Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện kháng cáo…

IJAVN 5.1.2021

Trần Lê

 

(VNTB) – “Kháng cáo là tôi vô tội thì phúc thẩm dễ y án lắm!”

 

Một luật sư chuyên làm án tranh tụng, giờ vì sức khỏe kém, ông không thể đứng lâu nên chuyển sang nghề luật sư tư vấn. Ông này là bạn của tôi, nên cứ mỗi bận thắc mắc điều gì liên quan tới ‘án – iếc’, tôi cứ hẹn ông bạn cà phê và tha hồ hỏi mà không tốn cắc bạc tiền trả cho ‘chất xám’ luật sư.

Lần đó, nhân vụ mấy người bạn của tôi bị kết án theo khoản 2, Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, sau đó chỉ có 1 người chắc chắn ‘chống án’ lên cấp tòa phúc thẩm, còn các ‘đồng phạm’ thì chấp nhận ‘đi trường’ ngay sau khi hết hạn kháng cáo. “Phải chăng không kháng cáo là nhìn nhận các tội danh mà cấp sơ thẩm đã tuyên?”, tôi thắc mắc.

Ông bạn luật sư nói rằng, rất có thể mấy vị không chống án kia hiểu quá rõ là nếu mình kháng cáo theo hướng không phạm tội, thì với khoản 2, Điều 117, chẳng có cấp tòa phúc thẩm nào giảm án đâu.

“Tôi hiểu bạn đang thắc mắc vụ án gì. Nói vầy, án trong khung cáo buộc của “an ninh quốc gia”, chỉ giảm ở mức thấp nhất nếu như người bị buộc tội đồng ý việc làm của mình là đúng như những gì mà công tố ra rả trước tòa. Nhưng bạn ơi, tôi tin rằng chẳng có ai điên khùng để làm một điều mà biết tỏng tòng tong đây là cấm kỵ của pháp luật, chắc chắn phải ở tù ngoài chục năm cả.

Bởi viết báo công khai, đăng công khai, với hẳn hòi mục đích là phản biện đa chiều, theo đúng quyền Hiến định là người dân được trao quyền giám sát mọi chính sách của Đảng ghi tại Điều 4.2 và 4.3, thì làm sao lại là phạm tội cho được kia chứ? Hơn nữa, đây là thuộc cách hiểu của dân chủ.

Nói về dân chủ, tôi còn nhớ trên báo chí vẫn nhắc câu chuyện diễn ra tháng 6-1968, tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên truyền Trung ương Ðảng về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Bác Hồ căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”.

Vậy thì tại sao Đảng không cảm ơn các bài báo đưa ra những lập luận phản biện về các quyết sách của Đảng, qua đó giúp Đảng hiểu để sửa mình, để Đảng vẫn có thể vĩ đại trở lại trong mắt công chúng?” – ông bạn luật sư vừa ngồi nói, vừa diễn tả bằng những cái ‘chém tay’ cố hữu như hồi còn đứng trước phiên tòa để tranh tụng.

Phân tích chi tiết, ông bạn của tôi nói giả dụ như ở đây là kháng cáo theo hướng giảm nhẹ, thì thử phân tích Bộ luật Hình sự 2015, Điều 51”Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”.

Theo luật thì các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; m) Phạm tội do lạc hậu; n) Người phạm tội là phụ nữ có thai; o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; r) Người phạm tội tự thú; s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội; v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

“Thử coi ông bạn kháng cáo kia có đáp ứng nội dung nào ở đây không rồi hãy bàn tiếp, ở Điều 54 “Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng”, ghi:

“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.

Tôi tin là có quyền hy vọng phiên phúc thẩm sắp tới, sẽ tuyên ông bạn kháng cáo đó khung hình phạt 5 năm theo khoản 1, Điều 117. Nếu thật sự có điều này, tôi nghĩ trước tiên cần hết sức biết ơn các ‘đồng phạm’ trong vụ án đã chọn việc từ chối kháng cáo.

Tế nhị và có chút lắt léo là chỗ đó” – ông bạn luật sư của tôi đã đưa ra những giả định đầy rối rắm như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bác sỹ Nguyễn Duy Hướng bị bắt theo điều 117 BLHS

Phan Thanh Hung

VNTB – Facebooker Nguyễn Như Phương lãnh án theo điều 117 BLHS 

Do Van Tien

VNTB – Bàn luận về Điều 117, Bộ luật hình sự

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo