Việt Nam Thời Báo

VNTB- Chính sách Trung Quốc của Trump: “Đây là cách bạn rơi vào khủng hoảng”

Dan De Luce, Foreign Policy, ngày 26/01/2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) – Với những thông điệp lẫn lộn, chính quyền mới của Hoa Kỳ làm các đồng minh châu Á sợ hãi và làm mếch lòng Bắc Kinh mà không có một chiến lược.



Chính quyền của Trump đưa ra các thông điệp lộn xộn và khiêu khích về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, làm các nước đồng minh bối rối và gây căng thẳng trầm trọng với Bắc Kinh, mang lại nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự rất lớn.
Rex Tillerson, được Trump chọn làm ngoại trưởng, làm choáng váng các nhà lập pháp và các chính phủ nước ngoài trong buổi điều trần tại Thượng viện ngày 11/01 khi ông nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng ngăn chặn sự tiếp cận của Trung Quốc ở những hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông. Dường như nhận ra điều hớ, Nhà Trắng sau đó cải chính lập trường của Tillerson, một phát biểu có giá trị tương đương với một hành động chiến tranh.
Các bình luận cho rằng chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang muốn có một thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng lại thiếu một chiến lược thống nhất để đối phó với Trung Quốc hoặc một nắm bắt cơ bản về các vấn đề pháp lý và an ninh bị đe dọa ở Biển Đông, theo một số cựu quan chức, nhà ngoại giao, chuyên gia châu Á và các trợ lý của Quốc hội.
“Hoa Kỳ đang ở một vị trí nào đó giữa thế đối đầu và mất phương hướng về Biển Đông,” Evan Medeiros, người từng là cố vấn hàng đầu về châu Á trong chính phủ của Barack Obama nói. “Đây là cách bạn có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng.”
Đe dọa của Tillerson rằng Mỹ sẽ ngăn chặn sự tiếp cập của Trung Quốc đối với các đảo và rạn san hô trong Biển Đông sẽ đánh dấu sự phá vỡ cực đoan với chính sách đã được thiết lập từ năm 1990 của Hoa Kỳ. Mỹ đã không bao giờ ủng hộ bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nhưng đã chỉ trích việc xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh và coi đó là những hành động gây hấn. Tất nhiên, Washington đã nhấn mạnh về quyền hoạt động của tàu quân sự của Hoa Kỳ và máy bay ở vùng biển và không phận quốc tế.
Mặc dù Tillerson, trong buổi điều trần đã cáo buộc chính quyền cũ về việc đưa ra tuyên bố “đường đỏ” và sau đó vi phạm chúng trong những năm qua, đã có cơ hội tốt về vị trí ngoại trưởng, có thể sớm phải đi ngược lại lời cảnh báo của mình trên Biển Đông, theo nhiều phụ tá quốc hội và cựu quan chức.
Hiểu theo nghĩa đen, cách tiếp cận mà Tillerson đề xuất có thể vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu hải quân phong tỏa, sẽ là một hành động chiến tranh, các chuyên gia cho biết.
Sau phiên điều trần, các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã cho Tillerson một cơ hội để làm rõ những gì họ coi như là một tuyên bố hớ do thiếu thông tin, nhưng cả ông lẫn Nhà Trắngđều không tận dụng cơ hội đó, theo nhiều phụ tá về chính sách đối ngoại.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, khi được hỏi về chính sách mới được đặt ra bởi Tillerson, trả lời rằng Hoa Kỳ cần phải bảo vệ “lãnh thổ quốc tế.”
Thuật ngữ đó “không phải là quy định pháp lý và nó không phải là một cái gì đó có ý nghĩa trong luật biển hay luật pháp quốc tế,” Mira Rapp-Hooper từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới cho biết.
Các báo cáo từ chính quyền dường như cho thấy chính phủ “sẵn sàng xung đột với Trung Quốc mà không có đầy đủ thông tin về vấn đề này,” Rapp-Hooper nói.
Những phát biểu hiếu chiến trên Biển Đông được đưa ra tiếp theo một loạt các thông cáo và hành động khiêu khích khác của Trump từ khi được bầu. Ông đã phá vỡ chính sách Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ qua của bằng cách nói chuyện với tổng thống Đài Loan sau khi chiến thắng vào tháng 11, Nhà Trắng đã cảnh báo có thể không giữ chính sách “Một Trung Quốc” mà ủng hộ Đài Loan; và nó đã đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại với Bắc Kinh.
Ý tưởng đằng sau cách tiếp cận của Trump là dường như Hoa Kỳ đã và đang ở thế yếu trong các giao dịch với Bắc Kinh, và rằng một bàn tay mạnh mẽ là cần thiết. Các chuyên gia cho biết chính quyền Trump đang kiểm định giả thuyết rằng nếu Washington chỉ đơn giản là tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ nhượng bộ.
Trung Quốc, tuy nhiên, đã cho thấy nước này không sẵn sàng chịu bất kỳ nhượng bộ dưới áp lực, không rút lui trong việc khăng khăng rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, hoặc giảm đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào hôm thứ Ba cho biết chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông là “không thể chối cãi.”
“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng sự thật, [và] nói và hành động thận trọng để tránh làm tổn hại đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói.
Trung Quốc đã bị ép trong những tháng gần đây. Nó thu giữ một thiết bị không người lái dưới nước của Hải quân Hoa Kỳ, triển khai tàu sân bay của nó tới eo biển Đài Loan, gây áp lực ngoại giao lên Đài Bắc, và đe dọa chống lại các nhà sản xuất ô tô của Mỹ.

“Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng họ có quân bài để đối phó lại và sẽ không nhượng bộ,” một phụ tá ở Quốc hội cho biết.
Mỹ đã có nhiều căng thẳng với Trung Quốc trong quá khứ, trong đó có nhiều xung đột hải quân. Một trong những căng thẳng xảy ra trong những tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống George W. Bush vào năm 2001, khi một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám của Mỹ, buộc nó phải hạ cánh trên đảo Hải Nam. 24 phi hành đoàn Mỹ bị giam giữ trong 11 ngày và phía Trung Quốc đổ xô vào nghiên cứu về máy bay do thám đó. Vụ việc đã làm đóng băng quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc trong nhiều năm. Năm 1996, sau khi Trung Quốc bắn thử tên lửa ngoài khơi bờ biển của Đài Loan để truyền tải thông điệp không đồng ý với chính sách của Đài Bắc, Tổng thống Bill Clinton khi đó ra lệnh tiến hành chiến dịch ấn tượng của Hoa Kỳ hải quân ở eo biển Đài Loan để chống lại chiến thuật đe dọa của Bắc Kinh.
Nhưng Trung Quốc hiện là một đối thủ mạnh hơn rất nhiều trên sân khấu thế giới, với một nền kinh tế khổng lồ và một quân đội ngày càng có khả năng trang bị tên lửa đe dọa sự thống trị của Hải quân Hoa Kỳ. Và các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của nó có một sự tự tin ngày càng tăng rằng thời điểm của đất nước họ đã đến.
Kết quả là, Washington và Bắc Kinh đứng trước khả năng xung đột quân sự khi cả hai nước đều đánh giá quá cao sức mạnh của mình và đánh giá sai về phản ứng của phía bên kia, nhiều cựu quan chức và nhà phân tích chính sách nói.
Sự hiểu lầm và quá tự tin làm cho các thông điệp của Trump trên Biển Đông càng gây quan ngại – và nguy hiểm.
Tại Lầu Năm Góc, một số sĩ quan cao cấp nói về tình hình không thể đoán trước và hiếu chiến. Nhiều chỉ huy hàng đầu đã dự đoán rằng ​​tổng thống mới sẽ nới lỏng những hạn chế về hoạt động quân sự trên diện rộng, bao gồm việc cho phép tuần tra hải quân và không quân thường xuyên hơn và tích cực hơn tại Biển Đông – một điều mà Bộ Chỉ huy Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương từ lâu đã yêu cầu chính phủ của Obama. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân sự không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc hoặc đe dọa phong tỏa hải quân khi Washington chưa sẵn sàng để thực thi.
Các tuyên bố của Nhà Trắng về vấn đề Biển Đông dường như “vô tổ chức và khiêu khích,” Medeiros nói, cảnh báo rằng hoc quảng cáo và chính sách đối phó và lẫn lộn có thể châm ngòi cho một cuộc đụng độ.
“Đó không phải là một vấn đề mà bạn muốn có một sự thiếu rõ ràng,” ông Medeiros, người bây giờ làm việc cho Eurasia Group, cho biết.
Ngay cả khi tìm cách ép Trung Quốc, chính quyền Trump đã mất đòn bẩy kinh tế và ngoại giao quan trọng trong khu vực bằng cách từ bỏ hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước thương mại của 12 quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ giữa các đồng minh và đối tác châu Á. Hiệp ước này là một đối trọng với sức mạnh về kinh tế của Bắc Kinh, đặc biệt là giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Nhưng sự rút lui của Trump đã giảm uy tín của Hoa Kỳ đối với nhiều nước từ Hà Nội đến Tokyo, và Trung Quốc đang cố gắng để lấp đầy khoảng trống, háo hức mở rộng nhóm thương mại của riêng mình để thu hút các quốc gia như Nhật Bản và Malaysia. Đối với các quốc gia châu Á dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ, “họ không chỉ cần một hoặc hai tàu sân bay, mà cần cả thương mại”, các nhân viên của Quốc hội cho biết.
Điều đó, cộng với các mối đe dọa để vứt bỏ chính sách “Một Trung Quốc”, có nguy cơ làm chính quyền Trump bị cô lập. Các đồng minh đang điêu đứng vì chính sách bảo hộ hàng hóa và chính sách gây hấn  của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, và cách biệt rộng giữa các quan điểm của tổng thống và những người trong nội các của ông, theo nhiều nhà ngoại giao và cựu quan chức. Kết quả là, các đồng minh lâu đời đang tìm kiếm lựa chọn khác về thương mại và ngoại giao nếu Mỹ đánh mất hình ảnh của nước này như là một đối tác đáng tin cậy.
Trong khi các nhà phê bình mô tả chính phủ của Trump về tính ngắn hạn về chính sách, một số cựu quan chức cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để rút ra bất kỳ kết luận về những đột phá ban đầu của chính quyền của Trump về Trung Quốc, khi chính phủ chỉ mới bước vào văn phòng một tuần trước đây
“Tôi sẽ không đọc quá nhiều vào những gì chúng ta đã nghe cho tới nay về Biển Đông. Đây là những thiên hướng, không  phải là những đề xuất chính sách,” Ely Ratner, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói. Ông cổ vũ các kế hoạch thăm viếng của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị là người đứng đầu Lầu Năm Góc, và thúc giục Phó Tổng thống Mike Pence đi thăm châu Á sớm để củng cố mối quan hệ với các đồng minh.
Trong khi Tokyo và các thủ đô đã được yên tâm phần nào bởi các quan chức có tên hoặc dự kiến ​​sẽ phục vụ trong chính quyền Trump về chính sách châu Á, những dòng tweet không thể đoán trước và hoạch định chính sách bốc đồng của tổng thống là căn nguyên của sự lo lắng.
Nhiều chuyên gia cho biết một số công ty Nhật Bản, hoang mang bởi các Twitter ngoại giao của Trump, thậm chí còn thuê các nhà phân tích nghiên cứu tweets của tổng thống để dự đoán chính sách của chính quyền Mỹ ở châu Á.
———————–

Tin bài liên quan:

VNTB- Siêu chiến tranh về nước có thể xảy ra ở châu Á

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Quy trình Xét xử công minh- Ân xá Quốc Tế (Bài 6)

Phan Thanh Hung

VNTB- Thủ tướng Phúc sẽ bàn gì với Mỹ vào cuối tháng Năm? *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.