Ban Biên tập Washington Post, ngày 22/6/2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – Các thành viên của Quốc hội từ cả hai viện đã bày tỏ mối quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam, cho thấy thái độ của chính quyền Trump không phải là những giá trị của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng trước để thảo luận về thương mại và an ninh. Trong các tuyên bố công khai của họ về chuyến thăm này, chủ đề nhân quyền ít được nhắc đến.
Đây là một cơ hội bị bỏ lỡ. Việt Nam có một lịch sử lâu dài về đàn áp giới bất đồng chính kiến. Báo cáo về Nhân quyền Việt Nam năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gọi quốc gia này là “nhà nước độc tài.” Freedom House cho Việt Nam điểm thất nhất về các quyền chính trị và xếp loại nước này vào dạng “không tự do.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW), đàn áp giới bất đồng chính kiến trở nên tồi tệ hơn trong hai năm qua. Sau một thời gian ngắn cải thiện trong năm 2014 và 2015 khi Việt Nam đàm phán với Hoa Kỳ về các hiệp định thương mại, số người bị truy tố và kết án vì cáo buộc chính trị đã tăng lên. Điều này đã trùng khớp với việc đánh đập các nhà hoạt động và blogger, những người đã lên tiếng chống lại đảng cầm quyền. Một số vụ tấn công này đã xảy ra bên trong đồn cảnh sát hoặc ở những địa điểm công cộng vào ban ngày. HRW cho rằng phần lớn các vụ tấn công này không được điều tra.
Mặc dù có những báo cáo này, tuyên bố chung của Nhà Trắng sau chuyến thăm đã ca ngợi Việt Nam, rằng “có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ tốt hơn và thúc đẩy quyền con người cho tất cả mọi người.” Thật là buồn cười vì thực tế thì Việt Nam đã làm ngược lại. Mặc dù Quốc hội Việt Nam đã có một số nhượng bộ về quyền con người trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, nhưng những sửa đổi của cơ quan lập pháp này đối với Bộ luật Hình sự năm đó đã giảm bớt sự tự do. Những lời kêu gọi từ nhiều công dân và xã hội dân sự đòi huỷ bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản này đã rơi vào trong im lặng, và trong tuần này, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự, một bộ luật còn tồi tệ hơn. Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà chính quyền Obama đã đàm phán với Việt Nam và các quốc gia khác, có thể khiến chế độ cộng sản giảm bớt áp bức. Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ hiệp định này, và đã bỏ lỡ cơ hội để nêu những vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp gỡ vào tháng Năm.
Các thành viên của Quốc hội từ cả hai viện đã bày tỏ mối quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam, cho thấy thái độ của chính quyền Trump không phải là những giá trị của Mỹ. Bộ Ngoại giao nên lưu ý và công khai ủng hộ các nhà hoạt động, những người đang đấu tranh cho dân chủ nhưng lại đang đối mặt với đe dọa nghiêm trọng.