Anh Quân
(VNTB) – Kết quả tích cực làm việc của Nhà nước: Công nhân không chờ được phải bỏ việc về nước
Gần hai tháng sau khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố “tích cực”, “chủ động làm việc” để giải quyết các khó khăn của công nhân Việt Nam ở Serbia. Các khó khăn chính của hơn 400 công nhân vẫn không được giải quyết. Một số không chờ được nữa và sẽ bỏ việc trở về nước.
Hơn 400 công nhân Việt Nam làm việc tại công trường xây dựng của công ty LingLong, Trung Quốc tại thành phố Zrenjanin, Serbia, trong điều kiện mùa đông giá lạnh. Họ phải làm việc trong điều kiện không đủ dụng cụ bảo hộ lao động. Ăn uống thiếu thốn. Mỗi bữa sáng chỉ có cơm và một quả trứng. Bữa trưa và tối nào cũng chỉ mấy miếng thịt heo và bắp cải. Ngày nào cũng vậy. Họ không được ở trong những ngôi nhà mà phải ở trong những công-ten-nơ. Họ không có máy sưởi, nước nóng để tắm trong khi nhiệt độ ở đây có lúc xuống đến âm 2 độ C trong tháng 11 vừa qua. Nguy hiểm nhất là họ không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Khi bị nhiễm covid, họ phải tự bỏ tiền mua thuốc và tự cách ly trong container và không được trả lương cho những ngày nghỉ bệnh.
Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 18/11/2021, cách nay gần 2 tháng, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Rumani đã đến thăm các công nhân này và tìm hiểu tình hình. Bà cũng cho biết Bộ Ngoại Giao đang tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng và công ty xuất khẩu lao động liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho các công nhân tại đây (1).
Đến nay, tình hình công nhân vẫn không có gì thay đổi. Một số không thể chờ Nhà nước được nữa đành phải trở về và đối diện với món nợ đã vay cho chuyến đi lao động ở nước ngoài này.
Chúng tôi không thấy Bộ Ngoại Giao, các cơ quan chức năng khác của Việt Nam có công bố gì mới liên quan đến việc này. Chúng tôi cũng không thấy họ có công bố gì về việc làm việc với công ty xuất khẩu lao động dù đại diện Nhà nước đã đến thăm và tìm hiểu tình hình của công nhân và biết rõ các công ty xuất khẩu liên quan là ai, và chắc cũng biết rõ những điểm nào trong hợp đồng đã bị vi phạm và cần được giải quyết.
Điều cấp thiết nhất đối với công nhân hiện nay: bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế. Hiện tại, công nhân không có bảo hiểm tai nạn cũng như bảo hiểm y tế. Hơn nữa, họ phải làm việc trong điều kiện không có đủ dụng cụ bảo hộ lao động và trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Âu Châu. Trong tháng này, có những lúc nhiệt độ tại nơi họ ở xuống đến âm 8 độ C.
Tháng trước nằm trong tủ lạnh chờ Nhà Nước. Tháng này … chờ trong tủ đông.
Cách nay khoảng 3 tuần, một công nhân cho biết một công nhân Trung Quốc bị tai nạn và có thể đã chết. Công nhân này bị cọc bê tông đang được máy cẩu di chuyển va vào. Theo lời kể của các công nhân chứng kiến, máu tuôn ra từ mũi và miệng. Người công nhân này sau đó được chở đi ngay. Chúng tôi báo cho cho một tổ chức phi chính phủ tại địa phương nhưng họ không tìm được thông tin sau đó của người công nhân này tại các bệnh viện cho dù họ có người làm trong hệ thống y tế của thành phố này. Có người nghi rằng người công nhân này đã được chôn ở đâu đó trong một khối bê tông để khỏi gây rắc rối cho phía Trung Quốc và chính phủ Serbia.
Công nhân vẫn không có nước nóng để tắm. Họ phải dụng nhờ của công nhân Trung Quốc và nhiều lúc không có đủ để dùng.
Họ chỉ được dùng máy sưởi trung tâm cho đến nửa đêm. Sau đó, chủ cho tắt máy sưởi. Họ phải dùng thêm máy sưởi xách tay mà một tổ chức phi chính phủ cho.
Thức ăn có được cải tiến chút đỉnh. Đa dạng hơn nhưng tình trạng vệ sinh rất kém. Thực phẩm chưa nấu không để trong tủ kín mà để ở ngoài. Chuột ăn trước người. https://www.youtube.com/watch?v=wa8hODsnXto
Về công việc thì làm ngày nào lãnh lương ngày đó. Ngày nào không có việc, dù do chủ, thì không có tiền.
Sau gần hai tháng chờ đợi và thương lượng mà không đạt được mong muốn. Gần 30 công nhân quyết định bỏ việc và yêu cầu chủ mua vé máy bay để về nước. Những người này khi về sẽ phải đối diện với những khoản nợ đã vay cho chuyến đi.
Những người còn lại chấp nhận chịu trận và tiếp tục làm việc. Tai nạn có thể xảy ra cho họ bất cứ lúc nào.
Đảng và Nhà nước đang ở đâu?
__________________
Tài liệu tham khảo
Bộ Ngoại giao trả lời về tình hình lao động Việt Nam tại Serbia – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)