Việt Nam Thời Báo

VNTB – Champa suy vong, vì đâu?

Inra Sara

 

(VNTB) – Nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất: do Champa có láng giềng là Đại Việt.

 

Sau vài video đưa lên, tôi nhận được nhiều phản hồi, trong đó ở chuyên mục “Văn hóa Cham nhìn từ Cham” có ý kiến rất đáng dành cho một video giải minh, là: “Cham giỏi, Cham thông minh sao để cho mất nước?”.

Nhớ, mươi năm trước, nhà phê bình Phạm Quang Trung phê bình tôi trên tạp chí Nhà văn: “Với ông Inrasara thì cái gì Cham ông cũng nhất”, tôi hỏi lại ông, ở số kế tiếp, rằng: Ông thấy tôi viết câu đó ở đâu? Không đâu cả!

So thơ trẻ Cham với thơ DTTS (Dân Tộc Thiểu Số, chú thích Ban Biên Tập) khác, tôi dùng chữ khác biệt, chứ không hề so sánh hơn kém. Chính cái khác biệt làm nên độc đáo của văn học nghệ thuật.

Có lẽ qua cách nói/ viết của tôi tạo nên hiểu lầm chăng?

Câu hỏi: “Champa hùng mạnh, người Cham giỏi, sao để cho mất nước?” tôi gặp nhiều lần ngoài trần gian muôn màu, và đây đó rải rác cả trong các phản hồi, từ website đến Facebook, hôm nay giải minh một lần cho trót.

Champa hùng mạnh thì phải rồi. Lập quốc từ thế kỉ thứ hai sau Công nguyên, từng đánh Bắc [Tàu] dẹp Tây [Khmer], từng dựng lên một nền văn minh rực rỡ, nhưng rồi đến đầu thế kỉ 19 thì bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Vì sao, là câu hỏi đáng suy gẫm, ít ra cũng gợi sự tò mò.

Nguyên do từ đâu? Có người cho do Champa có hai tộc Cau, tộc Dừa giành quyền lực gây chia xé rồi dẫn đất nước suy tàn; không ít người cho do Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ; người cho do Champa tổ chức theo kiểu tiểu bang mỗi vùng lo cát cứ nên không tập hợp được sức mạnh; có người còn đổ lỗi cho chế độ gia đình mẫu hệ, vân vân. Thì Đại Việt cũng cát cứ [loạn 12 sứ quân], cũng Nam Bắc [Trịnh Nguyễn] phân tranh, cũng tranh giành quyền lực… 

Ở đây, nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất: do Champa có láng giềng là Đại Việt.

Quan niệm về Đất, Cham và Việt rất khác.

Người Việt nói “nơi chôn nhau cắt rốn”, Cham: ‘Dar thook padook kiak’: Nơi chôn nhau đặt viên gạch [dựng tháp] mới là đất, nghĩa là liên quan đến tâm linh. Thế nên nơi nào có tháp, là đất Cham, còn lại có cho không Cham cũng chả thèm ở, nói chi là đánh chiếm.

Bốn lần ra tấn công Thăng Long, Chế Bồng Nga có ý giành dân chiếm đất bao giờ, gái đẹp cũng không còn muốn mang về nữa là, khác hẳn Lý Thái Tông!

Người Việt thì khác, mở cõi bằng gươm, không được thì bằng gái. Hãy nhớ lại huyền thoại Huyền Trân, và câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Một đội bóng chỉ có thủ không có công, thì chỉ có thể từ hòa đến thua.

Ở câu chuyện này, ta thử truy tìm nguyên nhân xa và sâu hơn.

1. Về tiếp nhận Văn minh

Khác với Việt tiếp nhận văn minh Trung Hoa mang tinh thần xử thế, thực dụng và lắm mưu, Cham tiếp nhận văn hóa văn minh Ấn Độ nặng siêu hình và xuất thế.

Xét một dân tộc, cần xét ở bậc tầng cao nhất của nó.

Bốn giai đoạn đời một Bà-la-môn: Theo thầy học, xây dựng gia đình sắm vai trò chủ hộ, đi vào rừng, cuối cùng là phong phanh giữa trời đất.

Khác hẳn lí tưởng tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ của “đấng trượng phu” đạo Nho dấn thân cứu đời. Và dẫu có lui về ở ẩn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, vẫn còn được vua chúa tìm đến vấn kế.

2. Về Tinh thần, Cham xu hướng sáng tạo, lại thiếu thực tế.

Cham ham chơi, ham làm nghệ thuật, tôi đã đề cập ở video trước.

Về tháp Chàm chẳng hạn, tôi từng “phê bình” sự thể trong tiểu thuyết Chân dung Cát-2006. Ý chính rằng, sao không gom tài lực, xây dựng thành trì bảo vệ đất nước mà cứ đổ dồn tiền tài lo xây bát ngát tháp. 

Tinh thần này đến hôm nay Cham vẫn còn thừa hưởng, Trà Vigia viết đố có sai: “Chàm tui làm là làm chơi/ chơi lại chơi thiệt”.

3. Về Chính trị, Cham ít biết thỏa hiệp.

Người Hoa lưu lạc vào Nam và làm giàu, cộng đồng Hoa ở Chợ Lớn là điển hình, rồi khi bị dân bản địa phá, họ tìm cách thương lượng để cùng tồn tại.

Cham không làm được như vậy. Chạy loạn di cư qua đảo Sulu – Philippines, sau hai thế kỉ Cham đã dựng nên thành phố sấm uất. Nhiều lần bị phá phách, không chịu nổi, Cham nổi khùng và nổi dậy tàn sát dân bản địa, đốt thành phố mình, và bỏ chạy lên đảo Batanes ở phía Bắc, rồi luân lạc sang đảo hoang tận Đài Loan.  

Câu chuyện Kut Boh Dana hôm nay cũng hệt! Tôi và cô bác Cham đã điều đình, sự vụ thành đến 95%, lợi đủ bề. Chỉ do vài gia đình không biết thỏa hiệp, quyết “chết, chứ không dời đi đâu cả”, thế nên xôi hỏng bỏng không. Kut bị dời đi đã đành, mà bản thân cũng mang vạ.

4. Về Môi trường tự nhiên, vương quốc mở ra biển, thế nên mỗi lần thất thế, Cham sẵn sàng từ bỏ đất liền, vượt biển tìm đất sống. Xưa, có điều kiện Cham qua Malaysia, Philippines, Hải Nam… chỉ sau này: thế kỉ XVIII, mới qua Cambodia, Thái Lan.

Người Việt thì khác: chạy qua Trung Quốc náu thân hay chờ thời. Hồ Quý Ly xưa, hay sau đó là vua Lê Chiêu Thống.

5. Về Tôn giáo, rủi ro sao ấy, Cham tiếp nhận hai tôn giáo không đội trời chunglà Ấn Độ giáo và Islam. Xung đột ý thức hệ ngoài kia, Ấn Độ banh ra thành Pakistan banh ra thành Bangladesh.

Trong khi Đại Việt tam giáo Phật Lão Khổng đồng nguyên, tôn giáo ở Cham lại khác: Giữa chừng lại tiếp nhận Islam vào trong vương quốc Ấn Độ giáo đang là quốc giáo.

Sử thi Akayet Um Mưrup, hoàng tử con vua Champa Bà-la-môn ngộ đạo Islam, dẫn quân về phá nát kinh thành, đền tháp vua cha và cười ngạo nghễ trên đổ nát đó. Ớn không!

Xung đột mang tính ý thức hệ sống mái hai tôn giáo giữa người đồng tộc, nhưng dẫu sao Champa khác Ấn Độ, sau 300 năm chịu tan cửa nát nhà, khi Pô Rômê hóa giải và hòa giải được thì Champa đã ổn định.

Buồn thay khi ấy vương quốc chỉ còn Phú Yên trở vào. Trước áp lực mạnh mẽ của Chúa Nguyễn từ phương Bắc, mất là không thể tránh.

Hôm nay sự thể tái diễn trong cộng đồng Cham nhỏ bé. 400 năm qua hai nhánh tôn giáo Bà-la-môn và Bà-ni [Ahiêr Awal] chung sống hòa bình, hòa đồng và vui vẻ, thập niên 1960 Islam lần nữa trở về, và lần nữa Cham lại xung đột mang tính ý thức hệ rồi gây chia xé, đổ máu, chết chóc. Từ 3 nguyên do khác nhau: Phước Nhơn 1970 là Bà-ni với Islam, Văn Lâm 1980 là giữa Islam bởi hai phái khác nhau, rồi mới nhất ở An Nhơn trước Tết năm nay do quyền lợi giữa các bạn ở cộng đồng Cham Muslim! Buồn là vậy.

Kết

Trở lại với lời phê của phó GS-TS Phạm Quang Trung: “Với ông Inrasara thì cái gì Cham ông cũng nhất”, thêm câu hỏi ở đây: “Làm sao Champa hùng mạnh, người Cham giỏi mà để mất nước?” Xin nói rõ:

Tôi là một sinh linh Cham sống trong đất nước Việt Nam, tôi chưa bao giờ nói Cham NHẤT, mà nêu cái độc đáo ở tinh thần văn hóa Cham và tâm hồn con người Cham.

Câu hỏi: để làm gì?

Hóa giải-1. Nêu cái “giỏi, thông minh” của Cham, chủ yếu tôi muốn nhấn về thành quả sáng giá nhất của dân tộc mình, đóng góp vào kho tàng văn hóa đa dân tộc của đất nước.

Mà tôi có riêng tụng ca mỗi Cham đâu, ở mọi diễn đàn, tôi luôn khuyến khích và cả thúc giục các nhà văn dân tộc thiểu số/ bản địa khác nêu bản sắc, cái tốt đẹp nhất của dân tộc mình. Để làm giàu sang nền văn hóa Việt Nam hôm nay.

Hóa giải-2. Không dừng ở “tôi tìm và nhặt” bản sắc văn hóa DTTS trong đó có Cham, với nền văn học Việt Nam thái độ tôi cũng không khác.

Sau 20 năm miệt mài, tôi trở thành “chuyên gia” về văn học ngoại vi Việt Nam. Ở đó, mục đích không gì hơn ngoài tìm nhặt, gom lại các sáng tạo sáng giá nhất ở các khu vực văn học khác nhau, để làm giàu sang nền văn học đất nước.

Chả nhân văn thì còn kêu bằng nỗi gì?!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Xã hội dân sự Việt Nam và các hoạt động về dân tộc thiểu số

Do Van Tien

VNTB – Lãnh đạo đối lập Suu Kyi cho biết luôn cẩn thận khi xử lý “vấn đề Rohingya”

Phan Thanh Hung

VNTB – Tôn giáo Bà-ni của người Chăm ( Bài2)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo