Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính phủ chi và Quốc Hội quyết bội chi NSNN năm 2013 là 6,6% GDP

Đinh Liên (VNTB) Chiều nay (10/06), ĐBQH bấm nút thông qua Quyết toán NSNN năm 2013, theo đó NSNN bội chi 6,6% GDP, cao hơn mức Quốc Hội cho phép là 5,3% (trước đó nữa là con số 4,8%).

Con số 6,6% làm nóng diễn đàn Quốc Hội và báo chí nhiều ngày qua, khi nhiều ĐBQH cho rằng, chính phủ đã đi vay để chi thường xuyên, và chi không dùng cho đầu tư phát triển.

Trước đó, vào chiều 28/5, trong buổi thảo luận quyết toán ngân sách năm 2013, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cho biết việc “Chính phủ cứ chi vượt như vậy thì vai trò của Quốc hội trong việc ra nghị quyết về dự toán đã vô hình chung bị hạ thấp.”

Thất thoát, lãng phí trong chi tiêu NSNN khiến ĐB Trần Du Lịch phải kiến nghị khi thông qua Luật Ngân sách thì cần phải xử lý nghiêm các sai phạm trong việc để xảy ra tình trạng bội chi, tránh “báo cáo cho có rồi xuê xoa với nhau”.

Trong khi đó, trong ngày 20/10/2014, thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng, tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011- 2014 khoảng 5% GDP chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ là quá cao so với chỉ tiêu Quốc Hội.

Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, báo cáo về tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và kế hoạch 2015, ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, Chính phủ đề nghị Quốc Hội cho giữ mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 bằng 5,3% GDP, lý do “nhu cầu tăng chi lớn để trả các khoản nợ ngắn hạn, đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.” Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng,thực tế, nếu cộng với 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã là 7% GDP.

Vào ngày 9/6/2015, Văn phòng Chính phủ phát đi công văn về việc phân công thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người đứng đầu chính phủ sẽ không trả lời chất vấn, thay vào đó , “Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng cùng 4 Bộ trưởng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội” nhằm “làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ.”

ĐBQH bấm nút thông qua Quyết toán NSNN năm 2013. Ảnh Anh Tuấn. 

Tin liên quan: Chiều 10-6, với 384 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành chiếm 77,58% tổng số ĐBQH, QH đã thông qua Nghị quyết về Quyết toán NSNN năm 2013. 

 
Theo đó, QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2013, như sau: 
 
Tổng số thu cân đối NSNN là 1.084.064 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2012, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN. 
 
Tổng số chi cân đối NSNN là 1.277.710 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014. 
 
Bội chi NSNN là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư ngân sách địa phương. 
 
Nguồn bù đắp bội chi NSNN: vay trong nước 180.347 tỷ đồng (một trăm tám mươi nghìn, ba trăm bốn mươi bảy tỷ đồng), vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng (năm mươi sáu nghìn, bốn trăm hai mươi hai tỷ đồng). 
 
QH giao Chính phủ phải công khai quyết toán NSNN năm 2013; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra Quyết toán NSNN năm 2013 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH; các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của đại biểu QH tại kỳ họp thứ 9 về quyết toán NSNN năm 2013. 
 
Nghị quyết của QH cũng yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý, điều hành NSNN và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014. 
 
Năm 2013 là năm nền kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã có bước phục hồi nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho và nợ xấu còn lớn, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động… dẫn đến tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra, việc triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2013 gặp nhiều khó khăn. 
 
Trước bối cảnh đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH đã đánh giá cao các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng chỉ đạo công tác thu ngân sách, đặc biệt là sự nỗ lực của cơ quan Thuế, Hải quan trong triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách và xử lý các vi phạm về thuế, đưa công tác quản lý thu NSNN dần đi vào nề nếp, đúng pháp luật, làm giảm hụt thu ngân sách. 
 
“Đây là cố gắng và nỗ lực rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống trị”, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định. 
 
Về chi NSNN năm 2013, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, trong điều kiện cân đối NSNN hết sức khó khăn, công tác quản lý, chấp hành dự toán chi NSNN năm 2013 có nhiều chuyển biến tích cực. 
 
Các cấp, các ngành đã chỉ đạo, điều hành thực hiện NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp về dự toán NSNN năm 2013, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống của nhân dân. 
 
Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu- chi đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay.
 
Theo Báo Hải Quan

Tin bài liên quan:

Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh

Phan Thanh Hung

‘Chồng tôi bị bắt khi đang liệt nửa người’

Phan Thanh Hung

VNTB- Ca Nguyễn Bá Thanh: Lần đầu tiên Đảng chủ động thông tin cho ‘đài địch’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo