Mẫn Nhi
(VNTB) – Không ai có thể chiến đấu thay mình trong cuộc chiến tự bảo vệ nhân phẩm và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội bằng chính bản thân phụ nữ.
WildAct Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát về quấy rối tình dục trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam.
Thông qua khảo sát vào tháng 7-8 năm 2020 tại Việt Nam WildAct đã có các kết luận đáng kinh ngạc trong bản báo cáo về “Quấy rối tình dục tại môi trường làm việc”.
– 82,5% người trả lời khảo sát đã từng bị quấy rối tình dục trong 2 năm qua, tức là cứ 7 người được hỏi thì có 6 người từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.Trong đó, cứ 7 nam thì có 4 người và cứ 7 nữ thì có 6 người bị quấy rối.
– Môi trường dễ gặp phải các hành vi quấy rối tình dục là nơi làm việc thực địa và đặc biệt khi có bia rượu.
Các hình thức quấy rối tình dục được liệt kê trong bản khảo sát là: bằng lời nói khi “kể chuyện tình dục hoặc truyện cười tính dục”(38,1%), thảo luận về các vấn đề tình dục (9,5%), tạo cử chỉ, âm thanh hoặc ngôn ngữ cơ thể có tính chất tình dục (9,5%), động chạm (9,5%).
88% vụ việc là nhằm vào phụ nữ.
Trang Mongabay có bài viết dẫn lời người lập ra cuộc khảo sát rằng đã gặp những câu trả lời từ phía cơ quan bảo tồn là “không có quấy rối tình dục, không có bạo lực hoặc bất bình đẳng trên cơ sở giới trong lĩnh vực của chúng tôi” và rằng ý tưởng bị quấy rối tình dục nảy sinh chỉ vì “cô ấy sống ở phương Tây trong nhiều năm.”
Các nạn nhân cho biết họ buộc phải ngồi ăn nhậu chung với cấp trên hay đồng nghiệp và được yêu cầu uống rượu bia, nếu từ chối uống thì bị cho là không tôn trọng đồng nghiệp, cấp trên. Ngoài ra họ còn bị yêu cầu “rót rượu bia”, một hành động mà các phụ nữ cảm thấy “thực sự thiếu tôn trọng, vì chúng tôi là đồng nghiệp chứ không phải người phục vụ.”
Một người nước ngoài ở Tp. HCM vỗ mông một phụ nữ đã bị phạt 200.000 vì bị bắt quả tang trên camera an ninh trong thang máy. Tương tự một người khác ở Hà Nội cũng bị phạt mức tương tự vì cường hôn một người khác trong thang máy. Một mức phạt cứ tưởng như đùa chẳng thể làm gương để ngăn chặn. Đó là lời nhận xét trong một bài viết trên tờ Bưu Điện Hoa Nam. Tác giả cho rằng cần phải tăng mức phạt cũng tăng cường giáo dục để có thể góp phần làm giảm đi tình trạng quấy rối tính dục.
Với những trường hợp có máy quay phim như hai trường hợp trên để làm bằng chứng truy phạt, còn lại nếu chỉ bằng lời nói, lời tố cáo suông thì cơ quan chức năng làm sao sẽ xử lý?
Năm 2016, người đứng đầu bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ, khi phát biểu về việc các giáo viên phải đi tiếp khách đã nói rằng “Đây là hành vi trong quan hệ dân sự, chưa đến mức độ nghiêm trọng, nhưng chắc chắn là không phù hợp, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.”
Bốn năm đã trôi qua, chưa bao giờ mở báo ra đọc lại phải đọc những tin như trẻ em bị xâm hại ở học đường nhiều đến như vậy. Các bé bị xâm hại chỉ 7-8 tuổi từ những người thầy, người bảo vệ trong trường học. Có cả thầy có quan hệ với cả học sinh chưa đầy 15 tuổi. Tất cả có phải bắt nguồn từ cái quan niệm “ quan hệ dân sự, chưa đến mức độ quan trọng” của vị tư lệnh ngành Giáo dục?
Hành vi quấy rối tính dục, sàm sỡ phụ nữ đến bao giờ mới được để xem xét đúng mức độ? để bảo vệ nhân phẩm phụ nữ và bảo đảm bình đẳng giới?
Đảng và chính phủ Việt Nam luôn tự hào về việc bảo đảm bình đẳng giới trong nội các và bộ chính trị cũng như các vị trí tứ trụ, Nhưng có lẽ họ lại chưa bao giờ nghĩ đến việc phải bảo vệ nhân phẩm của những người phụ nữ bình thường?
Có lẽ chỉ những hành vi đụng chạm thể xác mới được xác định là quấy rối tình dục, còn các hành động khác mang tính tính dục lại được xem là điều bình thường để chuyện quấy rối tình dục hoặc thiếu tôn trọng phụ nữ được xem là điều bình thường.
Đã có bao giờ các nữ nhân viên, đồng nghiệp đã cảm thấy khó chịu khi ngồi chung bàn với cấp trên hay đồng nghiệp lớn tuổi cảm thấy bị xúc phạm khi được yêu cầu “rót bia cho anh đi” nhưng lại vẫn phải căn răng chịu đựng?
Đã có ai phản ứng khi phải ngồi nghe các câu chuyện tiếu lâm tính dục trong các bàn nhậu hay cả ở nơi làm việc?
Đã có ai từ chối khi buộc phải đi tiếp khách ở nhà hàng, tiệm Karaoke?
Đã có ai dám phản ứng khi bị cấp trên đụng chạm, gác tay hay đụng chạm vào một bộ phận cơ thể nào đó?
Đã có ai tham gia các trò chơi mang tinh xúc phạm phụ nữ như ăn dưa leo, bú sữa binh hay đập bóng bằng mông mà không cảm thấy bị xúc phạm? Đã có ai xem những hình ảnh ấy và phải đỏ mặt quay đi?
Đã có ai kịp phản ứng hay phòng vệ khi bị một người lạ mặt có những hành động, cử chỉ đe doạ hay xúc phạm giới tính nơi công cộng?
Có lẽ là rất ít hoặc gần như không có người có đủ sự bình tĩnh hay nhận thức để xử lý sự việc. Những hành động như vậy chẳng biết tự bao giờ nghiễm nhiên trở thành một thứ văn hoá tồi tệ trong giao tiếp hàng ngày đến độ người bị quấy rối tình dục lại không thể tự nhận ra được mình chính là nạn nhân.
Hãy bắt đầu từ việc tự bảo vệ mình, hãy đừng đặt mình vào vị trí dễ trở thành nạn nhân hay dễ tổn thương. Hãy bắt đầu từ việc lên tiếng phản đối những hành vi nhỏ nhất từ lời nói trở đi để dần dần nâng cao nhận thức tôn trọng nhân phẩm phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.
Đấu tranh cho nhân quyền không phải là những điều to tát, mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất trong xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người phụ nữ trong chúng ta.
Không ai có thể chiến đấu thay mình trong cuộc chiến tự bảo vệ nhân phẩm và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội bằng chính bản thân phụ nữ. Hãy hành động, tham gia phong trào #metoo vì chính mình và con em chúng ta ngay từ hôm nay.