Diệp Chi
(VNTB) – Nhất cận thị, nhì cận giang…
“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” – Theo quan niệm xưa, nếu lựa chọn được mảnh đất có đầy đủ 3 tiêu chí này thì quả đúng là thiên thời – địa lợi – nhân hòa…
Ở Việt Nam, thuở xưa, khái niệm về chợ dường như quá đỗi thân thuộc với nhiều người. Ông bà đi chợ, rồi hình ảnh ba chở má đi chợ, người mẹ dắt đứa con đi chợ… trông rất đỗi thân quen.
Xã hội phát triển, guồng máy của cuộc sống liên tục xoay, đời sống của con người càng lúc càng bận rộn hơn, nhất là đối với những cư dân nơi phố thị, bên cạnh những chợ truyền thống quen thuộc, đó còn là sự ra đời của những cửa hàng tiện lợi, những siêu thị và cả cái gọi là… chợ tự phát (!?).
“Mình thấy thế này, không chỉ ở thành phố, mà cả thôn quê luôn, ở đâu có nhiều người sinh sống là ở đó tự phát có chợ.
Chợ tự phát ra đời là nhằm phục vụ cho đời sống con người ngày càng tiện lợi hơn. Có ý kiến cho rằng, việc chợ tự phát có thể sống được là do bản tính lười biếng của con người mà ra, không chịu bỏ công bỏ sức ra đi vào các ngôi chợ được chính quyền quy hoạch.
Nói đi cũng nên nhìn lại, những lúc mình kẹt gì đó; những lúc mình cần một cọng hành, một hai ba bó rau hay thèm một nải chuối, mà giữa trời trưa nắng gắt, tia UV nguy hiểm đến làn da của con người, thì việc đi mua hàng ở gần nhà tiện lợi hơn nhiều chứ. Đó là chưa nói đến đâu phải cái gì chợ tự phát cũng có bán. Có những cái mình phải ra những chợ lớn hơn mới có”, chị Ngọc, một bà nội trợ ý kiến.
Nói về ngôi chợ tự phát ở khu vực phường 13, quận Bình Thạnh TP.HCM sắp sửa bị giải tỏa, ông Năng, một người đi chợ cho hay: “Đi hoài à, ngày nào cũng đi hết. Bị vì ở đây cái chợ duy nhất mà. Phường 13 chợ này duy nhất thôi không còn chợ nào nữa. Người ta không cần gửi xe không cần gì hết, người ta chỉ cần tấp vô người ta mua người ta về thôi. Còn nếu mà anh đi mấy chợ khác thì anh phải gửi xe, mất tốn nhiều thời gian hơn, còn ở đây là người ta cần cái gì người ta ghé vô mua người ta đi liền thôi”.
“Thời điểm trước khi tôi đi du học, tôi thường cảm thấy ngán ngẫm mỗi khi bước chân vào chợ, và bực nhất là những chợ tự phát. Đường mình đang đi, tự dưng giờ đông nghẹt người, kẻ bán người mua. Kẻ bán thì tràn ra cả lòng đường, người mua thì dựng xe bất chấp, kiểu như con đường đó là của họ vậy.
Như một sự may mắn, tôi được đi du học. Những ngày đầu tiên một mình nơi đất khách, lạ lẫm mọi thứ, cũng chẳng có phương tiện để đi lại. Buổi tối, thèm một tô mì gõ, thèm một ổ bánh mì… cũng khó khăn trong việc đi mua. Tôi nhớ, khi đó, có một anh đã nói với tôi, ở đây không như Việt Nam, muốn ăn cái gì đó phải lấy xe đi mua. Chợt nhớ lắm những ngôi chợ (trong đó có cả chợ tự phát) ở Việt Nam” – một thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, nhớ lại.
“Một đứa bạn đã nói với mình, thời buổi khoa học kỹ thuật hiện đại, Việt Nam cũng phải như nước ngoài, làm theo người ta mới là văn minh. Có thể nói, đúng là ở nước ngoài, họ có những cái thành công.
Tuy nhiên, theo mình, đó còn phụ thuộc vào văn hóa, phong tục tập quán của họ. Người phương Tây khác người Á Đông. Cùng chung Đông Nam Á, các nước còn khác nhau nữa là. Đâu thể cứ bắt chước nước ngoài là mình thành công, là văn minh đâu! Mà thiết nghĩ cần gì bắt chước ai, mình cũng nên có bản sắc văn hóa của mình chứ!” – Ông Nguyễn Hà Tiên, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ý kiến.
“Nếu nói chợ tự phát là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe của một số đường. Điều đó có thể đúng nhưng theo mình là chưa đầy đủ.
Trên thực tế, đúng là có một số người bất chấp tràn ra đường buôn bán. Tuy nhiên, kẹt xe còn là ý thức của người tham gia giao thông và cả những lý do khác. Lấy ví dụ cụ thể, khu chợ tự phát ở Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, không thể phủ nhận một điều rằng, đây là khúc đường hay kẹt xe. Tuy nhiên, nếu đổ thừa hết do chợ tự phát là không đúng. Bởi nó còn bị ảnh hưởng bởi lô cốt làm đường. Dựng nguyên cái lô cốt như vậy chiếm diện tích bao nhiêu?
Cho nên, theo mình nghĩ, chợ tự phát không phải nguyên nhân gây kẹt xe mà do ý thức của người buôn bán, người tham gia giao thông và cả chính quyền địa phương. Đâu phải cái gì anh không quản lý được là anh dẹp bỏ một cách bất chấp được! Đó còn là chén cơm mưu sinh của nhiều người” – bà nội trợ tên Ngọc biện giải.
Ở Sài Gòn, bước chân ra đường là có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi chợ tự phát. Bởi lẽ, nó không chỉ là phương tiện mưu sinh của nhiều người ‘mua gánh – bán bưng’, mà sự hiện diện của chợ tự phát còn vì nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng chính nơi ấy. Ở đó, người ta không chỉ đi chợ, lựa chọn món ăn cho bữa cơm gia đình của ngày hôm nay, mà còn là những cuộc chuyện trò rôm rả của kiểu ‘tình nghĩa giáo khoa thư’.
Thử nghĩ coi phải không, ở đâu có nhiều người tụ lại sinh sống, thường ở đó tự phát có họp chợ. Riết rồi, vô hình trung, thành một nét văn hóa của người Việt. Nhất cận thị, nhì cận giang…, cũng là vậy!