Nguyễn Phúc (VNTB) Ở cuộc bầu cử quốc hội sắp tới đây, một lần nữa, người đứng đầu Đảng CSVN lại cho mình cái quyền quyết định những ai sẽ ngồi vào ghế nghị trường, qua việc ký ban hành một văn bản có tên “Chỉ thị của Bộ chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021”. Văn bản này có số 51-CT/TW, do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04 tháng 01 năm 2016. Nội dung của Chỉ thị 51-CT/TW còn cho biết trước là đại hội 12 của Đảng sẽ diễn ra từ 20 đến 28-01-2016, tất cả nhân sự sẽ đúng theo cơ cấu và đại hội sẽ kết thúc đúng kịch bản.
VNTB – Cần chấm dứt ngay việc “Đảng cử – Bộ Chính trị bầu” |
Trước đó, “Quy chế bầu cử ứng cử Đại hội 12” được ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, từng được ông Nguyễn Thu Giang, nguyên phó giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM, nói thẳng rằng: “Dân chủ trong Đảng đã bị quyết định 244/QĐ/TW thủ tiêu thay bằng độc đoán, chuyên quyền vi phạm Điều lệ Đảng”.
Không là đảng viên, đừng mơ ghế nghị trường
Chỉ thị 51-CT/TW, viết: “Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước”.
Như vậy, định hướng chọn ứng cử viên được căn cứ theo thứ tự: “Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước”. Các yêu cầu này là vi Hiến, là đứng trên pháp luật. Lý do: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Hiến pháp 2013, Điều 4.3); “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. (Luật tổ chức Quốc hội, Điều 1)
Cũng nói thêm, mặc dù Đảng cho mình cái quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Hiến pháp 2013, Điều 4.1), song suốt 86 năm qua, vẫn còn lúng túng trong nhận thức về phương thức lãnh đạo để chuyển từ nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị thành luật, nghị quyết của Quốc hội. Nhận thức về mối quan hệ giữa quyền của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội… với quyền quyết định của Đảng với tư cách là đảng lãnh đạo chính quyền tiếp tục còn nhiều điểm chưa rõ, dẫn đến chuyện Việt Nam được thế giới nhìn nhận đây là quốc gia của cộng sản độc tài toàn trị. (GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Trích trong “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền”, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014).
Tiêu chuẩn bắt buộc của ứng cử viên: Phải chấp nhận Điều 4, Hiến pháp
Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội: “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Câu hỏi đặt ra: giả dụ như ứng viên khi trúng cử sẽ tận dụng “cơ hội chính trị” để yêu cầu cần làm rõ là vì sao Đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Hiến pháp 2013, Điều 4.1); “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Hiến pháp 2013, Điều 4.3), nhưng suốt 86 năm qua, tại sao không “luật hóa” vai trò cầm quyền của Đảng? Đó là chưa kể một loạt điều của Hiến pháp 2013 đã không còn phù hợp với những cam kết về các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Đơn cử, tổ chức công đoàn độc lập, các hội đoàn độc lập theo thỏa thuận TPP, không thể trực thuộc, chịu sự quản lý của Đảng như nêu tại Điều 9 và 10 của Hiến pháp 2013. Như vậy, cần chỉnh sửa Hiến pháp theo hướng hủy bỏ Điều 4.1 và điều chỉnh tương ứng khi hủy điều khoản này.
Lường trước những điều tương tự như nói trên, Chỉ thị 51-CT/TW “lệnh” cho toàn bộ hệ thống Đảng cả nước: “Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng”.
Chỉ còn chưa tới 30 ngày để nộp hồ sơ ứng cử và tự ứng cử
Hiện tại có rất nhiều trang mạng, trang cá nhân đăng tải về các công dân tự ứng cử. Tuy nhiên vẫn chưa thấy ai công khai các chương trình hành động lúc tranh cử. Lưu ý, quy định tại Nghị quyết số 41 /NQ – HĐBCQG do chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, ông Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành, thì “thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 17 tháng 02 năm 2016 và kết thúc vào lúc 17 giờ 00 ngày 13 tháng 3 năm 2016”.
Điều đó có nghĩa là khi bài viết này đến với bạn đọc, thì thời gian nhận hồ sơ tự ứng cử còn chưa đến 30 ngày.
Trở lại với Chỉ thị 51-CT/TW của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tuần Việt Nam ngày 3-9-2010 với tiêu đề: “Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được”, đã nói rằng “nếu không cẩn thận thì chính chúng ta đang chơi trò chơi dân chủ”.
Vâng, đúng là dân chủ rất không nên là thứ để chơi, kể cả chơi chữ như Chỉ thị 51-CT/TW.