Võ Hàn Lam
(VNTB) – Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.
Bà Nguyễn Thị Hương – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 4-2020 chiều 27-12 tại Hà Nội.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, cho biết bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23% so với năm 2019, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% được Quốc hội đưa ra. Trong quý IV/2020, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019.
Nhân ngày có nhiều người “hân hoan” về tăng trưởng GDP bất chấp đại dịch, xin nhắc ý kiến của ông Phương Ngọc Thạch, cựu chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, đã lên tiếng từ ba năm trước: “Trên thực tế, con số GDP không phải “thân thiện” với đời sống người dân, người dân không cần GDP tăng mạnh rồi chỉ một bộ phận nhỏ được hưởng lợi, còn đa số chịu rủi ro vì tăng lạm phát. Điều cần là làm sao tăng chất lượng GDP để nền kinh tế mạnh lên, chất lượng cuộc sống của người dân tăng cùng với sự gia tăng quy mô nền kinh tế”.
Theo ông Phương Ngọc Thạch thì “GDP không phản ánh được chất lượng cuộc sống”.
Trên thế giới hầu như không có quốc gia nào không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là lâu nay, chúng ta vẫn xem GDP như là một tiêu chí duy nhất làm thước đo tăng trưởng của nền kinh tế, cho rằng nếu không có tăng trưởng kinh tế thích đáng sẽ không có sự phồn vinh của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Điều này có thể dẫn đến những đánh giá không chính xác và từ đó đưa ra những chính sách sai lầm.
Trong ngắn hạn, sản lượng của nền kinh tế được lan tỏa bởi tổng cầu cuối cùng (GDP) và khi GDP tăng sẽ kích thích sản xuất trong thời kỳ sau. Tăng trưởng kinh tế (phía cầu) dựa trên nền tảng sản xuất (phía cung) rất mạnh mẽ, hàng hóa nhiều và chất lượng. Với nền tảng là phía cung như vậy, việc kích thích ở phía cầu có thể là hợp lý. Khi phía cung yếu kém, mọi can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng và thu nhập từ sản xuất mà chỉ tiềm ẩn rủi ro lạm phát và thâm hụt thương mại.
Thêm vào đó, tăng trưởng GDP chỉ nêu được quy mô nền kinh tế, tính được tốc độ và cơ cấu kinh tế, nhưng không phản ánh được chất lượng cuộc sống của người dân và các yếu tố khác như môi trường, y tế, giáo dục…
GDP chỉ cộng thêm sản phẩm làm ra mà tính đến những chi phí về mặt xã hội và môi trường; không thể phản ánh phát triển kinh tế một cách toàn diện, đầy đủ vai trò quan trọng của dịch vụ công trong phát triển kinh tế cũng như sự khác biệt chất lượng phát triển kinh tế, tình trạng việc làm, phân phối thu nhập… Chúng ta nên thấy rằng tăng trưởng GDP không phải tất cả, việc phân phối lại thu nhập và việc tăng để dành mới là điều cốt yếu của một quốc gia về lâu dài.
“Phải thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển” – ông Phương Ngọc Thạch, nhấn mạnh.
“Chúng ta đã phải đi vay để trả nợ vay, chủ trương cắt giảm chi tiêu, trong đó quan trọng là các khoản chi thường xuyên đã được đặt ra. Tuy nhiên, bội chi ngân sách hằng năm vẫn cao. Chính sách thắt lưng buộc bụng gồm các điều như tăng thuế, giảm chi tiêu công, xã hội hóa dịch vụ công tỏ ra thiếu tính thuyết phục, “lợi bất cập hại”. Do đó, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục, y tế sẽ giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho các khu vực này, tác động đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, cần tăng nội lực bằng việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đang đóng góp tới hơn 40% GDP. Muốn vậy, cơ chế chính sách phải thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chứ không thể chỉ là những quyết tâm, khẩu hiệu… – điều mà chúng ta vẫn thấy lâu nay” – ông Phương Ngọc Thạch, nhận định.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo quan trọng với tiêu đề: “Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động”.
Theo WB, ngày nay hầu hết người Việt Nam đều được hưởng những điều kiện sống mà khó có thể tưởng tượng vào 30 năm trước, khi đất nước đang trên bờ vực sụp đổ về kinh tế và xã hội. Công cuộc “đổi mới” bắt đầu vào năm 1986 đã đưa Việt Nam từ nhóm những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất.
Thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng gấp bốn lần trong giai đoạn 1990 – 2018 và giúp giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, từ 50% xuống còn khoảng 2% trong giai đoạn này.
Mặc dù đã đạt được thành công chưa từng có, hành trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa hoàn thành. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam hiện nay (năm 2019 khoảng 2.800 USD) chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, 20% mức trung bình của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5% mức trung bình của các nền kinh tế có thu nhập cao.
Việt Nam sẽ mất khoảng 30 năm để đạt được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người hiện nay của Hàn Quốc và 10 năm để đạt được như Trung Quốc.