Cảnh Chân
(VNTB) – Tạm đình chỉ công tác trong một khoảng thời hạn nhất định không phải là hình thức kỷ luật
Cuối tháng 5, Bộ Chính trị vừa ban hành quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới. Những tưởng quy định này sẽ góp phần khiến các đảng viên trở nên kỷ luật và làm việc nghiêm túc hơn. Nhưng khi đọc kỹ các nội dung bên trong thì mới thấy đây chỉ là một quy định giúp đảng viên có điều kiện đi du lịch, nghỉ ngơi; nếu bị cấp trên cho là “có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hoặc cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc”.
Bởi vì theo định nghĩa của đảng cộng sản thì “tạm đình chỉ công tác là buộc cán bộ dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong một khoảng thời hạn nhất định, và đây không phải là hình thức kỷ luật”. Vậy thì khi một cán bộ đảng viên nào đó bị tạm đình chỉ công tác vài tuần thì họ vẫn được quay lại làm việc ở vị trí cũ như thường. Có thể bị trừ lương, nhưng lương cơ bản của đảng viên thì chỉ là con số không đáng kể so với những thu nhập bất chính khác mà họ kiếm được dựa vào chức vụ và quyền hạn trong bộ máy nhà nước.
Quy định này cũng giới hạn thời gian tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc, còn nếu phải gia hạn thêm thì tối đa không quá 15 ngày. Điều này có nghĩa là khi cán bộ né tránh trách nhiệm thì sẽ được nghỉ công tác tối đa 1 tháng, sau đó vẫn đi làm lại ở chỗ cũ, chức vụ cũ. Nghe thì có vẻ là răn đe, nhưng thật ra lại tạo điều kiện cho cán bộ có thời gian du lịch, nghỉ dưỡng.
Khi một quan chức né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc cho người khác mà không bị kỷ luật, lại còn được cho nghỉ 1 tháng thì còn gì hạnh phúc bằng. Thế thì các cán bộ lại tha hồ đùn đẩy để được phép tạm nghỉ rồi sau đó vẫn tiếp tục công việc chứ có bị ảnh hưởng vấn đề gì đâu mà phải nghiêm túc làm việc cho cực thân.
Chưa hết, về mặt thẩm quyền ra quyết định thì người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới. Người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoặc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác. Trưởng các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương được quyết định tạm đình chỉ công tác với cấp phó của mình hoặc người đứng đầu đơn vị trực thuộc.
Như vậy, quy định này vừa không phải là một hình thức kỷ luật, không có chế tài đủ mạnh, lại còn mang tính chủ quan, phụ thuộc vào cảm nhận của cấp trên đối với cấp dưới. Không hề có mô tả rằng như thế nào là “hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hoặc cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc”, thì làm sao để có căn cứ rằng đó là hành vi vi phạm? Chẳng lẽ chỉ cần cảm nhận của cán bộ cấp trên là có thể buộc cấp dưới phải tạm nghỉ. Như vậy thì vừa dễ dẫn tới lạm quyền, triệt hạ phe nhóm, vừa có thêm một lý do giúp các cán bộ lãnh đạo được tự tiện cho cấp dưới nghỉ phép, vi vu du lịch…
Có thể thấy quy định này chẳng khác nào là những lời hoa mỹ mị dân, để người dân nhìn vào cứ tưởng là đảng trong sạch, quyết liệt chống nhũng nhiễu, đùn đẩy, nhưng thật ra lại không có tác động gì đáng kể để thay đổi cơ chế quan liêu hiện nay. Chẳng những vậy mà lại còn là bức bình phong cho cán bộ nhà nước tha hồ tự tung tự tác rồi có cớ để được cho nghỉ ngơi du hí.
Thay vì ra những quy định vô thưởng vô phạt như vậy, bộ chính trị cần thẳng tay luật hoá tất cả các hành vi nhũng nhiễu, sai phạm của cán bộ để người dân có căn cứ tranh kiện, khiếu nại khi xảy ra tiêu cực. Có lẽ đây lại là một giấc mơ không có thật trong thời đại xã hội chủ nghĩa này. Không nhũng nhiễu, không quan liêu, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm, thì đã không còn cộng sản nữa rồi…
______________
Tham khảo: