Việt Nam Thời Báo

VNTB – Câu chuyện gói mì và hơn nửa triệu bạc tiền bảo hiểm y tế

Trúc Mai – Nguyên Bình (VNTB) Với lượng tiêu thụ 55,1 gói/người mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lượng tiêu thụ mì ăn liền. Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho hay, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ 2 thế giới sau Hàn Quốc. Còn nếu tính theo mức ăn bình quân đầu người thì Việt Nam ăn mì nhiều nhất thế giới.

Không chỉ là kết quả được rút ra từ khảo sát, thống kê, mà nói như lời của ông Huỳnh Anh Thu, phó Chủ tịch Hội Nhân lực, Nhân tài TP.HCM, thì có nằm bệnh viện lâu ngày mới hiểu tại sao người Việt mình lại “khoái khẩu” mì gói nhiều như vậy. “Người ta buộc phải ăn gói mì chưa tới 3.000 đồng vì… nghèo khó và trăm thứ chuyện để lo khi chăm nuôi người thân chữa trị tại bệnh viện!”. Ông Thu, nói.
Kiệt quệ cả rồi!
Nhập viện cấp cứu ở bệnh viện (BV) Nhân dân 115 từ tháng 8 năm 2012 và xuất viện vào cuối tháng 4-2013, sau khi luân chuyển thêm 2 BV nữa, ông Huỳnh Anh Thu tự nhận rằng mình thấm thía lắm câu chuyện của gói mì 3.000 đồng và chiếc thẻ bảo hiểm y tế có giá hơn nửa triệu bạc mà chỉ khi phải vào viện rồi người ta mới nhận ra hơn giá trị của nó, nếu… đúng tuyến!
Nhận cơm từ thiện ở BV. Ảnh: N.Thịnh
Nhìn chị Hà Thị Hồng Yến (58 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) ngồi co ro trên giường bệnh, ai cũng chạnh lòng. Nhà nghèo, vợ chồng chị Hồng Yến đi làm mướn, ai kêu gì cũng làm để nuôi 3 đứa con. Sau nhiều ngày rong ruổi trên các cánh đồng, chị mót được 20 kg lúa mang ra nhà máy xay. Trong lúc xay, một ít rớt ra ngoài. Tiếc lúa, chị cúi xuống hốt, do đứng trước quạt nên tóc chị bị cuốn vào máy xay. Mặc dù người làm ở nhà máy kịp rút điện nhưng chị vẫn bị lột hết lớp da đầu, thương tích nặng… Sau 1 tháng điều trị tại BV Chợ Rẫy, số tiền vợ chồng chị mang theo cạn dần, người chồng phải ra ngoài kiếm việc. Anh đi từ sáng đến tối, làm đủ thứ việc người ta thuê. Có hôm anh về BV với nhiều vết bầm tím trên người. “Tôi hỏi hoài nhưng ảnh không nói, sau mới biết có xích mích với mấy người bên ngoài do họ không cho ảnh làm chung”. Chị Yến kể trong nước mắt.
Nợ nần chất chồng, vợ chồng chị Hồng Yến quyết định khăn gói về quê kiếm tiền trả nợ. Chồng chị ngậm ngùi nói: “Có làm quanh năm suốt tháng vợ chồng tôi cũng không kiếm đủ số tiền ấy nên phải về thôi. Nằm ở đây hoài không làm ra tiền mà phải chi phí nhiều thứ quá!”. “Kiệt quệ hết cả rồi! Trước còn vay tiền anh em, họ hàng. Giờ thì chẳng vay được nữa. Căn nhà cũng đem cầm cố ngân hàng nhưng không biết có khỏe được để kiếm tiền trả không…”. Chị Yến tiếp lời chồng.
“Còn tiền để mua gói mì cũng là… phước!”
Tình cảnh như vợ chồng chị Yến có thể bắt gặp ở bất kỳ BV nào tại TP.HCM. Ông Huỳnh Anh Thu thử biện giải: “Người nghèo chạy ăn từng bữa nên dành dụm hơn nửa triệu bạc để có 1 thẻ bảo hiểm y tế nhiều khi như giấc mơ cổ tích. Đã vậy từ năm ngoái, nhà nước buộc phải mua bảo hiểm tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu, không bán lẻ như trước… Nếu đi đúng tuyến, bệnh nhân được phía bảo hiểm chi trả với tỷ lệ 80% chi phí điều trị. Trái tuyến, tỉ lệ này chỉ 30%. Đã gấp rút nhập viện mong giữ tính mạng, ai… can đảm vào BV đúng tuyến thường là cấp huyện? Cũng vì nghèo, và suất cơm từ thiện phát cũng giới hạn, vậy là người nuôi bệnh đành “khoái khẩu” với gói mì loại rẻ nhất nhiều khi chưa tới 3.000 đồng. Coi ra thì nhiều khi còn tiền để mua gói mì cầm hơi cũng là… phước!. Đó là chưa kể chuyện gói mì này còn là món ăn thường nhật của các chị làm vệ sinh ở BV vốn cũng rất nghèo khó!”.
Cả 3 Khoa Tiết niệu ở BV Bình Dân có hàng trăm bệnh nhân nằm điều trị mỗi ngày, kéo theo chừng đó người nuôi bệnh. Mỗi người mỗi cảnh nhưng tất cả đều sốt ruột về bệnh tình người thân, lo không đủ tiền đóng cho BV… Anh Trường (quê Bảo Lộc), đang nuôi mẹ điều trị ở đây, cho biết chỉ mới 2 tuần mà 10 triệu đồng mang từ quê vào đã cạn sạch. Nhà anh phải cử 2 người túc trực suốt ở BV. Để dành tiền trả chi phí thuốc men, viện phí cho mẹ, vậy là anh Trường thủ sẵn cả thùng mì tôm “chiến đấu” lâu dài với cơn đói.
Phải chăng số phận của người nghèo luôn nghiệt ngã? Mỉa mai lắm chăng khi cùng chung một kiếp nhưng kẻ thì sống hưởng không hết bổng lộc, tiền bạc; người thì đong đời bằng từng chén cơm, tô cháo từ thiện…

Tin bài liên quan:

VNTB – Cú đánh thẳng vào người nghèo

Phan Thanh Hung

Sau xăng, điện, tiếp tục tăng giá viện phí và ‘người dân không bị ảnh hưởng’ (?) *

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao tôi chọn rút bảo hiểm xã hội một lần?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.