Thảo Vy
(VNTB) – Cụm từ “cắt lát salami” đã được học giả Robert Haddick, một nhà nghiên cứu độc lập ở Hoa Kỳ, sử dụng để mô tả một mưu đồ nham hiểm của Trung Quốc với “các hành động nhỏ, không đủ để khơi mào một cuộc chiến, mà nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn”.
“Cắt lát salami”
Với chiến lược “cắt lát salami” trên Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm bãi Vành Khăn (Mischief Reef) từ Philippines năm 1995; thiết lập thành phố Tam Sa (Sansha) trên đảo Phú Lâm (Woody Island); cắt cáp của tàu thăm do dầu khí Việt Nam; chiếm bãi cạn Scarborough Shoal; và hiện xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma (Johnson South Reef).
Cùng với chiến lược này, Trung Quốc ngày càng tỏ ra “chai mặt” để đạt được mục đích của mình. Điển hình là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở tháng 5-2014, Trung Quốc đã thể hiện mình là kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Họ sử dụng hàng trăm tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến, cùng máy bay gây hấn, đe dọa các tàu của Việt Nam. Thế nhưng, họ vẫn “kêu than” và đổ lỗi gây hấn cho phía Việt Nam. Bắc Kinh còn đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc bằng cách gửi cái gọi là “tuyên cáo về lập trường” của nước này lên Tổng thư ký Ban Ki-moon và đề nghị cho lưu hành tới 193 thành viên Đại hội đồng LHQ.
Trung Quốc đang dần kiểm soát một số bãi cạn và đảo nhỏ trên biển Đông, tăng cường sự hiện diện của họ tại đây. Bắc Kinh đã từ chối tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và né tránh nỗ lực của Manila giải quyết vấn đề này tại tòa án quốc tế. Dù Mỹ ngày càng tỏ ra quan ngại, nhưng thực tế là họ chưa thể làm được nhiều trước việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong 12 tháng qua, Trung Quốc đã gây rất nhiều chú ý với các hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Phương thức “cắt lát salami” của Trung Quốc đặt các nước khu vực cũng như các cường quốc bên ngoài vào một tình thế khó xử: Nên cứng rắn đến mức độ nào mỗi lần Trung Quốc “cắt lát salami”? Và cần mạo hiểm mở ra xung đột, hoặc kiềm chế chuyện Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền ở mức độ nào? Thực sự vẫn chưa ai biết điều gì có thể “đóng băng” hành động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc không chỉ áp dụng phương thức “cắt lát salami”, mà còn tận dụng sự hấp dẫn về kinh tế, hoạt động thương mại để bù đắp cho hành vi của mình.
Sau sự cố Bãi Cỏ Rong năm 2012 với Philippines, Trung Quốc đã phát động “cuộc tấn công quyến rũ” năm 2013, thu hút ASEAN bằng Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, nhấn mạnh sẽ đưa mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN từ “thập kỷ vàng” lên “thập kỷ kim cương”. Năm nay, khi những lo ngại về hoạt động cải tạo của Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh đã đưa ra “củ cà rốt”: Mỹ và các nước khác có thể sử dụng các cơ sở dân sự Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông cho mục đích tìm kiếm cứu nạn và dự báo thời tiết trong “điều kiện thích hợp”.
Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường sức mạnh của mình. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) đang thu hút các đồng minh lâu nay của Mỹ như Anh, Úc và Hàn Quốc. Trung Quốc đã giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chiến giành bạn bè và ảnh hưởng của Mỹ. Cuộc tấn công kinh tế không dừng lại ở AIIB, Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – thỏa thuận tự do thương mại bao gồm ASEAN, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – được xem là đối thủ của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa cũng là “mồi nhử” đối với các nước khác có hy vọng hưởng lợi được từ sự phát triển của kinh tế Trung Quốc.
Quân đội hối thúc nhưng bị phủ quyết?
Một phản ứng phối hợp và hiệu quả trước cách thức lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa phương thức ngoại giao và răn đe. Đó có thể là nỗ lực của khu vực buộc Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn phù hợp với UNCLOS, ASEAN ra tối hậu thư với Trung Quốc để ít nhất có thể đóng băng các hoạt động cải tạo, và tiến hành các cuộc tuần tra chung ASEAN-Mỹ gần các rạn đá mà Trung Quốc cải tạo. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy những điều này sẽ sớm diễn ra.
Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm thành lập, ASEAN đã thất bại khi không thể đưa ra tuyên bố chung do quan điểm khác nhau giữa các thành viên về vấn đề Biển Đông. Mới đây, tổ chức này đã nỗ lực cảnh báo về nguy cơ từ các hoạt động của Trung Quốc nhưng cũng không thể làm gì hơn việc thúc đẩy hình thành bộ quy tắc ứng xử chính thức.
Trung Quốc “đong đưa củ cà rốt” đàm phán quy tắc ứng xử để câu giờ trong khi tiến hành hoạt động cải tạo. Còn Mỹ, với tất cả những gì tuyên bố về đề cao luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, cũng mâu thuẫn trong ứng xử với Trung Quốc. Câu hỏi là Mỹ có mạo hiểm mối quan hệ toàn diện với Trung Quốc vì “vài thực thể” ở Biển Đông hay không?
Người ta có thể nhận thấy hiệu quả của sự xâm lược “từ từ” của Trung Quốc ở Biển Đông qua hành động ứng phó của Việt Nam. Khi đối mặt với việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đã mua các tàu ngầm lớp kilo trang bị tên lửa Klub tấn công mặt đất có thể đe dọa các mục tiêu ven biển Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đã không bắn một viên đạn nào khi năm ngoái Trung Quốc kéo giàn khoan trị giá hàng tỷ USD vào vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Một học giả ở Hà Nội cho biết giới chức quân đội đã hối thúc hành động mạnh mẽ hơn nhưng các nhà lãnh đạo cấp cao phủ quyết việc này, và quyết định để cho Trung Quốc gánh chịu “tổn hại về uy tín”.
Không có mấy người ở châu Á đồng ý với những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Tuy nhiên, cách làm của Trung Quốc – sử dụng chiến lược “cắt lát salami”, sự bù đắp kinh tế để xoa dịu hành vi quyết đoán và tăng cường hành động cải tạo trong bối cảnh không có sự đối kháng đáng kể – nói ngắn gọn, dường như “có hiệu quả”.