Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có nên để y tế tư nhân ‘chích ngừa dịch vụ’?

Trấn Biên

 

(VNTB) – ‘Chích dịch vụ’ dù có thể mất 3 triệu đồng cho một liều Moderna chẳng hạn, xem ra vẫn rẻ hơn rất nhiều so với xét nghiệm để có ‘giấy phép đi đường’.

 

Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã ‘đón đầu’ thị trường, qua việc đàm phán ký hợp đồng mua vắc xin ngừa Covid về trước khi Bộ Y tế phê chuẩn vắc xin khẩn cấp được sử dụng tại Việt Nam.

Ngày 24-02-2021, lô vắc xin ngừa Covid-19 theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, gồm 117.600 liều. Với lô vắc xin này, Việt Nam có được những liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên, đồng thời trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vắc xin phòng Covid-19 ở châu Âu.

Ngay lúc đó, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, mặc dù chưa có bất cứ văn bản chính thức nào từ Bộ Y Tế, VNVC đã ngay lập tức chuyển giao vắc xin cho Bộ Y Tế, phối hợp Bộ Y Tế kịp thời triển khai tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch ở 13 tỉnh thành trên toàn quốc.

Tuy nhiên thời điểm quý 1-2021 thì chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn ‘thờ ơ’, và gần như chuyện chích ngừa Covid trong dân chúng không thấy bàn luận cho việc thực hiện. Nhiều lo lắng cho ‘canh bạc’ đặt mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca sẽ sớm dẫn đến thua lỗ.

Thế rồi biến chủng Delta và những quyết sách rất nhanh chóng của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khiến thị trường vắc xin ngừa Covid của Việt Nam lâm tình cảnh cung không đủ cầu. Phía VNVC đồng ý chuyển nhượng với giá gốc hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca cho chính phủ.

Hiện tại thì việc tiêm vắc xin ngừa Covid thêm vài thương hiệu khác đến từ Mỹ, Trung Quốc và sắp tới là của Nga. Tất cả đều được tiêm miễn phí cho toàn dân.

Xoay quanh luận bàn có nên mở rộng việc để y tế tư nhân như VNVC, các bệnh viện tư nhân tham gia vào ‘chích dịch vụ’, tức có thu phí đối với người đến chích – tạm gọi tên “vắc xin dịch vụ”, đang có những ý kiến ‘chỏi’ nhau đến mức được nâng lên tầm ‘chính trị hóa’.

Thứ nhất, ý kiến phản đối có lập luận như sau: với vắc xin dịch vụ, hiệu quả cho xã hội có thể được cải thiện, nhưng đánh đổi sẽ là bất công và bất bình đẳng.

Người nghèo hơn lúc đó có thể ca thán rằng ở trên đất nước của Bác Hồ, nhưng tôi không có những tờ giấy in hình Bác (tiền) mà tôi phải dùng hàng như vậy (chẳng hạn vắc xin Trung Quốc), trong khi cái tốt được dồn cho người khá giả hơn. Như vậy công bằng xã hội là cái chi chi.

Những người làm chính sách nên nhớ rằng, xã hội đã rất bức xúc qua cái vụ được tiêm vắc xin xịn ‘nhờ ông ngoại’ rồi. Nếu cho phép cơ chế được tiêm vắc xin xịn nhờ có tiền thì sự bức xúc ắt hẳn sẽ lớn hơn rất nhiều. Trong trường hợp này, không cần tự mày mò ra giải pháp, mà chỉ cần học hỏi các nước đi trước, những nơi được xem là cái nôi của kinh tế thị trường như Mỹ chẳng hạn. Họ dựa trên nền tảng thị trường, nhưng theo cách rất khác.

Ở Mỹ, tất cả những nơi có khả năng tiêm vắc xin đều được sử dụng để tiêm cho toàn dân. Vắc xin được phân phối miễn phí cho các cơ sở y tế và các cơ sở này yêu cầu nhà nước trả cho họ phí tiêm dựa trên số mũi tiêm được. Người tiêm vắc xin không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ có thông báo một cách rõ ràng nếu một ai đó yêu cầu trả tiền cho việc tiêm vắc xin thì đó là lừa đảo. Nhà nước trả tiền cho việc tiêm vắc xin để cả nước (Mỹ) đạt được miễn dịch cộng đồng.

Thứ hai, với một thể chế chính trị đơn nguyên thì bàn chuyện công bằng xã hội là vô nghĩa. Ví dụ, tiêu chuẩn phải là đảng viên mới có thể thăng quan tiến chức trong bộ máy hành chính là điều ai cũng biết.

Tỉnh Bình Dương hôm 5-8 đã ‘tăng tốc độ’ chích ngừa Covid lên gấp 6 lần so trước đó với lý do đơn giản: cơ sở y tế nhà nước không còn độc quyền việc thực hiện chích ngừa Covid nữa.

Giả dụ Sài Gòn có nhiều doanh nghiệp y tế tư nhân được quyền thỏa thuận nhập vắc xin ngừa Covid như VNVC, thì chắc hẳn rằng những công ty đang phải “3 tại chỗ – 2 cung đường” sẽ không phải đợi chờ, hay chạy vạy các mối quen biết với ‘bề trên’ để được ‘dành suất’ chích vắc xin cho toàn bộ công nhân của họ.

Số là từ khi bùng dịch đến nay, rất nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất đã nhờ báo chí lên tiếng rằng họ sẵn sàng trả tiền mua vắc xin về chích cho người lao động của mình, chỉ mong là được nhanh chóng để sản xuất không bị đình đốn.

Bài toán đơn giản sau đây sẽ thuyết phục hơn các lập luận hàn lâm về chính trị: Thảo, một cô bạn đang làm việc ở một tập đoàn Thái Lan tại Đồng Nai kể với người viết rằng, cứ 3 ngày một công ty con của tập đoàn nơi cô làm việc lại mất 80 triệu đồng để tầm soát nhanh Covid cho công nhân.

Đâu chỉ vậy, hàng chục ngàn lái xe, những người vẫn đang bị đè ra sau mỗi 2 – 3 ngày để chọc mũi, chọc họng lấy dịch với mức giá 800 ngàn đồng để được cái giấy xét nghiệm.

Những người lao động này, người viết tin chắc họ sẵn sàng bỏ tiền ra ‘chích dịch vụ’, nếu nhà nước cho phép, vì ‘chích dịch vụ’ dù có thể lên đến 3 triệu đồng cho một liều Moderna chẳng hạn, xem ra vẫn rẻ hơn rất nhiều so với xét nghiệm để có ‘giấy phép đi đường’.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc mua 100 triệu liều vắc xin BioNTech

Phan Thanh Hung

VNTB – Doanh nghiệp châu Âu rục rịch chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Những ai đã chích ngừa Covid sẽ dễ bị biến thể Omicron lây nhiễm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.