Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn… ế ẩm

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – Đã hết tháng giêng âm lịch, các chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn ế ẩm.

 

Bán lẻ trực tuyến đang phát triển với tốc độ chóng mặt, giờ đây không chỉ các sàn thương mại điện tử, thương mại xã hội như TikTok, Facebook hay Youtube cũng từng bước trở thành kênh bán hàng quan trọng trong không gian bán lẻ trực tuyến. Điều này dường như đang ít nhiều tạo sức ép lên chợ truyền thống, khiến sức mua tại kênh bán lẻ này trở nên èo uột hơn bao giờ hết, thậm chí có nguy cơ đe dọa đánh mất thị phần.

Vài tháng nay, tình trạng ế ẩm của tiểu thương một số ngành hàng tại các chợ truyền thống đã diễn ra ở TP.HCM. Để khắc phục tình trạng này, một số tiểu thương đã chủ động chuyển đổi hình thức tiếp cận khách hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Dù vậy vẫn còn nhiều tiểu thương do tuổi tác và tâm lý ngại thay đổi nên việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Gần 9g, bà Võ Thị Liễu (tiểu thương chợ Tân Định, quận 1) vẫn đang ngồi trò chuyện với một chủ quầy khác gần đó, vì đã nhiều ngày quầy bán vải của bà chưa tiếp được một khách nào đến hỏi mua hàng. “Giờ ngồi ở quầy cũng có bán được cho khách nào đâu, cứ ngồi bấm điện thoại hết ngày, chán lắm, sang mấy quầy bên cạnh nói chuyện cho đỡ buồn”, bà Liễu kể.

Bà Lê Thị Thu Hà (tiểu thương chợ Tân Định) cho biết, nhiều gia đình vẫn còn dư đồ ăn, bánh kẹo, các loại mứt, đồ khô nên rất ít người ghé chợ để mua các mặt hàng này. “Mỗi ngày tiệm tôi tiếp chừng 4 – 5 khách vào nhưng chủ yếu là mua với số lượng rất ít, không đáng kể. Có ngày có khách, có ngày không, nhưng không dám đóng sạp tạm nghỉ một hôm vì sợ khách đến không thấy mình thì lại mất mối”, bà Thu Hà nhìn nhận vậy.

Theo đại diện Ban Quản lý chợ Tân Định, trước tình hình khó khăn của tiểu thương, chợ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tiểu thương như miễn phí tiền điện tháng 2-2024 cho bà con, kết nối ngân hàng hỗ trợ vốn giá rẻ, tặng túi nhựa tự hủy cho các quầy hàng, lắp wifi miễn phí cho tiểu thương sử dụng… “Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng chợ sạch đẹp, an toàn, hàng hóa niêm yết giá công khai, tiểu thương thân thiện, vui vẻ để kéo khách đến chợ” – đại diện Ban Quản lý chợ Tân Định cho biết.

Ghi nhận chung tại các chợ truyền thống, mặc dù nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, thậm chí còn rẻ ở những mặt hàng rau củ, trái cây, thủy hải sản, nhưng sức mua giảm sâu, khiến tiểu thương ngao ngán.

Theo bà Dương Thị Thúy Nga, tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ Bà Chiểu, nếu như ở cùng kỳ các năm trước, các sản phẩm phục vụ cúng lễ được tiêu thụ nhiều, do vừa phải bỏ mối cho bạn hàng ở các chợ khác, vừa phải bán lẻ, thì nay do kinh tế khó khăn, cộng với một lượng lớn khách đã mua trong Tết, nên mức tiêu thụ khá chậm. “Ra Tết tới giờ thì bán cũng chậm lắm chứ không có đắt khách, do người ta làm không có tiền nên người ta ít đi chợ” – bà Dương Thị Thúy Nga nói.

Thế nhưng có không ít ý kiến cho rằng chợ không chỉ là nơi giao dịch mua bán, mà còn trò chuyện, chia sẻ thông tin và tạo ra những mối quan hệ xã hội, hình thành nên một không gian đa dạng và sống động trong đời sống của người dân Việt Nam. Đến chợ để mua một món hàng nào đó, còn là chuyện tham khảo, nhìn ngắm những món hàng khác. Người mua trao đổi vài câu với người bán nhưng sẵn dịp tìm hiểu thêm câu chuyện hằng ngày. Chợ tuy ồn ào nhưng cũng vì thế giải tỏa tâm lý đơn điệu của bản thân… Đây cũng là lợi thế cạnh tranh còn lại của kiểu chợ truyền thống để giữ chân những khách hàng khá đặc thù vốn có.

Cách mua bán có thể sẽ khác, nhưng hồn cốt và không gian vẫn còn nên cần được gìn giữ, bảo tồn. Chính điều này sẽ giữ những ngôi chợ truyền thống tồn tại theo thời gian, và theo ký ức của người dân trong cuộc sống hiện đại vốn vội vã này.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ngư dân bỏ nghề biển, Trung Quốc đắc lợi

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – ‘Án tù tinh thần’ có tên nhà thương điên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Temu được vào Việt Nam nhưng bị cấm ở Indonesia

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo