Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính khách nào đang bị ‘đe dọa’?

Hà Nguyên

(VNTB) –  Tội phạm kinh tế đang bị truy nã Đỗ Văn Sơn được cho là đã đã từ nước ngoài trở về Việt Nam để đầu thú.

 

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, hôm 08-07-2022 đã có “quyết định truy nã toàn quốc” đối với cựu kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn. Trong tờ quyết định này, phần “hệ loại tội danh” ghi “Kinh tế”, phần “loại truy nã” là “Đặc biệt”.

Gần một năm sau đó, ở họp báo ngày 4-7-2023 tại Hà Nội, Người phát ngôn của Bộ Công an thông báo, “qua công tác nghiệp vụ, công tác hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm, mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiếp nhận Đỗ Văn Sơn, đối tượng bị truy nã trong đại án AIC, về đầu thú tại Cơ quan cảnh sát điều tra”.

Như vậy, với những gì đang công khai có thể biết là ông Đỗ Văn Sơn đã từ nước ngoài trở về Việt Nam để đầu thú. Đây có thể là điều bất ngờ về chuyện “tự giác”, bởi phần lớn những ai bị nhà chức trách coi là “tội phạm kinh tế”, họ thường tìm cách đến những quốc gia không ký hiệp ước dẫn độ, hoặc ít có quan hệ hợp tác dẫn độ tội phạm với đất nước họ đang bị truy tố.

Danh sách các nước được giới tội phạm kinh tế chọn làm “bãi đáp” tương đối đa dạng, trải rộng trên khắp thế giới; trong đó có cả Mỹ, nơi được cho là lựa chọn số một của giới làm ăn từ Việt Nam.

Hồi tháng 11 năm ngoái, tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đã tiếp tục đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù nhằm tạo khuôn khổ pháp lý góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật giữa hai bên”.

Theo đó, “Tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử của mỗi nước trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, không để các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”, Bộ này dẫn lời ông Lâm cho biết thêm trên cổng thông tin của Bộ Công an.

Ông Tô Lâm đưa ra yêu cầu này giữa lúc Bộ Công an bắt bớ hàng loạt các chủ doanh nghiệp lớn trên khắp đất nước, bao gồm những người có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, trong nỗ lực của Bộ Chính trị về bài trừ tham nhũng và phanh phui những “đại án” kinh tế.

Vào tháng trước đó nữa, khi tiếp ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đưa ra đề nghị tương tự.

Tin tức vào thời điểm đó hướng đến chuyện Hoa Kỳ là nơi mà một số nhân vật bị truy nã trong vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đang “dung thân”. Theo lệnh truy nã thì doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn từ ngày 19-6-2021. Bà Nhàn được cho là “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua.

Bà Nhàn cũng được đồn đoán là “bóng hồng” của Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính. Ông Đỗ Văn Sơn, người vừa được cho là “ra đầu thú”, là thuộc hạ thân tín và nắm giữ nhiều bí mật kinh doanh của AIC trong các chuyện làm ăn chốn hậu trường của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ngày 4-1-2023, bà Nguyễn Thị Nhàn bị kết án vắng mặt 30 năm tù, 16 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 14 năm tù về tội đưa hối lộ. Giới làm ăn cho biết doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn sử dụng thành thạo bốn ngoại ngữ trong giao tiếp, là: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Nhật.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng tiếp tục… ‘điểm danh’

Do Van Tien

VNTB – Chống tham nhũng ở Việt Nam đang trong ‘vòng luẩn quẩn’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ luật tố tụng dân sự cần được sửa đổi

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo