Việt Nam Thời Báo

VNTB- Chấn động hậu đại hội và nhọc nhằn tạo hình ảnh để ‘an dân’

Thiên Điểu

Nhân danh ai mà Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh ‘mời’ tàu Trung Quốc vào Cam Ranh?

(VNTB) – Có gì bất thường hay không trong khi trước vụ bắt tàu Trung Quốc chỉ vài ngày, Việt Nam chủ động mời tàu quân sự Trung Quốc tham quan cảng Cam Ranh – Cảng quân sự nước sâu có ý nghĩa quân sự bậc nhất ở Biển Đông?
Qua 12 nhiệm kỳ lãnh đạo, chưa có kỳ Đại hội nào ĐCSVN phải vất vả và vướng vào nhiều nghi án kịch tính như lần này. Nếu như Đại hội VI với những thông điệp từ các đảng viên cao cấp đặt ra về khái niệm “ dân chủ; đa nguyên, đổi mới..” và những ý kiến đụng thẳng vào vai trò lãnh đạo cụ thể của Tổng bí thư Lê Duẩn lúc đó là cơn địa chấn giáng vào nền tảng lý luận của CNCS trong chính trường nhà nước XHCN Việt Nam, thì Đại hội XII lần này là cơn lốc xoáy tàn phá mọi nguyên tắc tổ chức của nhà nước, đồng thời lật tung các yếu điểm chết người liên quan sự tồn tại thể chế.

Hai kỳ Đại hội điển hình nói trên có chung một vài yếu tố về tính bức bách, mâu thuẫn nội tại lẫn những bất cập liên quan nền tảng chính trị, nhưng khác biệt nhau khá nhiều yếu tố manh tính quyết định…

Nhu cầu đổi mới, đặt ra yêu cầu đánh giá lại cơ sở lý luận chính trị của Đại hội VI cũng có xuất phát chung  từ vấn đề phát triển yếu kém nhưng mục tiêu phải giải quyết là do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa tư tưởng cộng sản chủ nghĩa kiểu Liên – Xô  (chủ nghĩa Mác-xít) và chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Trung Quốc (chủ nghĩa Mao). Mặc dù Việt Nam lúc đó vẫn đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn (tất nhiên đi kèm là sự chi phối chính trị) từ  Liên – Xô, nhưng thất bại chiến lược liên quan vấn đề Campuchia và sự sụp đổ của Liên – Xô sau đó đã kéo theo sự chấm dứt đế chế bị cho là cực đoan đến sắt đá dưới sự lãnh đạo của TBT Lê Duẩn.

Nhu cầu đổi mới cả về lý luận lẫn cơ cấu nhân sự của Đại hội XII, xét về khía cạnh phát triển xã hội, thì có thể nói không gay gắt bằng thời điểm Đại hội VI bởi ít nhiều kinh tế, xã hội Việt Nam đã có đôi chút cởi mở, thoáng đạt hơn từ thời kỳ TBT Nguyễn Văn Linh và nhất là sự xuất hiện hơi hám kinh tế thị trường sau việc dỡ bỏ cấm vận của Mỹ và hội nhập  gần đây. Tuy nhiên, tính bức bách và áp lực gia tăng tới tột cùng và nặng nề hơn nhiều bởi cơ chế quản lý và bộ máy lãnh đạo nhà nước đã đẩy Việt Nam vào thời kỳ mất lòng tin sâu sắc giữa người dân với chế độ. Vấn nạn tham nhũng và sự trì trệ, thua sút quá nhiều so với phần còn lại của cả thế giới khiến nhu cầu đòi hỏi sự phát triển của người dân cao hơn. Sự hình thành các phe phái lợi ích nhóm lũng đoạn chính trị ở thượng tầng đe dọa trực tiếp tới điều kiện ổn định tối thiểu trong bộ máy nhà nước và Đảng cộng sản. Dẫn đến sự xuất hiện nguy cơ sụp đổ chế độ nổi lên rõ rệt hơn lúc nào hết.

Những yếu tố mâu thuẫn và xung đột quyết liệt của Đại hội XII thể hiện rất rõ  khi lần đầu tiên, lãnh đạo ĐVCS Việt Nam phải sử dụng đến rất nhiều biện pháp – trong đó bao gồm cả những biện pháp mà giới phân tích chính trị chỉ rõ là vi hiến hoặc có chủ đích loại bỏ đối tượng cá nhân rõ ràng – để bảo đảm duy trì được vị trí quyền lực lãnh đạo.

Ngay từ trước thời điểm chuẩn bị Đại hội XII, yếu tố đối ngoại chịu áp lực nặng nề từ quan hệ với Trung Quốc bởi hành động lấn chiếm, tranh chấp Biển Đông ngang ngược chưa từng có. Sự bất mãn của người dân dẫn đến cả bạo loạn khi biểu tình phản đối Trung Quốc hồi tháng 5/2014 đòi hỏi lãnh đạo thể chế Việt Nam phải có một đối sách cụ thể, rõ ràng như một điều kiện bất biến để tồn tại. Tham nhũng, nợ nần đặt ra một điều kiện khác là phải có đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể  nhằm xoa dịu sự bất mãn trong dân trước khi tìm ra giải pháp trong tình cảnh chiến dịch chống tham nhũng rơi vào bế tắc, không có bất cứ kết quả nào đáng kể. Hai yếu tố này là những yếu tố then chốt lớn nhất dẫn đến ĐCSVN phải trải qua một kỳ Đại hội kịch tính  và đầy mâu thuẫn như đã thấy.

Mọi đồn đoán về khả năng nắm giữ quyền lực của  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị mới sau Đại hội XII có thể gây ra  bất ngờ cho nhiều người khi ông bị loại hoàn toàn. Nhưng rất  hợp lý nếu  thẳng thắn nhìn nhận vấn nạn tham nhũng và khủng khoảng xã hội toàn diện hiện nay gắn liền với trách nhiệm của bản thân ông qua cách điều hành ngẫu hứng và hời hợt chưa từng có đối với một chính khách.

Trên tư thế là vị Thủ tướng quyền lực nhất từ trước tới nay của chế độ, ông Dũng ra đi cũng là cách để phủi bỏ những gì ông để lại mà ĐCSVN phải gánh lấy dù muốn hay không. Ít nhiều việc ra đi chắc chắn kèm theo một thỏa thuận riêng tư thường có đối với các thay đổi bất ngờ tương tự  về quyền lực chóp bu trên chính trường. Tuy nhiên, một bất ngờ lớn hơn là ngay sau khi hoàn tất Đại hội XII, TW ĐCSVN  dùng Quốc Hội miễn nhiệm trước thời hạn đối với cả Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc Hội là những vị trí cao nhất trong “tứ trụ” ở Việt Nam. Động thái “miễn nhiệm” trước thời hạn đối với các chức danh trụ cột cao nhất trong hệ thống hành pháp lẫn lập pháp tiếp tục thể hiện sự bất thường khi khi  lẽ ra theo thông lệ, các chức danh này chỉ được bầu sau khi các lãnh đạo mãn nhiệm và hệ thống quyền lực mới  đã được bầu lại ở cấp địa phương.

Xét về căn bản thì từ trước tới nay, theo cơ chế “tập trung dân chủ” và cách thức tổ chức bầu cử ở Việt Nam, các vị trí lãnh đạo  luôn nằm trong kế hoạch dự kiến trước và được quyết định bởi Đảng ủy cấp tương đương hoặc TW Đảng thì việc bầu  các vị trí Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội..  trước hay sau không có gì khác biệt. Cái khác biệt đặt ra chính là cái bất cập khi các vị trí này được bầu trong khi các nhân sự chưa qua cuộc bầu cử từ cấp dưới lên như thông thường. Điều đó vô hình chung khiến dư luận bàn tán không biết được những lãnh đạo này được bầu  thuộc nhiệm kỳ nào? Cơ sở nào để họ trở thành lãnh đạo cao nhất của hệ thống trong khi chính hệ thống đó chưa được hình thành? Nhất là đối với vị trí Chủ tịch Quốc  hội – tổ chức quyền lực trên danh nghĩa là lớn nhất nước và do dân bầu lên (!)

Quan hệ Trung Quốc – thay đổi hay vẫn chỉ là chiêu trò an dân ?

Một động thái được cho là chưa có tiền lệ khi truyền thông bất ngờ loan tin bắt giữ một tàu vận tải cung cấp dầu cho ngư dân Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam vào ngày 2/4 vừa qua. Động thái này lập tức gây bão trong giới truyền thông mạng, tạo ra không ít cảm xúc hồ hởi trong lòng những ai vốn đang nghi ngờ và dần mất kiên nhẫn đối với vấn đề quan hệ Việt – Trung. Nó lập tức xóa đi các nghi ngờ đối với những thông tin nhạy cảm hơn nhiều diễn ra cùng thời điểm. Ngay ở nhiều diễn đàn và cả những người thể hiện sự quan tâm nhiều, được nhiều người chú ý trong việc phân tích vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa hai nước Việt – Trung cũng không chỉ ra hết những dấu hỏi còn lẩn khuất sau sự kiện này.

Nếu tỉnh táo hơn một chút, người ta có thể dễ ràng hiểu rằng tàu dầu luôn chạy phía sau phương tiện sử dụng. Ở đây là chạy sau các tàu cá của Trung Quốc đang tràn ngập ngoài Biển Đông, nói cách khác là các tàu cá Trung Quốc vào sâu hơn nhiều so với tàu dầu bị bắt. Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra là: Vậy các tàu cá kia ở đâu mà không chiếc nào bị bắt ?

Thông tin về tàu dầu bị Việt Nam bắt giữ  chở hơn 1.000 tấn dầu. So với con số hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc đã vào Biển Đông thì rõ ràng đây chỉ là một con tàu rất nhỏ (lượng dầu chỉ đủ đáp ứng cho một vài trăm con tàu đánh bắt xa bờ) và với giá dầu hiện tại thì giá trị của nó cũng chả bõ bèn gì ngoài ý nghĩa “xâm phạm trái phép”. Câu hỏi tiếp theo ở đây là: Có gì bất thường hay không trong khi trước đó chỉ vài ngày, Việt Nam chủ động mời tàu quân sự Trung Quốc tham quan cảng Cam Ranh – Cảng quân sự nước sâu có ý nghĩa quân sự bậc nhất ở Biển Đông?

Tất nhiên, những câu hỏi trên không dễ có câu trả lời cụ thể được xác thực. Nhưng rõ ràng nó đang giúp cho ĐCSVN củng cố các điều kiện cốt tử liên quan sự sống còn của hệ thống chính quyền dưới sự lãnh đạo của ĐCS mà ở một khía cạnh nhất định, nó góp phần tạo dựng uy tín và vị thế cho các lãnh đạo vừa đắc cử sau một kỳ Đại hội mini đâu đó do TW ĐCSVN tiến hành. Dù thế nào đi nữa, yếu tố Trung Quốc và diễn biến trên Biển Đông sẽ vẫn là  lưỡi dao quyết định cuối cùng đối với số phận của chế độ – ít nhất là trong lòng dân  – và sẽ minh bạch trong thời gian không xa.

Tin bài liên quan:

VNTB- Trung Quốc khởi động “kịch bản 1979” với Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB- Rạn nứt ASEAN: Việt Nam vào thế khó trên Biển Đông

Phan Thanh Hung

VNTB – Được quyền im lặng thì mất quyền tự bào chữa: Ông Nguyễn Hòa Bình vì ai?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo