Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quảng cáo sâm Ngọc Linh

Chi Lăng

 

(VNTB) – Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính.

 

Hiện tại thì chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang ra sức cổ vũ “Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam”, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, với yêu cầu đặt ra là nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết vài năm trước, khi đang là Thủ tướng tham gia một hội thảo sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là quốc bảo, nhưng không chỉ là quốc bảo mà còn đi liền với quốc kế dân sinh. Ý rằng sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia.

Chủ tịch nước cũng kể rằng trước đây sâm Ngọc Linh ít, bây giờ chúng ta đã có những phiên chợ sâm Ngọc Linh với sản lượng lớn. “Muốn làm quốc kế dân sinh thì phải có sản lượng lớn chứ không phải nhỏ giọt được, việc này đang được Quảng Nam, Kon Tum quan tâm. Tuy nhiên so với các nước, quy mô về sản lượng sâm của chúng ta còn khiêm tốn, chất lượng cần cải thiện hơn, thị trường giá cả còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết” – ông nói.

Tuy nhiên, thông tin từ ông Nguyễn An – giám đốc thương mại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 – cho biết đang có những doanh nhân mang cây sâm và hạt giống có nguồn gốc từ phía Bắc vào vùng chỉ dẫn trồng rồi nói là sâm Ngọc Linh. Những cây và củ đó giá trị thật chỉ có vài trăm ngàn đồng trên thị trường, nhưng khi được gắn mác đội lốt sâm Ngọc Linh thì giá trị đã tăng lên vài triệu, thậm chí bán với giá ngang với sâm Ngọc Linh.

Nguy hiểm hơn, có một số doanh nghiệp, một số nhà khoa học tại một số tỉnh đã công khai mang cây giống từ Trung Quốc vào trồng rồi tuyên bố đã di thực và trồng thành công cây sâm Ngọc Linh theo hướng công nghệ cao của Hàn Quốc, còn tổ chức công khai hội thảo khoa học quốc tế về việc di thực thành công cây sâm Ngọc Linh. Cũng từ đây bắt đầu những clip, phóng sự quảng bá cho vườn sâm với mục đích cuối cùng là bán sâm.

“Chúng tôi đã đi thăm vườn sâm của họ. Thật sự chúng tôi không tin được khi cả một vườn nhìn là biết ngay không phải gốc sâm Ngọc Linh, mà là cây từ biên giới phía Bắc mang vào. Đã là nhà khoa học, họ biết cây đó xuất xứ từ đâu nhưng họ vẫn công khai làm như vậy, thật không thể tin được”, ông Nguyễn An nói.

Phải là người có kinh nghiệm lâu năm về sâm mới phân biệt được đâu là củ sâm giả – thật. Bằng mắt thường rất khó biết. Đặc biệt, hiện có nhiều củ tam thất bắc, sâm Trung Quốc tràn sang. Bề ngoài cũng có từng đốt như khúc tre, có rễ, có lá giống sâm thật đến 90%.

“Sâm củ hoặc cây sâm giống từ nơi khác đưa vào địa bàn thường được bán với giá rất rẻ. Nếu sâm thật có giá trên 100 triệu đồng/kg thì sâm giả chỉ 20-30 triệu/kg. Cây sâm giống có giá 150.000-200.000 đồng/cây thì giá cây giống sâm mua bán trôi nổi ở Kon Tum hiện chỉ 20.000-30.000 đồng/cây, thậm chí còn được khuyến mãi nếu người mua nhiều. Lợi dụng phong trào trồng sâm nổi lên gần đây, và việc hạn chế thông tin của người dân miền núi, các thương lái tìm cách thâm nhập “thủ phủ” sâm để chào bán”, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tim nói.

Năm 2021, cơ quan quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phát hiện các kiện hàng gói gém cẩn thận vận chuyển trên xe khách đi qua huyện Đăk Tô. Kiểm tra bên trong lô hàng có 3 thùng xốp, tổng cộng có 2kg củ và 12kg lá cây thuộc họ tam thất. Điều bất ngờ hơn là loại tam thất có hình dáng từ thân củ đến lá rất giống với cây sâm Ngọc Linh Kon Tum. Còn các sản phẩm như rượu sâm, trà sâm giả… thì cứ vài ba tháng, ngành chức năng lại phát hiện với số lượng đến cả ngàn chai, được mang đi tiêu hủy.

Đầu tháng 12-2021, Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam khi khai trương quảng cáo các sản phẩm của mình, đã công bố sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh nhưng khi ngành chức năng yêu cầu chứng minh thì không chứng minh được.

Tính đến đầu năm nay thì theo cơ quan chức năng, “chưa có nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum hay Quảng Nam nào được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.

Như vậy, với hình ảnh phát biểu đầy hùng hồn tại khách sạn Mường Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hôm 6-8-2022 ở hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”, liệu có thể gây nhầm lẫn gì đó về sự hiện diện của nhà tài trợ nhãn hàng sâm Ngọc Linh trong các “phát biểu chỉ đạo” như một cầu chứng về chất lượng từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?


Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi làm Chủ tịch nước

Do Van Tien

VNTB – Khen Thủ tướng Phạm Minh Chính là đồng nghĩa chê trách cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Doanh nghiệp Việt Nam bất chấp lệnh cấm quảng cáo trên Facebook và Youtube

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.