Minh Triều
(VNTB) – Để xảy ra tiêu cực tràn lan trong cả nền bóng đá, thì rõ ràng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không thể né tránh được!
Đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa có trận thắng Philippines để nuôi hi vọng vào vòng loại thứ 3 của World Cup 2026. Nhưng một trận thắng không giúp người hâm mộ bớt lo lắng về những tiêu cực đầy rẫy trong nền bóng đá hiện nay. Đặc biệt là vấn nạn bán độ vẫn tồn tại như một bóng đen bao phủ lên những sân cỏ xanh của Việt Nam.
Nhóm cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu bị cáo buộc bàn bạc đá dưới sức trong trận gặp SHB Đà Nẵng và Đồng Nai ở giải hạng nhất, ngày 24/12/2023. Kết quả của trận đấu, đội Bà Rịa – Vũng Tàu thua 1-3. Trong trận này 5 cầu thủ đá chính gồm thủ môn, 3 tiền vệ và một tiền đạo đã bàn bạc thống nhất đá dưới sức. Năm người này trước đó đặt cược cho đội SHB Đà Nẵng thắng trên các website cá độ bóng đá. Hôm 1/2/2024, 5 cầu thủ này bị khởi tố.(1)
Bóng đá, môn thể thao vua luôn thu hút sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ Việt. Tuy nhiên, chúng ta thậm chí từng mất cả một lứa tài năng lớn, như Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh… vì dàn xếp tỷ số tại SEA Games 2005.
Chín năm sau, một loạt tuyển thủ đang khoác áo CLB Ninh Bình như Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng… cũng bị cấm thi đấu vĩnh viễn khi cá độ tại AFC Cup. Vào năm 2014, chín cầu thủ Ninh Bình cũng phải ra trước vành móng ngựa vì làm độ ở AFC Cup.
Đây chỉ là một vài vụ việc bị phát hiện, có thể là phần nổi của tảng băng chìm trong bức tranh toàn cảnh về nạn dàn xếp tỷ số ở Việt Nam. Một phần phải thừa nhận rằng áp lực kinh tế chính là nguyên nhân dẫn đến bán độ bởi trên thực tế, không phải tất cả các cầu thủ đều có mức thu nhập cao.
Trong khi những ngôi sao ở đội tuyển quốc gia nhận được những khoản lương và tiền thưởng khổng lồ, thì nhiều cầu thủ ở các giải hạng thấp hoặc các câu lạc bộ nhỏ lại sống trong tình trạng kinh tế bấp bênh. Đối với họ, việc phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng ngày, chăm lo cho gia đình và đảm bảo tương lai sau khi giải nghệ là những áp lực không nhỏ. Và nên nhớ, sự nghiệp cầu thủ bóng đá chỉ kéo dài khoảng 10 năm.
Tuy nhiên nếu đổ lỗi cho cầu thủ vì nghèo mà bất chấp đạo đức, pháp luật thì không đúng. Cần phải coi lại các chính sách và cách thức điều hành nền bóng đá Việt Nam hiện nay cũng như các lãnh đạo câu lạc bộ, lãnh đạo liên đoàn bóng đá.
Đầu tiên là việc đào tạo cầu thủ, phát hiện tài năng trẻ, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Việc này cần phải có kế hoạch dài hạn, có đích ngắm rõ ràng, chứ không thể làm theo kiểu ăn xổi như hiện nay, cứ thấy ai đá được là mời vào đội. Thiếu chuyện nghiệp, không được đào tạo bài bản thì cầu thủ không thể có đủ nền tảng thể lực cần thiết, và bản lĩnh để vượt qua cám dỗ.
Vấn để thứ hai là tình trạng vô trách nhiệm của các lãnh đạo đội bóng và liên đoàn bóng đá. Hiện nay đến chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội còn phải từ chức để chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Thì không có lý do gì những người đứng đầu liên đoàn bóng đá, đứng đầu câu lạc bộ có thể phủi bỏ trách nhiệm, mà chỉ xử phạt cầu thủ như vậy được.
Thế nhưng bóng đá Việt Nam hiện nay không chỉ có cầu thủ mới bán độ, mà còn có tình trạng trọng tài “bẻ còi”. Và rất nhiều sai sót khác trong cả giải đấu như việc sử dụng công nghệ VAR, hoặc có sự thỏa thuận kết quả giữa những “ông bầu” của các đội bóng. Nếu những sai sót chỉ xảy ra ở phạm vi nhỏ thì có thể xử lý một vài cá nhân là xong. Còn việc để xảy ra tiêu cực tràn lan trong cả nền bóng đá, thì rõ ràng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không thể né tránh được! Cần phải xử lý từ cấp cao nhất trở xuống thì may ra mới có thể đưa nền bóng đá Việt Nam thoát khỏi vũng lầy ngay chính trên sân nhà cũng như Đông Nam Á.
_________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/6-cau-thu-bong-da-ba-ria-vung-tau-bi-bat-4755019.html
2 comments
Đúng rùi
Tôi hoàn toàn đề nghị cách chức ô Tuấn. Ô tuấn làm cho bóng đá,vn tụt hậu. Hoang tàn