M.K. Bhadrakumar – Bình Yên Đông lược dịch
Trong diễn văn cuối cùng tại phiên họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm Thứ Ba, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Barack Obama đã không đề cập đến cái phải là di sản vinh quang tột đỉnh của nhiệm kỳ tổng thống của ông – Thỏa ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement (TPP)), mẹ đẻ của tất cả giao dịch thương mại bao gồm 40% GDP của thế giới.
Điều đó có phải lãnh tụ chánh trị phi thường nầy đang bước ra khỏi đấu trường thế giới mà không có một di sản Á Châu lịch sử?
Rõ ràng, Obama không biết chắc gió thổi theo hướng nào. Số phận của TPP như chỉ mành treo chuông. Cái phải là một thỏa thuận thương mại thượng hạng khác, Đối tác Đầu tư và Mậu dịch Xuyên Đại Tây Dương (Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership (TATIP), vừa bị lật úp, khi đụng phải núi đá chống đối bình dân ở Âu Châu.
TPP có thể có một số phận tương tự, khi đụng vào tảng băng nổi Mỹ. Tâm trạng của giới bình dân đối với các thỏa thuận thương mại đã trở nên bất thân thiện, vì bị mang tai tiếng làm giàu cho kỹ nghệ công ty và giết chết công ăn việc làm.
Donald Trump hứa nhấn chìm TPP, trong khi Hillary Clinton không cưỡng nổi chánh trị bình dân và có ý định tái thương thảo các điều khoản của thỏa thuận, làm cho nó thích hợp hơn với những quyền lợi của Mỹ. Dĩ nhiên, ngay với Obama, nổi tiếng vì hy vọng táo bạo, đang leo thang trong cuộc vật lộn để được quốc hội thông qua TPP.
Hôm Thứ Sáu, ông dùng cuộc họp với các người ủng hộ TPP trong đảng Cộng hòa và Dân chủ, những người đúng đầu doanh nghiệp, thống đốc và thị trưởng, các nhân vật an ninh quốc gia và tư lệnh quân đội để gởi một thông điệp rằng thỏa thuận thương mại rất quan trọng không chỉ đối với kinh tế Hoa Kỳ mà còn đối với “an ninh quốc gia và thế đứng của chúng ta trên thế giới.”
Nét nổi bật đã hiện ra là TPP, cho mãi đến nay, vẫn được rao như là một người cầm cờ cho những giá trị của tự do thương mại, sau rốt được công nhận là – một nỗ lực chiến lược và địa chánh trị để kềm chế Trung Hoa.
Một số đồng minh Á Châu đã sang Washington để vận động ủng hộ cho TPP cùng với giới chánh trị và những người có ảnh hưởng ở Mỹ – Singapore , Australia , New Zealand và Nhật Bản. Họ nhấn mạnh rằng TPP hình thành một phần của chánh sách xoay trục sang Á Châu của Hoa Kỳ và nhắm vào việc làm cho Trung Hoa lệ thuộc vào quyền lợi của Mỹ.
Phép thử cho sự tín nhiệm
Họ thừa nhận rằng trò chơi lớn là duy trì quyền bá chủ của Hoa Kỳ ở Á Châu-Thái Bình Dương. Thủ tướng (ThT) Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo rằng sự thành công hay thất bại của TPP sẽ “ảnh hưởng đến đường lối của… môi trường chiến lược ở Á Châu-Thái Bình Dương”.
ThT Lý Hiển Long của Singapore cảnh báo rằng sự phê chuẩn TPP của Quốc hội Hoa Kỳ sẽ được trong vùng xem như một “phép thử cho sự tín nhiệm và nghiêm chỉnh.” ThT Malcolm Turnbull của Australia xem TPP mạnh như “tàu chiến và máy bay” để triển khai ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á Châu-Thái Bình Dương.
Nhưng nghi ngờ đang lan rộng ở Á Châu-Thái Bình Dương về việc liệu TPP sẽ nhìn thấy ánh mặt trời. Không có gì khác có thể giải thích việc suy nghĩ lại vào phút chót của Hà Nội để xếp lại việc phê chuẩn TPP trong phiên họp sắp tới của Quốc hội Việt Nam . (Thương thảo TPP đã chung quyết trong tháng 10 và phải được phê chuẩn bởi 12 bên ký kết trong vòng 2 năm.)
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận rằng việc phê chuẩn được trì hoãn vì cần phải cứu xét tình hình toàn cầu, lượng định hành động của các quốc gia thành viên khác và chờ kết quả bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.
Quyết định của Hà Nội đến gần cuối chuyến công du Trung Hoa 6 ngày của ThT Nguyển Xuân Phúc (người kế vị ThT nổi tiếng “thân Tây Phương” Nguyễn Tấn Dũng), làm tăng thêm mối hy vọng cho mức độ tin tưởng và tin cậy hỗ tương mới trong mối bang giao Trung-Việt.
Rõ ràng, khung cảnh an ninh khu vực đã có nhiều thay đổi đang đánh vào thế đứng tổng quát của Hoa Kỳ ở Á Châu. Chuyến công du Á Châu cuối cùng của Obama trong tháng qua không được suôn sẻ.
Trong khi thượng đỉnh G-20 ở Hangzhou kết thúc như một xác quyết của Trung Hoa, các thượng đỉnh ASEAN tiếp theo là một thất bại cho ngoại giao Hoa Kỳ trong việc hô hào sự kháng cự với Trung Hoa trong vụ tranh chấp Biển Đông.
TT thất thường của Philippines Rodrigo Duterte đã ngưng tuần tiểu hỗn hợp với Hoa Kỳ ở Biển Đông, mở Đường II đến Bắc Kinh, mời gọi mậu dịch và đầu tư Trung Hoa (ngay cả cung cấp vũ khí), yêu cầu Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ rút khỏi Mindanao, và đang lên giọng về “những chánh sách ngoại giao độc lập” của nước ông.
Nhật báo Manila Times tiết lộ hôm Thứ Ba rằng Hội đồng Quan hệ Ngoại giao Philippines (Philippines Council for Foreign Relations) gởi một phái bộ sang Trung Hoa để dự một loạt đối thoại từ 13 đến 15 tháng 9, gồm có các đại sứ hồi hưu, sĩ quan, doanh nhân và giới khoa bảng, để bổ sung cho sáng kiến Đường I của Duterte, chẳng hạn như việc bổ nhiệm cựu TT Fidel Ramos làm đặc sứ tại Trung Hoa.
Những cái mô dọc đường
Trong khi ở Bắc Kinh, phái đoàn Đường II ghé thăm Liu Zhenmin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Wu Hailong, Chủ tịch Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Hoa, cùng những người khác.
Liu bày tỏ hy vọng rằng “Philippines có thể gặp Trung Hoa ở giữa đường, giải quyết tranh chấp thích hợp, và đưa mối bang giao trở lại đúng đường qua đối thoại, tham vấn và hợp tác.”
Liu lưu ý Manila rằng rất có thể có “những cái mô dọc theo con đường hòa giải do kinh tế được bảo đảm vô điều kiện (vested economic), đó là chưa kể đến quyền lợi của quốc gia đệ tam, có thể đang cố gắng ngăn cản tiến trình tiến đến hòa giải.”
Hiển nhiên, mặt đất dưới chân của việc tái quân bình của Hoa Kỳ đang di chuyển thình lình và rõ rệt. Quan điểm trên nhật báo Financial Times ngày Thứ Hai mang một tâm trạng ảm đạm:
Trong suốt những năm của Obama, Hoa Kỳ cố gắng tái cam đoan với tất cả các đồng minh Á Châu rằng Mỹ có cả phương tiện lẫn quyết tâm để duy trì sức mạnh quân sự thượng phong ở Á Châu-Thái Bình Dương… Nhưng ông Duterte nay đã trực tiếp thách thức cái khái niệm đó… Nếu những người khác cũng có cái nhìn như ông, sức mạnh có thể tháo chạy khỏi Washington … Cái cảm giác về sự khó khăn của việc “xoay trục” sang Á Châu của Mỹ được khuếch đại bởi những nghi ngờ ngày càng tăng về số phận của TPP… Tiếc thay, suy nghĩ chiến lược lâu dài gần như không thể có trong vũng nước xoáy hiện nay của chánh trị Mỹ. Kết quả là, TT Obama đối mặt với một viễn cảnh u buồn khi rời nhiệm sở với sáng kiến chánh sách ngoại giao tiêu biểu của ông – xoay trục sang Á Châu – chìm dưới sóng Thái Bình Dương.
Trong một nhát chém tàn nhẫn nhất, Duterte vừa tuyên bố: “Trung Hoa hiện có sức mạnh và họ có ưu thế quân sự ở trong vùng.” Trên thực tế, nói như thế không đúng. Không phải Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm, trong khi Trung Hoa chỉ có 1?
Nhưng rồi, ¾ trò chơi lớn luôn luôn thuộc về cảm tính, và cảm tính đang tăng ở Á Châu là các hàng không mẫu hạm của Mỹ rất có tiềm năng bị tấn công.
Đây là cái mà những cuộc tập trận hải quân Nga-Trung Hoa, kéo dài 8 ngày ở Biển Đông và vừa chấm dứt hôm Thứ Hai, có một ảnh hưởng cấp số nhân. Màn kết thúc hùng vĩ của các cuộc tập trận là một cuộc đổ bộ không hải ngoạn mục lên một hòn đảo ngoài khơi Quảng Đông ở phía nam Trung Hoa, một vùng tập trung sự chú ý. Việc thao luyện đầy thử thách được thực hiện gần giống như tình trạng chiến đấu thật sự, với hải quân Nga và Trung Hoa thích thú trong tư thế quân sự gần như công khai, cho thấy sự quan tâm chung của họ trong việc hỗ trợ lẫn nhau để đẩy lui Hoa Kỳ.
Trước đó không lâu, TT Nga Vladimir Putin cũng bày ra một trò chơi mới, bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Hoa có liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông. Đó là tiêu điểm trong bài diễn văn của ông ở Hangzhou trên lãnh thổ Trung hoa.
———————–
Sơ lược về tác giả
Đại sứ M.K. Bhadrakumar là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Indian Foreign Service trong hơn 29 năm, với những chức vụ như Đại sứ Ấn ở Uzbekistan (1995-1998) và Turkey (1998-2001). Ông viết cho Blog “Indian Punchline” và thường xuyên viết cho Asia Times từ năm 2001.