Chuyến đi Mỹ của Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, diễn ra vào những ngày cận bầu cử tổng thống Mỹ, đang là chủ đề tranh luận trên diễn đàn chính trị của giới phân tích trong nước và quốc tế.
Một luồng nhận định vẫn cho là do Đinh Thế Huynh phải đi Trung cộng “hỏi ý kiến” Tập Cận Bình, rồi sau đó mới đi Mỹ, nên thực chất chuyến công du Washington của ông Huynh chỉ phản ánh một thế cục tiếp tục đu dây. Một luồng nhận định khác lại cho rằng chuyến đi Mỹ của ông Huynh thể hiện tầm chiến lược và đã bàn với Mỹ một số vấn đề quan trọng như Biển Đông, TPP, kể cả nhân quyền. Luồng nhận định thứ ba cho rằng chuyến đi này cho thấy thái độ Việt Nam có vẻ gần với Mỹ hơn, chứ không phải tiếp tục lệ thuộc vào Trung cộng…
Nhưng nói gì thì nói, cho tới nay hệ thống báo đảng, vốn nằm trong tay ông Đinh Thế Huynh và luôn có thói quen khoe khoang “thành tích đối ngoại”, đã chỉ nhắc chủ yếu việc ông Huynh có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một thời gian ngắn của ngày đầu tiên ở Mỹ. Thời gian còn lại ở Mỹ của ông Huynh đến hơn 7 ngày chỉ là một số cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hiệp quốc, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa… – đều là những tin vắn mà báo đảng Việt Nam không đi sâu. Không khí đưa tin này là khác hẳn với cách mô tả rất cặn kẽ của báo đảng dành cho chuyến công du Washington vào tháng 7/2015 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một giả thiết đặt ra là nếu Đinh Thế Huynh đến Mỹ để “bàn chiến lược hợp tác”, thì hiệu quả của công việc này có vẻ quá mong manh. Bởi vì trước khi nước Mỹ xác định được một tổng thống mới, khó có ai biết được chiến lược và sách lược đối ngoại của Mỹ, trong đó có đối ngoại với Việt Nam, sẽ ra sao.
Do vậy, nhiều khả năng chuyến đi Mỹ của Đinh Thế Huynh chỉ mang tính hình thức, được thể hiện qua việc “…đồng chí Đinh Thế huynh mời tổng thống mới của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam…”, như tựa dề của Thông tấn xã Việt Nam.
Giả thiết gần với thực tế nhất là với việc phát ra lời mời trên, ông Đinh Thế Huynh đã tự khẳng định mình là một nhân vật chính trị được Tổng bí thư Trọng ủy quyền đầy đủ để làm thay việc mời của những nhân vật chính trị khác như Chủ tịch nước và Thủ tướng, dù ông Huynh là người bên đảng. Đó cũng là lý do vì sao ngay khi ông Huynh còn ở Mỹ, giới phân tích đã đồn đoán về khả năng Đinh Thế Huynh chứ không phải ai khác, đã được Nguyễn Phú Trọng chọn là người kế vị cho chức vụ tổng bí thư.
Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, việc “tổng bí thư tương lai” Đinh Thế Huynh đặt chân đến Washington cũng có thể mang hàm ý giới lãnh đạo Việt Nam muốn gây thiện cảm, và trên cả là lấy lòng Mỹ. Thái độ này có thể logic với một luồng nhận định của giới phân tích cho rằng trong hoàn cảnh bức bí về kinh tế và quốc phòng như hiện thời, Việt Nam phải cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam.
Lê Dung / SBTN