuy.”
–Ha Jin, cuốn “Chờ đợi”
Những câu đầu tiên được yêu thích khác xử dụng sự kỳ quặc làm bàn đạp cho sự tò mò — mang đến cho người đọc sự rõ ràng vừa đủ để thu hút họ. Những câu như:
“Một tiếng hét vang khắp bầu trời.”
–Thomas Pynchon, cuốn “Cầu vồng của trọng lực”
“Tôi bị mất một cánh tay trong chuyến về nhà gần đây nhất.”
–Octavia Butler, cuốn “Tốt bụng”
“Đó là một ngày lạnh giá sáng sủa của tháng Tư, và đồng hồ điểm mười ba.”
–George Orwell, cuốn 1984
“Trong một trại lao động, ở đâu đó trên Vịnh Ba Tư, một người lao động đã nuốt hộ chiếu của mình và biến mình thành một hộ chiếu.”
–Deepack Unnikrishnan, cuốn “Trở lại vùng Vịnh”
“Mẹ tôi có hai nhau thai và tôi đang sống nhờ cả hai.”
–Gabe Habash, cuốn “Stephen Florida”
“Không có gì di chuyển ngoại trừ ảo ảnh.”
–Adania Shibli, cuốn “Chi tiết lặt vặt”
“Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ là những đứa trẻ mồ côi.”
–Miranda July, “Cái gì đó không cần gì cả”
Sau đó, có những câu mở đầu chỉ đơn giản là những điều ai cũng có thể đồng tình bởi vì họ đã trải qua ngữ cảnh của câu mở đầu:
“Khi điện thoại reo, tôi đang ở trong bếp, đun sôi một nồi mì và huýt sáo cùng với chương trình trên đài phát thanh với những bản nhạc thời thượng hoàn hảo để nấu mì.”
–Haruki Murakami, cuốn “Biên niên sử chim gió”
Điều tôi nhận được ở đây, ở phần cuối của bài tiểu luận này, đó là tiếng sét tình yêu hay câu mở đầu thu hút của một bài viết là tiên đề cho một cánh đồng rộng mở. Có rất nhiều loại câu mở đầu — cũng giống như có nhiều người bị tiếng sét ái tình — có thể khiến bạn thích thú nếu người kể chuyện trình bày sự kết hợp hài hòa giữa sự rõ ràng và sự tò mò, khả năng cảm nhận và bí ẩn. Có thể có một số câu mở thu hút hơn — những câu đặc biệt nói về cái chết và thời gian — nhưng cuối cùng vẫn là cái nhìn của người đọc.
Cuối cùng, điều quan trọng là câu mở đầu phải tìm được người đọc phù hợp. Vì một câu là gì nếu không phải là một bước trong chuỗi các bước đang diễn ra? Và một mối quan hệ là gì ngoại trừ một khoảnh khắc kết nối được tiếp nối với khoảnh khắc khác, và sau đó là khoảnh khắc khác — miễn là kết nối kéo dài? Trong chuyện kể, đây là một mối quan hệ hy vọng sẽ kéo dài từ đầu đến cuối.
Nguồn: 1. Allegra Hyde. Literature Hub – What Makes a Great Opening Line? 9/02/2022; Available from: https://lithub.com/what-makes-a-great-opening-line/?utm_source=pocket&utm_medium=email&utm_campaign=pockethits.