Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Chích dịch vụ’: cần sự ‘hợp tác’ của Bộ Y tế

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Cho đến nay, không có một nguồn vắc xin tư nhân nào là hợp pháp và đây chính là vướng mắc lớn nhất để y tế tư nhân có thể ‘chích dịch vụ’.

 

Hãng dược phẩm Pfizer chỉ cung cấp vắc xin qua nguồn hợp pháp và được phê duyệt từ chính phủ các nước. Cho đến nay, không có một nguồn vắc xin tư nhân nào là hợp pháp.

Moderna, AstraZeneca cũng có những yêu cầu pháp lý tương tự Pfizer, và đây chính là vướng mắc lớn nhất để y tế tư nhân có thể ‘chích dịch vụ’.

Chi tiết hơn, để có thể mua vắc xin đang ở tình trạng pháp lý là “phê duyệt khẩn cấp” về Việt Nam để chích ngừa Covid, phía nhà sản xuất yêu cầu phải đặt cọc (pre-order) mà chưa chắc vắc xin có thể được phát triển thành công hay không, tức là hoàn toàn có khả năng mất cả chì – tức nhiều triệu USD tiền đặt cọc, lẫn chài – không có vắc xin như giao kèo.

Tiếp theo, phía sở hữu vắc xin yêu cầu chính phủ bên nước mua hàng phải miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho nhà sản xuất vắc xin về các rủi ro với người được tiêm; và rất có thể nhà sản xuất vắc xin không đảm bảo giao hàng đúng số lượng và thời hạn.

Việt Nam là nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nhiều lần tuyên bố là chống dịch như chống giặc với sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị.

Nói cho dễ hình dung hơn, ở TP.HCM, trong thẩm quyền về ban hành các mệnh lệnh về dịch Covid có cả hai nơi: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Chỉ cần hai ông này chỏi nhau, coi như ‘hệ thống chính trị’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thất bại.

Chính chuyện quyền lực ‘song mã’ đó nên khó trách việc Thủ tướng Phạm Minh Chính không thể xuống tiền từ sớm để chốt các hợp đồng cho đủ số lượng vắc xin để tiêm cho toàn dân nghe đâu dự kiến là 150 triệu liều như nhiều quốc gia khác.

Trường hợp ký được hợp đồng từ sớm mua 30 triệu liều AstraZeneca là rất hy hữu và may mắn khi một doanh nghiệp tư nhân là VNVC đồng ý xuống tiền thay cho chính phủ khi ấy Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc, bởi VNVC rủi ro mất trắng tiền cọc là điều dễ thấy khi đó là thời điểm cuối năm ngoái, khi mà Bộ Y tế của Việt Nam chưa hề có phê duyệt loại vắc xin khẩn cấp nào về phòng Covid.

Giờ thì mọi chuyện đã khác. Tin tức hôm 7-8-2021 cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết ra đời sau phiên họp đột xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó vào chiều 6-8.

Như vậy có thể thấy giờ đây khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra quyết định tạm gọi là ‘chích dịch vụ’, thì về mặt kinh phí, ngân sách nhà nước sẽ chỉ phải chi trả cho một phần nhỏ trong tổng số 150 triệu liều để tiêm cho toàn dân, giúp tránh gây sức ép quá lớn lên ngân sách eo hẹp, mà cũng tiết kiệm được cho cả nền kinh tế, vì càng về cuối năm sẽ có nhiều loại vắc xin hơn với số lượng nhiều hơn để cho nhân dân lựa chọn, mà không phải trả chi phí cao và chấp nhận rủi ro mất trắng khi đặt cọc từ sớm.

Và để làm được điều trên, tiên quyết là Bộ Y tế phải là nơi gọi là “đại diện Chính phủ” trong vai trò đàm phán, vì đến nay phía sản xuất vắc xin ngừa Covid chỉ chấp nhận xuất bán cho các chính phủ.

Bài toán thiệt hơn tạm tính như sau – lần này xin dẫn chứng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Hưng Yên và Hà Nội, thì giấy xét nghiệm âm tính với Covid là một trong những điều kiện bắt buộc để vào Hà Nội cũng như quay lại Hưng Yên. Giá một lần xét nghiệm ‘test nhanh’ là 238.000 đồng, chỉ có tác dụng trong ba ngày – bằng giá một ngày công lao động phổ thông, và người xét nghiệm phải tự trả.

Nếu đi làm để kiếm cơm liên tục một tháng, một lao động ‘liên tỉnh’ như vậy sẽ phải trả khoảng 2,38 triệu đồng. Chi phí “giấy thông hành” chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập. Người lao động vẫn chấp nhận trả, vì còn hơn mất việc.

Thế nhưng từ ngày 2-8, nhà chức trách Hưng Yên đã nâng cấp yêu cầu từ xét nghiệm nhanh lên xét nghiệm PCR, có giá 734.000 đồng mỗi lần, hiệu lực cũng trong ba ngày.

Chưa hết, PCR mất một ngày để trả kết quả, hiệu lực của giấy chỉ còn hai ngày; chi phí cách ly tập trung 14 – 21 ngày cộng chi phí xét nghiệm âm tính tối thiểu ba lần trước khi ra khỏi cách ly nếu chẳng may là F1; chi phí mất việc hoặc nghỉ không lương do không di chuyển được; chi phí và áp lực của hệ thống y tế khi người đó mắc bệnh; chi phí khác của nhà nước để duy trì khu cách ly tập trung các F, truy vết; chi phí của nhà nước để duy trì giãn cách, cách ly, phong toả xã hội; thiệt hại kinh tế của các nhà máy, doanh nghiệp, rộng ra là GDP cả nước…

Như vậy thì nếu người lao động chọn ‘chích dịch vụ’ cho nhanh chóng để còn đi làm, xem ra dù giá một liều vắc xin có bằng ba đến bốn lần so tầm soát PCR, họ vẫn còn tiết kiệm hơn nhiều để dành số bạc này về mua thêm thịt, cá cho mâm cơm gia đình.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trở lại Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Lòng biết ơn

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện từ tâm dịch: Phòng dịch bệnh kiểu Hà Lan

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo