Việt Nam Thời Báo

VNTB- Câu chuyện chặn xe cứu thương & “Văn hóa lợi ích nhóm” trong xã hội

Thiên Điểu

(VNTB) – Nếu nhìn rộng ra  tất cả những vụ việc liên quan lợi ích nhóm, cách hành xử của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay sẽ thấy chung một kịch bản: Tìm mọi cách để độc quyền, tìm mọi cách để bóc lột không có bất cứ giới hạn nào và sẵn sàng dùng vũ lực lẫn công cụ quyền lực để áp chế khi bị đụng chạm.

Bảo vệ bệnh viện chặn xe cứu thương chở trẻ sơ sinh: “Bản án” đã được tuyên

Vụ việc bảo vệ Bệnh viện nhi TW chặn xe cứu thương vào chở bệnh nhân ra chỉ vì bảo kê cho lợi ích độc quyền  và thỏa mãn cái tham lam khi chặt chém những người vì bệnh tật phải mang thân tới phó thác cho bệnh viện vốn không lạ. Nó là vấn nạn đã xảy ra từ lâu và vẫn diễn ra hàng ngày ở hầu hết các bệnh viện, các điểm kinh doanh lẫn dịch vụ có hơi hám đồng tiền chứ không riêng một vài nơi trên khắp Việt Nam.

Điều đáng nói hơn không phải ở  việc bảo vệ bệnh viện Nhi TW trong vụ việc này đúng hay sai , sai mức độ nàovì nó đã quá rõ ràng  mà là ở chỗ: Nó phản ánh điều gì trong cách ứng xử vủa BV Nhi nói riêng  mà là cả Bộ Y tế, ngành y và xã hội Việt Nam nói chung?

Khi vụ việc xảy ra, ngay sau khi đoạn clip quay cảnh cải vã giữa bảo vệ Viện Nhi TW với lái xe cứu thương, có lẽ bà Phó giám đốc Viện nhi Lê Thị Minh Hương không thể ngờ là còn có đoạn clip thứ hai chứng minh khi đó trên xe có bệnh nhân. Thói quen vô trách nhiệm đã dẫn tới suy luận: Bệnh nhân gần chết, đã cho xuất viện về nhà chắc là đã đi rồi chứ không ai để lại đó để chờ cãi nhau nên bà vội vã đăng đàn đổ lỗi cho xe cứu thương và người nhà bệnh nhân  nhằm phủi bỏ trách nhiệm? Nếu vậy thì trên cương vị từng là bác sĩ, là nhà quản lý hoạt động bệnh viện, bà Hương chắc chắn không thể không biết xe cứu thương là phương tiện đặc chủng, được ưu tiên trong bất cứ trường hợp nào. Huống hồ đây là bệnh viện thì việc xe cứu thương ra vào không lý do gì lại viện lý do là “sân bị hạn chế, không phải xe nào cũng tự do ra vào được” trong khi dường ra vào của bệnh viện không phải là đường phố để đến mức kẹt xe cấp cứu.

Khoan nói đến chuyện tư túi, móc nối nhau trong việc đấu thầu các hoạt động dịch vụ xung quanh bệnh viện vì ai cũng biết ngay cả rác thải, xác chết  cho tới viên thuốc, mũi tiêm, hoạt động khám bệnh,  điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân.v.v. tất cả đều có cạnh tranh và giành giật nhau quyết liệt xung quanh cái giá của đồng tiền.

Chỉ nói tới trên vai trò quản lý bệnh viện, thái độ và cách thức bao che của bà Hương phản ánh rất rõ sự lạnh lùng đến ghê sợ trước vấn đề sinh mạng của bệnh nhân, số phận của thân nhân bệnh nhân khi vụ việc xảy ra suốt hai tiếng đồng hồ không có bất cứ lãnh đạo nào của bệnh viện có mặt xử lý mà phải chờ tới công an đến làm việc.

Chưa hết, ngay ngày hôm sau, lãnh đạo bệnh viện đã ra công văn yêu cầu công an điều tra về chức năng cứu thương của chiếc xe vào chở bệnh nhân đã dám “đụng chạm tới nồi cơm” của liên minh lợi ích ma quỷ gồm xe bệnh viện – bảo vệ – quản lý bệnh viện. Ý đồ dùng công cụ quyền lực để dập tắt vụ việc thể hiện đã quá rõ ràng. Thế nhưng, trời bất dung gian khi xuất hiện clip thứ hai chứng minh trên xe lúc đó có bệnh nhân và bệnh  nhân đã chết khi  vẫn đang còn trên xe trong khuôn viên bệnh viện. Trái ngược với tuyên bố của lãnh đạo bệnh viện trước đó.

Đến khi xuất hiện clip thứ hai thì lập tức thêm màn kịch “phẫn nộ” của ông Giám đốc khi giả ngây trước việc đã  rõ ràng mà chính ông trực tiếp xử lý từ đầu  trên vai trò quyết định hay ít nhất là tham gia quyết định. Điều này  thể hiện qua việc yêu cầu công an điều tra chiếc xe hòng trả đũa lái xe và đơn vị chủ quản chiếc xe cứu thương trong vụ việc.

Có vẻ như ở đây, lãnh đạo bệnh viện Nhi TW đều có chung một trạng thái rất nôn nóng muốn dìm vụ việc xuống bằng mọi cách. Chưa có kết luận từ công an nhưng liệu có gì bất thường phía sau ca mổ cho cháu bé trước đó, dẫn tới câu chuyện cho về nhà chờ chết rồi chết ngay trong khuôn viên bệnh viện?

Đến đây, có lẽ những nhận xét, bình phẩm hay đánh giá về những khẩu hiệu hay đạo đức gì đó trong bản chất thật của  những người liên quan đều không cần bàn vì chẳng thể ngôn từ nào diễn tả cho đầy đủ được.

Nếu nhìn rộng ra  tất cả những vụ việc liên quan lợi ích nhóm, cách hành xử của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay sẽ thấy chung một kịch bản: Tìm mọi cách để độc quyền, tìm mọi cách để bóc lột không có bất cứ giới hạn nào và sẵn sàng dùng vũ lực lẫn công cụ quyền lực để áp chế khi bị đụng chạm. Lợi dụng kẽ hở của luật pháp, sự thiếu hiểu biết của người dân để  tước đọt, gạt bỏ mọi trách nhiệm với người bị hại. Diễn trò đạo đức hòng cứu vãn để duy trì mục đích trục lợi khi biết rằng không thể che giấu sai phạm khi đã bị phanh phui.

Tin bài liên quan:

VNTB- Sĩ quan quân đội rút súng dọa bắn người là cháu tướng Phùng Quang Thanh?

Phan Thanh Hung

Chuyên chế độc tài & Dân chủ đa nguyên: Mô hình nào tốt nhất cho Việt Nam? – Phần 1: Thực chất mô hình XHCN

Phan Thanh Hung

VNTB- Phản biện bài “Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê-nin hiện nay” (Phần 2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo