Kỳ Lâm (VNTB) Bình yên là có thật! Nhưng nó hiện hữu đối với những cán bộ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà ở trong ngôi nhà công vụ, với đội ngũ cảnh vệ 24/7, hay những tòa chung cư cao cấp như Vinhomes. Còn không, thì chắc hẳn bà sẽ không đủ can đảm để nói với cử tri điều đó.
VNTB – Chuồng cọp Hà Nội và “cuộc sống bình yên” |
Tháng bảy vừa qua, ngoài vụ cháy khiến 4 người trong gia đình tử vong tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì có thêm vụ cháy khiến 2 người chết tại Phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Điểm chung của cả hai vụ, hay những vụ cháy nhà nhà trong những năm gần đây là nhà cửa hoàn toàn bịt kín (không có lối thoát), hoặc hàn kín bởi những dàn sắt để chống trộm (chuồng cọp).
“Chuồng cọp” đã trở thành một phần đặc trưng của hệ thống nhà Hà Nội, và nơi đây cũng là nơi mà những tiếng vọng kêu cứu bất thành diễn ra trong mùa cháy nổ.
Vì sao họ phải làm như vậy? Vì sao ngay cả ngôi nhà – vốn là nơi được xem là an toàn nhất, lại trở thành một mồ chôn họ bất cứ lúc nào khi xảy ra sự cố về lửa, điện, khí?
Câu hỏi này chắc hẳn nên dành cho bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi mà trong tháng 6/2017 vừa qua, tiếp xúc với cử tri bà đã mạnh dạn nói rằng: “Chúng ta có cuộc sống bình yên như thế này trên cả nước là nhờ lực lượng công an. Tuy nhiên, tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, chống người thi hành, giết người… là có thật nhưng chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt và từng bước khống chế, hạn chế để đảm cuộc sống yên bình cho người dân”.
Ấy vậy mà những cái chết liên quan đến “chuồng cọp” tại Hà Nội vẫn diễn ra đều đều, xuất phát từ những vụ trộm cướp đột nhập vào nhà và giết người.
Bình yên là có thật! Nhưng nó hiện hữu đối với những cán bộ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà ở trong ngôi nhà công vụ, với đội ngũ cảnh vệ 24/7, hay những tòa chung cư cao cấp như Vinhomes. Còn không, thì chắc hẳn bà sẽ không đủ can đảm để nói với cử tri điều đó.
Và giá như có một cuộc khảo sát hàng trăm ngàn hộ đang sống trong chuồng cọp tại Hà Nội về bình yên, có lẽ đó là một cú tát vào quan điểm vỗ về dân của bà Chủ tịch Quốc Hội.
Cũng liên quan đến trật tự trị an, một nữ du khách nước ngoài (đến từ Lithuania) là Rita Rasimaite – người đạp xe đi dọc chiều dài Việt Nam trong suốt 2 tháng, nhưng khi đến Nha Trang cô bị mất điện thoại, và khi đến Tp. Hồ Chí Minh – cô mất nốt luôn chiếc xe đạp hành trình của mình. Mất tài sản tại Việt Nam, sau khi cô trải qua 20 quốc gia khác!! Chuyện đùa nhưng lại là… thật!
Báo Tuổi Trẻ sau đó đã đăng bài với nội dung “Cần một nghĩa cử đẹp với cô gái nước ngoài đạp xe xuyên Việt”. Đó là tìm kiếm lại chiếc xe đạp hay gom góp tiền để mua lại chiếc xe đạp trị giá trên dưới 15 triệu đồng? Tại sao lại là “nghĩa cử đẹp” mà không phải là “trách nhiệm” bảo vệ trị an? Tại sao không là nội dung bài nói về sự bất an với nạn trộm cướp lộng hành, sự bất lực của hệ thống bảo đảm an ninh mà lại là “nghĩa cử đẹp”?
Cũng giống như những cái chết đau lòng từ “chuồng cọp”, chiếc xe đạp không cánh mà bay của cô Rita Rasimaite cần một lời giải thích về nguyên nhân gốc và cách trị vấn đề cốt lõi đó. Chúng ta không thể cứ bảo người dân phá “chuồng cọp” trong khi nạn trộm cướp hoành hoành, hay tỏ vẻ “hiệp thông – chia sẻ” với du khách nước ngoài khi họ đặt chân đến Tp. Hồ Chí Minh và bị… cướp giật!
Đã đến lúc, người dân cần xét đến nguồn tiền an ninh hằng tháng, hằng năm đóng cho lực lượng trị an. Cần nhiều hơn nữa những bài viết phê phán mạnh mẽ sự thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an ninh & trật tự xã hội của lực lượng công an. Chúng ta không bị ru ngủ bởi những lời vuốt ve từ những người lãnh đạo, rằng, đất nước ta bình yên, an toàn, hạnh phúc – bởi lúc đó – chính chúng ta sẽ hại chúng ta.
Hãy nhớ một điều, những người lãnh đạo mang danh Cộng sản bây giờ thường hay kể về những điều không có thực, hoặc mang tính trái ngược với thực tế xã hội.
Họ là những kẻ quyền lực nhưng đầy mộng mơ!