Phương Thảo dịch
(VNTB) – Ngoài chủ nghĩa biểu tượng, các nhà phân tích cũng hoài nghi liệu chuyến đi này có thể đạt được điều gì khác ngoài những tấm ảnh chụp ở Nhà Trắng hay không.
Nhà trắng sẽ đón tiếp một vị khách hiếm có tháng tới khi Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt nam có chuyến công du mang tính biểu tượng đánh dấu 20 năm kỷ niệm ngày thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt nam đầu tiên đặt chân đến Mỹ, được kỳ vọng sẽ thảo luận một loạt các vấn đề từ an ninh cho đến kinh tế hợp tác với Tổng thống Barack Obama khi hai quốc gia hướng đến chiều sâu của mối quan hệ chiến lược nhằm đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhưng ngoài chủ nghĩa biểu tượng, các nhà phân tích cũng hoài nghi liệu chuyến đi này có thể đạt được điều gì khác ngoài những tấm ảnh chụp ở Nhà Trắng hay không. “Chuyến đi mang đầy tinh biểu tượng, không chỉ cho mối quan hệ Việt Mỹ, mà còn cho cả trong nội bộ Đảng Cộng Sản,” chuyên gia về Việt nam và giáo sư trường Đại học Hồng công Johnathan London phát biểu.
Ngay cả những người bảo thủ và giáo điều nhất…
Không như người đồng nhiệm Trung quốc, ông Trọng không nắm giữ một vị trí nào trong chính quyền và thuộc phe cánh bảo thủ vốn luôn có truyền thống nghi ngờ Mỹ. Với việc cho ông Trọng đi Mỹ, ông London cho rằng chuyến đi này làm nổi bật thực tế đang thay đổi trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.
“Ngay cả những người bảo thủ và giáo điều nhất trong Đảng giờ đây cũng đã nhận ra sự cần thiết thục tiễn của mối liên hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt nam,” Ông London nói. Các căng thẳng sôi sục về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã làm tổn hại mối quan hệ của các quốc gia láng giềng Châu Á. Mối quan hệ này đã đột ngột xuống dốc vào năm ngoái khi Trung quốc mang giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng lãnh hải đang tranh chấp ngay ngoài khơi vùng duyên hải Việt nam. Một loạt nỗ lực đã được đưa ra nhằm hàn gắn mọi thứ lại nhưng sự nghi ngờ vẫn còn quanh quất đâu đó.
Nhiều người đã nhận ra do việc tăng cường mối quan tâm chung đến việc gia tăng quyền lực của Trung Quốc mà mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington đã phát triển sâu sắc hơn. Hai quốc gia này đặc biệt hợp tác để phát triển mối quan hệ quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, các nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối ở cả hai quốc gia khi mà một số người phía Hà Nội vẫn còn thận trọng với các nỗ lực hết mình của Washington trong khi các vấn đề về nhân quyền tại Việt nam vẫn lôi kéo nhiều chỉ trích ở Mỹ.
Chuyến đi của ông Trọng nếu thành công sẽ làm an lòng các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt nam rằng họ có thể xây dựng niềm tin chiến lược với người Mỹ, Ernest Bower cố vấn cấp cao và Giám Độc chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á phát biểu. “Tôi tin rằng điều lớn nhất có thể đạt được là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.”
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề được đưa ra thảo luận sẽ bao gồm cả việc nâng tầm quan hệ song phương từ mối quan hệ đối tác toàn diện sang đối tác chiến lược, đàm phán song phương về thỏa thuận thương mại TPP và tháo gỡ hoàn toàn cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ đối với Việt nam.
Chỉ có tính biểu tượng?
Nhưng cùng với việc thay đổi lãnh đạo ở cả hai quốc gia vào năm tới, các chuyên gia cho rằng chuyến công du này cũng vẫn chỉ có tính biểu tượng. “ Câu hỏi chính là liệu ông tổng bí thư sắp về hưu và nổi tiếng là không sáng tạo lại có thể tạo ra được gì khác hơn ngoài những tấm hình chụp ở nhà trắng.” Ông London tuyên bố.
Và với Việt nam, việc cố gắng duy trì mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là một hành động khéo léo giữ cân bằng sau chuyến công du, giáo sư Carl Thayer trường đại học New South Wales nhận định. “Ở Việt nam không ai ủng hộ Trung quốc, không ai ủng hộ Mỹ. Họ chỉ ủng hộ Việt nam. Điều họ bất đồng là việc nghiêng về phía Mỹ sẽ làm cho họ gặp rắc rối với Trung Quốc và họ có thật sự muốn như vậy không.”
Chuyến đi của ông Trọng là chuyến công du thứ hai của một lãnh đạo cấp cao Việt nam kể từ lúc chính quyền Obama thực thi “trục xoay về Châu Á” từ năm 2012. Ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước thứ hai có chuyến công du đến Mỹ năm 2013.