VNTB – Cái chết con rùa thiêng hay u mê của người Việt?

Hoàn Canh (VNTB) Cái chết của “rùa hồ Hoàn Kiếm” không những gây chú ý với truyền thông trong nước mà tiếp tục là tin đáng chú ý đối với các hãng thông tấn nước ngoài, trong đó có AFP, ABC, BBC…

Theo AFP, cái chết của “con rùa” – vốn là biểu tượng của một sự kiện giành được độc lập quốc gia đã gây nên làn sóng nghi ngại, trong bối cảnh những người Cộng sản đang tiến hành đại hội để chuyển giao nhiệm kỳ lãnh đạo.

Trong quá khứ, “rùa Hoàn Kiếm” thường nổi lên, trùng vào các sự kiện trọng đại của Việt Nam, và người dân coi đó là một điềm lành.

Các chuyên gia cho biết, đây là ba ba mai mềm sông Dương Tử (Rafetus swinhoei), một trong bốn loài ba ba khổng lồ còn sót lại, hiện một con còn lại ở trong vườn thú Trung Quốc. 

Tim McCormack, của Chương trình Rùa châu Á, đó là “có thể là loài quý hiếm nhất trên hành tinh”.

“Điềm xấu” ĐH Đảng hay là sự u tối của dân Việt?

Người Việt coi “cụ rùa” là biểu tượng linh thiêng, và cái chết bất ngờ của nó trong ngày ĐH đã được cho là điềm xấu với Đảng cầm quyền.

AFP trích dẫn tờ báo Thanh Niên cho hay, “Đây là một tin xấu đối với nhiều người ở Hà Nội”.

Trong một câu chuyện thần thoại, con rùa thiêng liêng của Hoàn Kiếm là nơi nhận thanh gươm của Lê Lợi, một nhà lãnh đạo dân tộc đã đánh bại quân Minh vào thế kỷ 15.

Mặc dù là một đất nước vô thần, nhưng nhiều người Việt Nam còn đắm chìm vào mê tín dị đoan.

“Người Hà Nội vốn coi cụ Rùa như một biểu tượng linh vật tâm linh từ bao năm nay. Giờ biểu tượng đó không còn. Có chút gì xót xa hụt hẫng khó tả. Vậy là con cháu mình chỉ còn biết đến cụ rùa trong truyền thuyết.,” một người dùng trực tuyến Duong Nguyen đã bình luận trên trang tin VNExpress.

Cái chết của con rùa đã được một số báo đưa tin, nhưng sau đó bị rút xuống, một số nghi ngờ việc này là do áp lực từ phía chính quyền.

Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ trong bài phỏng vấn trên VNN đã bác bỏ việc ngăn cấm đưa tin cụ Rùa Hồ Gươm chết như một số thông tin trên mạng: “Tôi xin khẳng định, không ai ngăn cấm cả”.

Trong khi đó, BBC Vietnamese trích dẫn quan điểm của nhạc sĩ Tuấn Khanh đề cập trên Facebook: “Tâm linh “đột ngột” và đầy tính bái vật giáo trong một xã hội chủ trương vô thần, thì đó chỉ là thứ mê tín dị đoan và là dấu hiệu suy đồi của xã hội”.

Nhà báo tự do Lê Diễn Đức, trong một bài đăng vào ngày 19/01 cũng nhấn mạnh: “Con rùa chết phơi mu là chuyện bình thường, vậy mà bao nhiêu lời bình luận trên mạng, liên hệ ngày chết của con rùa với các sự kiện chính trị ngẫu nhiên trùng lặp. 

Chuyện đòi lại kiếm của Vua Lê Lợi sau khi đánh bại quân Minh là một huyền thoại được thêu dệt, rồi nâng rùa lên thành “linh vật”, gọi rùa là “Cụ” như với người, gắn vận mệnh dân tộc với những thứ linh thiêng tưởng tượng, mong chờ phép lạ, chỉ có thể chứng tỏ sự u tối, yếu đuối, hèn kém, bất lực, không thể đứng trên đôi chân của mình.”

Hậu chết của “cụ rùa”, theo PGS Hà Đình Đức cho trang tin VNN biết, có thể xử lý thành tiêu bản khô để trưng bày chứ không phải ướp xác.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)