VNTB – Cần thay đổi để phù hợp với “trạng thái bình thường mới”

VNTB – Cần thay đổi để phù hợp với “trạng thái bình thường mới”

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – “Bình thường mới” là từ hay dùng để chỉ rằng cần thích nghi với các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Trong cách hiểu tương tự, xem ra để thực thi yêu cầu “Dựa vào dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực” mà tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra, đang rất cần thiết thay đổi về tầm nhìn của “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” mà tiền nhiệm của ông Phạm Minh Chính đã ký phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg.

Quan điểm của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, xác định phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Tuy nhiên thực thi quan điểm trên, thì có ít nhất các lý do sau đây cho việc thay đổi:

Một,

Nếu như răm rắp thực hiện yêu cầu “Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện” của Quyết định số 362/QĐ-TTg, thì bài học quản trị từ mô hình Tổng Công ty 90, Tổng Công ty 91 trong quá khứ xem ra vẫn chưa được thấu đáo.

Đơn cử, khác với một tổng công ty 90, một tổng công ty 91 có thể hoạt động đa ngành tuy vẫn được yêu cầu theo đuổi một ngành kinh doanh chủ đạo. Mục đích thành lập các tổng công ty 91 là để phát huy vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, do năng lực quản lý và vốn hạn chế, các tổng công ty 91 chưa phát huy được chức năng của mình và chưa làm lợi cho các công ty thành viên.

Tới năm 2003, có tất cả 18 tổng công ty 91 đã được thành lập. Từ năm 2004, một số tổng công ty 91 bắt đầu tiến hành cổ phần hóa các công ty thành viên của mình.

Tổng công ty 90 cũng tương tự về cổ phần hóa.

Hai,

Một trong 5 điểm nổi bật được tân Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu nhậm chức, đó là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thân thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Như vậy, một trong các kênh hữu hiệu để Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực, đó là báo chí.

Tuy nhiên “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” mà tiền nhiệm của ông Phạm Minh Chính đã ký phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg, không những từ chối việc tư nhân được quyền làm báo, mà còn thu hẹp quyền làm chủ, cũng như quyền giám sát của các tổ chức hội, đoàn chính trị – xã hội.

Dẫn chứng: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh từng có cơ quan truyền thông của hội là báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, giờ tờ báo này lại thuộc cơ quan ngôn luận của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (tên đầy đủ là Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh).

Báo Người Lao Động đang là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, cũng buộc phải chuyển sang là cơ quan truyền thông của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức có tên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, thì hoàn toàn không được quyền thành lập tờ báo nào, dù chức năng chính của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ba,

Năm mươi ba năm trước đây, Martin Luther King, khi phát biểu trước các công nhân vệ sinh đình công ngay trước thời điểm ông bị ám sát, đã nhắc cho cả thế giới nhớ rằng, mọi người lao động đều có nhân phẩm.

Ngày nay, tương tự như vậy, virus gây nên đại dịch Covid-19 cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng ở mọi lúc, mọi nơi, và đôi khi là anh hùng, của những anh hùng lao động trong đại dịch này. Đó là những người mà chẳng ai để ý, bị xem thường, bị đánh giá thấp và thậm chí bị bỏ qua. Nhân viên y tế, những người làm công việc chăm sóc, nhân viên vệ sinh, thu ngân ở siêu thị, nhân viên vận tải – thường là đối tượng chiếm số đông trong tầng lớp lao động nghèo và có cuộc sống bấp bênh.

Vào thời điểm này, việc xem thường giá trị của những người lao động kể trên, và hàng triệu người khác là biểu hiện của sự thất bại về chính sách trong quá khứ, và là trách nhiệm tương lai của chúng ta.

Tương tự, chỉ cần thay đổi vài từ ở khuyến cáo trên, sẽ là vấn đề đặt ra với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vào thời điểm hiện nay, việc tiếp tục phủ nhận  giá trị của báo chí tự do, tiếp tục duy trì sự độc quyền của báo chí định hướng, là biểu hiện của sự thất bại về chính sách ở hiện tại, và là trách nhiệm tương lai của những đảng viên quan chức như tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)