Khúc Thừa Sơn
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ bước ra khỏi tòa (ảnh: Đôn An Võ)
(VNTB) – “Cô phải cầm cố căn nhà cô đứng tên, cô bán căn nhà này để chan trải nợ nần. Đối với cô, cô là một nhà giáo cho nên nhân phẩm, uy tín của cô cô rất là coi trọng có thể coi trọng hơn cả tính mạng của mình.”
Sáng ngày 07/6/2016, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên mở phiên xử phúc thẩm xét xử vụ án “cô giáo chống tiêu cực ở trường Trung học phổ thông (THPT) chuyên Lương Văn Chánh và bị trù dập”. Người kiện là cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ dạy môn hóa và những người bị kiện là ông Nguyễn Tấn Hào- Hiệu trưởng trường, bà Đinh Thị Tuyết-Tổ trưởng bộ môn hóa và ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc sở GD& ĐT. Vụ án kéo dài đến mấy năm liền, qua nhiều phiên xử bị hủy và hôm nay là phiên xử phúc thẩm tuy không giải quyết triệt để những yêu cầu cô Đệ đưa ra nhưng cũng đáp ứng phần nào khả quan hơn so phiên xử sơ thẩm…
Phần yêu cầu quan trọng nhất của người kiện không được đáp ứng
Trong tinh thần thoải mái sau khi kết thúc vụ án, cô Minh Đệ đã cho Việt Nam Thời Báo (VNTB) một cuộc trao đổi ngắn xoay quanh phiên xử phúc thẩm. Cô Minh Đệ đánh giá phiên xử có làm cô bất ngờ bởi về cách hành xử của những công an, bồi thẩm đoàn nhẹ nhàng, không khiến cô lắm căng thẳng và nặng nề như phiên xử sơ thẩm ở mấy tháng trước. Cô Minh Đệ nói:
“Cô thấy công an có vẻ ưu ái với cô hơn. Bồi thẩm đoàn lắng nghe cô nói nhiều hơn.”
Phía những người bị kiện, bà Đinh Thị Tuyết và ông Nguyễn Văn Tá lại vắng mặt trong phiên xử duy chỉ có ông Hào và thêm một người đại diện trường Lương Văn Chánh có mặt ở phiên xử phúc thẩm này. Theo cô Đệ, bất ngờ là vụ án có liên quan đến ông Hào nhưng có những câu hỏi tòa đưa ra, ông Hào gần như trả lời không biết giống như người đại diện trường Lương Văn Chánh. Cô Đệ thuật lại:
“Ông Hào thì gần như không biết gì. Thậm chí việc cử người đại diện trường đi là tổ phó văn phòng cũng không biết gì về vụ kiện, hỏi gì liên quan đến cô cũng không biết.”
Cô Minh Đệ còn cho biết thêm, tại phiên xử Tòa hỏi rất cặn kẽ và cô cũng có nhiều thời gian để trải lòng mình. Nhắc lại những khó khăn, những lần bị xúc phạm danh dự và nhân phẩm mà mình đã chịu đựng trong khoảng thời gian dài khiến cô Đệ không cầm được nước mắt tại tòa.
“Lần này tòa hỏi rất cặn kẽ. Cô không ngờ mình được trải lòng với quá khứ lâu đến vậy nên cô trả lời rất rành rọt. Sống trong hoàn cảnh đó mình mới biết được nên cô khóc một cách tự nhiên. Tại sao hiệu trưởng trường lại xúc phạm giáo viên như thế? Xúc phạm công khai, tàn bạo ngay giữ đám đông nên tôi để nghị tòa khởi tố ngay ông hiệu trưởng về tội vu khống, trù dập người khiếu nại tố cáo còn việc họ có cấu kết nhau hay không tôi không biết”
Để theo đuổi vụ kiện cũng như lo toan cho cuộc sống gia đình, cô Đệ phải bán căn nhà để trả nợ. Đối với cô Đệ, uy tín và nhân phẩm của nhà giáo được cô coi trọng còn hơn cả tính mạng. Cô Đệ nói:
“Cô phải cầm cố căn nhà cô đứng tên, cô bán căn nhà này để trang trải nợ nần. Đối với cô, cô là một nhà giáo cho nên nhân phẩm, uy tín của cô cô rất là coi trọng có thể coi trọng hơn cả tính mạng của mình.”
Tuy vậy, cô Đệ vẫn đánh giá phiên xử, Tòa cắt đoạn ra xử chứ không có xử một cách triệt để. Và một điều nữa là, từ phiên xử sơ thẩm cho đến trước phiên xử phúc thẩm cô Đệ cũng không gặp phải những khó khăn gì từ phía những người bị cô kiện. Có lẽ…
“Cô sống là cô đã tìm cách đơn giản hóa hết mọi việc. Cô đi lại bằng xe đạp và có lịch riêng. Phần nữa cô đang trong cảnh bị trù dập, chưa xử xong. Còn họ (những người bị kiện), họ được bảo vệ quyền lợi hết, họ cứ ung dung với bản thân, cô thì đau khổ cho nên cô nghĩ chắc họ không tìm cách diệt cô được.”
Theo kết quả phiên tòa, cơ bản đã đáp ứng phần lớn những yêu cầu mà phía cô Minh Đệ đưa ra như: Tòa buộc trường THPT chuyên Lương Văn Chánh phải trả cho cô Minh Đệ 17 tháng lương, tất cả các khoản phụ cấp đồng thời nâng mức bồi thường tổn thất tinh thần lên thành 10 tháng lương cơ bản (ở phiên sơ thẩm chỉ có 4 tháng), đây là mức bồi thường cao nhất theo qui định của pháp luật…ngoại trừ yêu cầu cần phải có lời xin lỗi của những người đã gây hại cho cô Đệ nhưng không được đáp ứng.
“Nặng nhất là phần danh dự, nhân phẩm tinh thần thì phải bồi thường nhưng họ cắt và nói là việc bồi thường cao nhất chỉ 10 tháng lương cơ bản. Họ làm 10 tháng lương cơ bản là cao nhất cho cô, còn tiền phụ cấp lâu nay họ giữ thì họ trả lại cho cô.”
“Họ (những người bị kiện) không có xin lỗi. Luật sư Đôn cũng có nói chính sách này nó vậy đó, cá nhân sai phạm thì các cơ quan đó chịu trách nhiệm. Mà cô thấy lạ, cá nhân sai phạm thì các cơ quan chịu trách nhiệm mà nếu cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thì Nhà nước lấy tiền đâu trả trong khi cá nhân thì rất là giàu. Đáng lẽ (cá nhân) phải chịu trách nhiệm những sai phạm của mình.”
Qua VNTB, cô Minh Đệ gửi lời cám ơn đến tất người dân, những ai quan tâm đến vụ án đã giúp đỡ cô cả về tinh thần lẫn vật chất. Một hành trình khiếu kiện chỉ dài khoảng mấy năm nhưng lại đánh đổi uy tín, danh dự của mấy mươi năm trong nghề dạy học, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu nước mắt không thể nào kể xiết nếu như không có những sự đồng hành từ những đứa học trò.
“Học trò cô ở khắp nơi. Thực ra, có những đứa rất thầm lặng, nó im lặng giúp đỡ cô. Có những đứa cô không dạy học nó, nó ở rất xa nhưng cũng biết đến cô và giúp đỡ cô.”
Và dư luận yêu chuộng công lý và sự thật, bên vực cho lẽ phải ở khắp nơi…
“Cô rất cám ơn sự quan tâm của cộng đồng mạng, cám ơn những người lâu nay đã sát cánh bên cô, đã dìu dắt cô đi và yểm trợ cho cô.”
Như VNTB từng đưa tin trước đây, cô Nguyễn Thị Minh Đệ là giáo viên giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Vào năm học 2006 – 2007, cô Đệ phát hiện những tiêu cực trong nhà trường mà cụ thể ở đây là bộ môn Hóa thường xuyên ra đề sai và cô Đệ có làm đơn yêu cầu lãnh đạo trường giải quyết để chấm dứt vấn nạn tiêu cực này nhưng không được giải quyết. Chẳng những thế, cô Đệ còn bị trù dập bằng việc cắt lương, bảo hiểm y tế, chế độ phụ cấp… và liên tiếp nhận được 3 biên bản kỷ luật trong vòng 9 tháng khiến cô Đệ hết sức đau đớn và tủi nhục… Vụ án phải qua nhiều phiên xử đa phần là lý do vắng mặt của những người bị kiện quan trọng nên tòa buộc phải hủy và cho đến nay là phiên phúc thẩm.