Hà Nguyên
(VNTB) – Dường như Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh cũng đang là nàng Kiều phiên bản xã hội chủ nghĩa.
Cò kè bớt một thêm hai,/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là đoạn mở đầu trong đoạn đời 15 năm trời lưu lạc đau khổ của nàng Kiều. Đoạn thơ dài 34 câu, từ câu 619 đến câu 652 trong Truyện Kiều.
Thi sĩ Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh là một kẻ buôn thịt bán người lọc lõi “quanh năm buôn bán phấn hương đã lề”. Khi mụ mối “vén tóc, bắt tay” món hàng thì hắn “cân sắc” rồi “cân tài” hắn “ép”, hắn “thử”, hắn bắt Kiều đánh đàn, làm thơ một cách “đắn đo” suy tính kỹ càng. Người “quốc sắc thiên hương’” đối với hắn chỉ là một món hàng:
Đắn đo cân sức cân tài,/ Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
Và chỉ sau khi đã “mặn nồng một vẻ một ưu”, Mã Giám Sinh mới “tùy cơ dặt đìu” mua bán. Tuy nói là “mua ngọc”, tuy lên giọng cao sang là “sính nghi”, nhưng vẫn “cò kè” lúc thì “bớt một”, lúc thì “thêm hai”. Thời gian mặc cả người đẹp đã kéo dài mãi đến “giờ lâu” mới “ngã giá”:
Cò kè bớt một thêm hai,/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Giờ đây, dường như Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh cũng đang là thân phận nàng Kiều phiên bản xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quên mất mình từng là… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (?!)
Chiều 12-10-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại UBND TP.HCM.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố từ 18% lên 23% ngay năm 2022 để thành phố có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước.
Ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là không mới, vì từ cuối năm 2019 lúc còn là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM tái kiến nghị về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách.
Phát biểu trực tiếp tới hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 30-12-2019, khi ấy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất một loạt kiến nghị tới lãnh đạo Bộ Chính trị, trung ương xem xét giải quyết cho thành phố nhiều vướng mắc còn tồn tại trong thời gian qua.
Cụ thể, TP.HCM đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP.HCM xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM” theo Hiến pháp năm 2013, và một loạt nghị quyết được ban hành của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã có quy định.
Thành phố cũng đề nghị Chính phủ quan tâm ủng hộ nhằm tạo nên một nguồn lực tương xứng, một động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của thành phố và các địa phương trong cả nước thông qua việc cho phép TP.HCM chủ động thực hiện “Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố cùng các địa phương giai đoạn 2021-2025”.
Với đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại TP.HCM, lãnh đạo UBND TP kiến nghị được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của quốc gia.
Lý do là vì “TP.HCM là một trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, đầu tàu kinh tế của cả nước, sẵn sàng tiên phong đi trước thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước”, cũng như phù hợp với định hướng phát triển kinh tế quốc gia, tiến tới xây dựng một trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế là việc cần thiết và là xu thế phát triển tất yếu.
Dẫn chứng số liệu phân tích, ông Nguyễn Thành Phong nhận định mức điều tiết ngân sách đề xuất cho TP.HCM là từ 18% lên 24% rồi 33% trong vòng 10 năm. Việc này nhằm đảm bảo thành phố có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững. Đó cũng là cơ sở để thành phố giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho cả nước.
Phải chăng đó là ‘công bằng’ theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Cần nhắc lại, từ khi Luật ngân sách có hiệu lực vào năm 2002, việc phân bổ ngân sách của Việt Nam dường như vẫn còn đó những trục trặc khiến cho các nguyên tắc về công bằng và hiệu quả chưa hài hòa với nhau.
Ông Huỳnh Thế Du – giảng viên chính sách công trường đại học Fulbright Việt Nam, diễn giải: “Nếu so Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có ngân sách lớn nhất, phần thu được của Hà Nội được giữ lại nhiều hơn, vì đó là thủ đô, có nhiều lý do để đầu tư, trong khi tỷ lệ giữ lại của TP.HCM ngày càng ít.
Một tính toán của tôi cho thấy các địa phương có khoảng cách địa lý càng xa Hà Nội thì chi tiêu ngân sách bình quân đầu tư đầu người càng thấp. Giai đoạn 2004 – 2016, thứ tự từ cao đến thấp là miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng cao hơn Đông Nam Bộ 26% và miền núi phía Bắc cao hơn đồng bằng sông Cửu Long 80%.
Đó quả thực là một điều kỳ lạ vì nếu chiếu theo hai nguyên tắc phân bổ ngân sách công bằng thì lẽ ra, nếu chọn tập trung phát triển vùng khó khăn nhất hỗ trợ, đồng bằng sông Cửu Long phải được đầu tư nhiều nhất. Còn nếu chọn nguyên tắc hiệu quả để làm cho chiếc bánh lớn hơn thì đáng lý phải đầu tư vào Đông Nam Bộ – vùng phát triển mạnh nhất, tạo ra nhiều giá trị, công ăn việc làm nhất…”.
Các ý kiến nói trên được đáp ứng ra sao?
Ngày 27-10, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội. Điểm nổi bật trong báo cáo là tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM trong năm sau dự kiến 21%, tăng thêm 3% so với giai đoạn 2016 – 2021.
Cụ thể, trong báo cáo nêu, tổng thu năm 2022, TP.HCM sẽ thu hơn 386.568 tỷ đồng, tăng hơn 21.675 tỷ đồng so với dự toán năm nay. Phần địa phương được hưởng theo phân cấp 84.121 tỷ đồng. Trong đó, phần ngân sách thành phố được hưởng 100% hơn 42.583 tỷ đồng và phần được hưởng 21% là 41.535,9 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2021, phần tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM được hưởng trong năm sau dự kiến tăng thêm 3%, tương ứng với gần 6.000 tỷ đồng. Còn tổng chi ngân sách thành phố trong năm sau dự kiến 94.051 tỷ đồng.
Có lẽ đành chấp nhận việc được thêm đồng nào, hay đồng nấy vậy (?!)