Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần kỷ luật các bên liên quan thay vì đưa tin như “gương vượt khó”

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Việc để cho thí sinh Lâm Hồng Nhung đến trường thi với chai dịch truyền dang dở như vậy là vi phạm luật bảo vệ sức khỏe, vi phạm qui chế chuyên môn

 

Một bác sĩ ở Sài Gòn cho rằng việc để cho thí sinh Lâm Hồng Nhung đến trường thi với chai dịch truyền dang dở như vậy là vi phạm luật bảo vệ sức khỏe, vi phạm qui chế chuyên môn, bởi nên nhớ rằng phòng mạch tư của bác sĩ có giấy phép hành nghề cũng không được phép tiêm truyền dịch.

Báo chí dẫn lời của người thân thí sinh Lâm Hồng Nhung thì em bị đau dạ dày nặng lúc rạng sáng 7-7. Gia đình đã mời bác sĩ về thăm khám, truyền nước để em sớm phục hồi. Đến gần giờ đi thi, chai dịch đang truyền chưa chảy hết nước, em quyết định đưa đến trường, dù thấy “hơi bất tiện”.

Tường thuật của báo chí cho hay là giám thị đã báo cáo với trưởng điểm thi, bố trí một cọc gỗ dài khoảng 2 m, đem buộc vào bàn nơi đánh dấu số báo danh của Nhung để tạo thành giá đỡ, nhằm hỗ trợ thí sinh làm bài đạt hiệu quả cao nhất. Chai dịch có gắn chiếc móc nhôm treo quần áo sau đó được Nhung treo lên giá tự chế bên cạnh mình.

Tay trái ít cử động do vướng dây truyền dịch, song tay phải của Nhung vẫn viết bình thường. Là người đầu tiên trong phòng hoàn thành bài thi, nữ sinh chia sẻ làm khá tốt. Lúc ra cổng trường, chai dịch trên tay Nhung chưa truyền hết.

Tài liệu y khoa viết: Khi truyền dịch cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý nguy cơ bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc trong/ngay sau khi tiêm.

Biểu hiện là bệnh nhân bắt đầu thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39 – 40oC hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, thở rít, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã, tím toàn thân… Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể sẽ tử vong rất nhanh.

Nguyên nhân gây sốc phản vệ do có chất gây sốt trong dịch truyền, hoặc do dụng cụ tiêm truyền không bảo đảm vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh. Đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc (dị ứng kháng sinh, thành phần tương tự có trong dịch truyền). Dù nguyên nhân nào cũng phải ngừng tiêm truyền ngay và dùng thuốc cấp cứu sốc phản vệ theo quy định của ngành y tế.

Chính vì tai biến nguy hiểm này mà cần cảnh báo đến tất cả mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay đã có nhiều tai biến do truyền dịch gây ra. Nhiều thầy thuốc cũng có thể chỉ định dùng các loại đạm thủy phân (acid amin, lipofundin), các loại dịch truyền bổ sung vitamin (vitaplex) để truyền cho bệnh nhân, vừa tốn tiền và nhiều khi không cần thiết. Điều cần cảnh báo là truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế rất thông dụng, có thể thực hiện tại các trạm y tế, nhưng không an toàn tuyệt đối như nhiều người lầm tưởng.

Trái lại, nó có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C là rất cao qua con đường truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

Theo quy định, thì nhân viên y tế phải theo dõi sát bệnh nhân, cứ 15 phút đến quan sát 1 lần để phát hiện những bất thường có thể xảy ra trong suốt quá trình truyền. Nếu không có tai biến xảy ra, khi chai dung dịch còn khoảng 10ml thì ngừng truyền, khóa dây truyền lại và rút kim ra…

Với tất cả các nội dung trên cho thấy cần truy cứu trách nhiệm các bên liên quan trong việc để bệnh nhân Lâm Hồng Nhung vừa truyền dịch, vừa phải ngồi làm bài thi tốt nghiệp trong môi trường không có sự giám sát của nhân viên y tế.

*****

[ads_color_box color_background=”#faf5f5″ color_text=”#444″]

Sáng 7/7, nhóm tình nguyện viên và lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một nữ sinh được mẹ chở đến điểm thi với một cánh tay đang truyền bình nước dang dở. 

Do phụ huynh không được vào bên trong nên lực lượng công an và tình nguyện viên đã tiếp tục dùng xe máy chở thí sinh này vào khuôn viên sân trường. Anh Võ Xuân Đức – Bí thư Đoàn xã Kỳ Trung, làm nhiệm vụ tại Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu cho biết, trường hợp này khá hy hữu, nữ sinh này vừa phải truyền nước vừa làm bài thi.

Nữ sinh này là Lâm Hồng Nhung (18 tuổi, học sinh lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu). Theo người thân, Nhung bị đau bụng trước giờ thi môn Ngữ văn nên phải truyền nước để lấy lại sức. Trước tính chất quan trọng của kỳ thi, nữ sinh này vẫn quyết tâm đi thi dù lúc này chưa truyền nước xong.

Thấy Nhung còn mệt, chúng tôi cố gắng hỗ trợ và động viên tinh thần để em ấy cố gắng hoàn thành tốt bài thi của mình”, anh Đức nói.

Theo anh Đức, khoảng 9g40, Nhung đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn và khá bất ngờ, em là thí sinh ra đầu tiên. “Lúc ra khỏi phòng thi, Nhung vẫn đang phải tiếp tục truyền nước. Em ấy bảo làm bài cũng khá tốt”, anh Đức nói.

[/ads_color_box]


Tin bài liên quan:

VNTB – Sau 18 giờ, người vô gia cư sẽ kiếm miếng ăn ở đâu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Quan chức nhà nước hãy thử xuống làm công nhân một ngày…

Do Van Tien

VNTB – Nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được!?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo