Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao chính quyền Thừa Thiên Huế không ‘cấp đất’ cho Đan viện Thiên An?

Văn Thái

(VNTB) – Tâm thế đối đầu dường như vẫn lấn chiếm nếp nghĩ ‘cùng ngồi lại với nhau’…

Theo tin Đan Viện Thiên An cho biết, sáng 13/08/2020, “một nhóm khoảng 50 người đã xông vào khuôn viên nội vi của đan viện ngang nhiên đóng cọc rào dây thép gai chiếm đất. Có nhiều thanh niên xăm trổ hung hăng đứng bảo vệ vòng trong vòng ngoài để những kẻ kia đóng cọc giăng dây. Những kẻ này luôn đội mũ bảo hiểm để sẵn sàng tư thế va chạm”.

Hãy ngồi lại với nhau

Trong lúc này, thì các đan sỹ của Đan viện Thiên An vẫn là hợp lòng sống Kinh Hòa Bình: “Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa: Để con đem yêu thương vào nơi oán thù; Đem thứ tha vào nơi lăng nhục; Đem an hòa vào nơi tranh chấp; Đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan; Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm; Đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an; Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!”.

Tranh chấp đất đai ở Việt Nam là một câu chuyện thuộc ‘bi kịch thời hậu chiến’, với việc đất đai đều được “quốc hữu hóa” kể từ sau tháng tư, 1975 – bao gồm cả đất đai tôn giáo.

Với Đan viện Thiên An ở thành phố Huế, có lẽ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang thiếu một tham mưu cho việc cùng ngồi lại với nhau, thay vì ‘đối đầu’ bằng những viện dẫn khô cứng của “đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Thành phố Huế, từ đường Minh Mạng đi lên, đâm thẳng tiếp đường Khải Định đến khi nào ở bên phải đường xuất hiện một ngã rẽ với tấm biển “Đan viện Thiên An”. Từ giây đầu tiên rẽ vào, du khách phương xa sẽ bắt gặp hình ảnh rừng thông quen thuộc ở Đà Lạt, vốn dĩ rất khó tin có thể xuất hiện ở cố đô. Sau cung đường hơn một cây số phủ hai bên bởi rừng thông được trồng ngay lối và đều mắt chính là khu đan viện.

Tên đầy đủ là Đan viện Biển Đức Thiên An. Linh mục người Pháp Dom Romain Guilauma cùng các đan sĩ người Pháp khác của Dòng Biển Đức (Bénedictine) đã quyết định cho xây dựng một Đan viện tại đồi Thiên An, Huế vào tháng 3 năm 1940.

Tôn chỉ của Hội Dòng Biển Đức, đó là: “Cầu nguyện và Lao động”. Các đan sĩ có đời sống chiêm niệm, khổ hạnh trong cô tịch, trong cầu nguyện và một cuộc sống đơn giản, lao động chân tay; Ân cần và chia sẻ những nỗi bất hạnh, khổ đau với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Các đan sĩ sống hoàn toàn trong nội vi của đan viện, không có những hoạt động với bên ngoài.

Giáo trình quen thuộc của các hướng dẫn viên du lịch khi nói về điểm đến này: “Ở vị trí khá cao, bao quanh là rất nhiều cây xanh nên không khí tại đây thoáng đãng, pha lẫn chút se lạnh càng khiến cho Đan viện Thiên An trở nên huyền ảo và thơ mộng hơn. Vẻ đẹp e ấp đó được ví như sự dịu dàng của người con gái xứ Huế.

Không chỉ được biết đến như một điểm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong vùng, với vẻ đẹp đầy lãng mạn như thế, du khách tới Đan viện Thiên An Huế đôi khi là để trải nghiệm cảm giác hòa mình vào khung cảnh hữu tình nơi đây.

Những khi tiếng chuông nhà thờ cất lên tạo thành những âm thanh vang vọng, hình ảnh đoàn người đứng lặng yên hướng về nhà thờ sẽ tạo cho du khách một cảm giác bình yên, sâu lắng như góp phần trút bỏ đi những âu lo, phiền muộn trong cuộc sống thường nhật…”.

Thử bàn một giải pháp với căn cứ pháp lý hiện hữu

Trong quản lý hành chính của Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, được phân công phụ trách (trích): Tài nguyên và môi trường; giá đất; đền bù, giải tỏa mặt bằng, tái định cư; Xây dựng và quản lý đô thị; quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở cơ quan nhà nước; tài sản công; Bưu chính, viễn thông; công nghệ thông tin; báo chí và xuất bản; Văn hóa, thể thao, du lịch; Tôn giáo; Quy chế thực hiện dân chủ, dân vận chính quyền; Theo dõi và chỉ đạo các hội, đoàn thuộc lĩnh vực phụ trách; Theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tư vấn phối hợp liên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách (Theo Quyết định 612/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của UBND tỉnh).

Với quyền quản lý hành chính khá rộng như phần trích ở trên cho thấy ông Phan Thiên Định đã quên mất chuyện trong Luật Đất đai – đối với trường hợp như Đan viện Thiên An, ông có thể ‘vận dụng’ các điều luật số 158 “Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”, điều 159 “Đất cơ sở tôn giáo”. Đây là hai điều luật mà nếu ông vận dụng khéo léo, thì khu đồi Thiên An có thể là một khu du lịch tâm linh ‘tân tạo’ tương tự như khu Bái Đính (Bái Đính tân tự – Chủ trì thiết kế kiến trúc là giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính) ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Cụ thể, Luật Đất đai, Điều 3.9: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định”, được hướng dẫn thực hiện như sau tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

“Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định

1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây: a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất; b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất; c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký; g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất; h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ; k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất”.

Bái Đính ở cố đô Hoa Lư và Thiên An ở cố đô Huế

Giả dụ như đề xuất với ông Phan Thiên Định như nêu trên được chấp thuận, thì xem ra diện tích đất đai mà Đan viện Thiên An lâu nay vẫn phải ‘khiếu nại’, không bằng một phần mười so tỉnh Ninh Bình đã ‘cấp’ cho quần thể tâm linh chùa Bái Đính: 107 héc ta so với 1.700 héc ta.

“Nhỏ nhưng có võ”, người Việt hay nói vậy.

Quần sơn này ở Huế gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau, điểm cao nhất chính là ngọn đồi có đan viện tọa lạc. Vừa vào khuôn viên đan viện Thiên An, bên phải có đồi Đức Mẹ, ẩn sâu một cách kín đáo trong rừng thông bên là đồi Thánh Giá.

Nếu xét về mặt ‘địa chính trị’ trong mối quan hệ với Tòa thánh Vatican, cho thấy khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chọn bảo vệ gia sản cảnh quan cho Huế tại khu vực Đan viện Thiên An, thì đây sẽ là khu du lịch tâm linh của tu viện Công giáo tại Huế – nơi nổi tiếng là vùng đất có trên 300 ngôi chùa Phật giáo, trong đó trên 100 cổ tự.

Lá phiếu tín nhiệm cho ‘đại đoàn kết các tôn giáo’ ở Huế dành cho những chính khách trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới, chắc chắn sẽ được ghi nhận.

_______________

Tham khảo:

https://vietnamthoibao.org/vntb-dan-vien-thien-an-chinh-quyen-khong-theo-luat/

Tin bài liên quan:

VNTB – Tăng, ni và việc cất thất sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm Tòa tổng giám mục TP.HCM: “Giao tặng” 5 cơ sở tôn giáo?!

Phan Thanh Hung

VNTB – Tranh chấp đất giữa chùa Dược Sư và công ty Hoa Sen: trách nhiệm hình sự?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo