Hùng – Sơn
(VNTB) – Hiện tại, chuối rớt giá tận vực thẳm…
Tại Đồng Nai, chuối già hương cấy mô còn 500 đồng/kg. Có nơi 1.000 đồng/3 kg chuối. Nhà vườn bán đổ bán tháo, có lúc tặng không cho bà con, ai có sức thì vô vườn chặt đem về ăn. Chuối chín rơi lả tả đầy vườn như nước mắt của bà con nông dân…
Tình cảnh này khiến nhiều người nhớ lại tình cảnh của mùa Tết Bính Thân 2016. Đó là thời gian mà từ 10.000 đồng/kg, lúc rẻ cũng 7.000 đồng nhưng rồi chuối quả tươi chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg mà thương lái cũng chẳng thiết tha như trước…
Ghi nhận tại Đồng Nai cuối năm 2023. Đây là thủ phủ trồng chuối cấy mô xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Thường chuối cấy mô là chuối già hương, ăn thơm và ngọt, ít phun thuốc. Vì chỉ cần trái chuối dính thuốc bị đốm đen, là không xuất khẩu được…
Nhờ trồng chuối cấy mô, nhiều nông dân kinh tế khấm khá. Nhưng sự đời trớ trêu, mới khấm khá chút đỉnh, chuối lại rớt giá thê thảm. Đầu tháng 11, thương lái thu mua 5.000 đồng/kg chuối. Giữa tháng 12, chuối rớt giá còn 2.000 đồng/kg. Cuối tháng 12, bên Trung Quốc ngưng thu mua…
Giới thương lái cho rằng ở đây đầu dây mối nhợ cũng từ Trung Quốc. Theo đó, có lẽ nơi khởi điểm phong trào trồng chuối xuất khẩu của Việt Nam là xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Năm 2000, một doanh nghiệp tư nhân người Trung Quốc đã thuê hơn 100 ha đất rừng của bà con để đầu tư trồng chuối cấy mô xuất sang Trung Quốc. Sau đó, diện tích chuối vượt khỏi phạm vi trang trại của công ty, lan ra cả xã Bản Lầu và nhiều xã khác của huyện Mường Khương, Bát Xát… Đi dọc sông Hồng, chỗ nào cũng bạt ngàn đồi chuối, dứa.
Đồng Nai cũng nhanh chóng với giống chuối cấy mô xuất sang Trung Quốc này.
“Giá rẻ mà có người mua còn đỡ chứ từ đầu mùa thu hoạch rộ đến giờ tôi chẳng thấy thương lái nào tới hỏi mua buôn, toàn phải đem bán lẻ từng nải một. Song, khi đi bán lẻ còn khổ hơn vì nhiều người nói nhúng thuốc trừ sâu cho chuối mau chín nên không dám mua, gặp một số người quen tôi cho họ còn từ chối không lấy…” – bà Thụy Anh, một nhà vườn ở Trảng Bom, Đồng Nai buồn bã cho biết vậy trong ngày đầu năm mới 2024.
Theo bà Thụy Anh, sở dĩ nhà vườn chuối ở Đồng Nai lâm cảnh này vì thương lái Trung Quốc lâu nay chỉ chọn mua loại chuối tiêu, hay còn gọi là “già hương Nam Mỹ” với đặc điểm là trái rất to. Trong khi đó thì các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc lại tiêu thụ chuối tiêu hồng có trái nhỏ hơn, ăn ngon hơn nhưng thời gian trồng thì kéo dài hơn loại “già hương Nam Mỹ”.
“Thị trường Trung Quốc dễ tính, không yêu cầu các tiêu chuẩn khắt khe về quy trình chăm sóc nên người nông dân cứ vậy mà trồng rồi cung cấp theo yêu cầu thương lái” – bà Thụy Anh nhìn nhận như vậy.
Còn theo lý giải của một doanh nhân mệnh danh “vua chuối” – ông chủ của thương hiệu FOHLA (fruit of Huy Long An) thì tại Trung Quốc hiện vẫn đang là mùa thu hoạch chuối nên thị trường này hạn chế nhập chuối của Việt Nam cũng là dễ hiểu. Năm nào cũng đã diễn ra tình trạng này.
Cho nên – theo ý kiến của “vua chuối”, một lần nữa lại phải đặt vấn đề: nông dân cần sản xuất chuối theo quy trình sạch, đạt được những quy chuẩn nhất định để có thể mở rộng thị trường, điều tiết sản xuất theo mùa để sản lượng chuối không bị quá dư thừa như hiện nay… Tất cả những điều này nhất thiết phải có cơ quan nhà nước làm trung gian.
“Hiện nay, trong chương trình thay đổi nền nông nghiệp của Việt Nam, ai là người đi giới thiệu hàng hóa của mình ra nước ngoài? Phải là cơ quan của Chính phủ. Đi đàm phán, mở rộng thị trường, các điều kiện kiểm dịch động vật, thực vật… Nói chung phải là nhà nước đứng ra làm” – ông chủ của thương hiệu FOHLA nhấn mạnh.