Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Thời gian gần đây, báo chí và FB sôi nổi tranh luận việc đưa Hán Nôm vào trường phổ thông, khởi lên từ bài báo của TS.Đoàn Lê Giang đăng trên Tuổi Trẻ và Vietnamnet. Trang điện tử VNTB của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đã đăng hai bài trao đổi về chủ đề đó. Kỳ này đăng bài của nhà giáo Phùng Hoài Ngọc – hội viên Hội nhà báo độc lập.
Xin nói rõ hơn về nguồn gốc của chủ đề thảo luận gần nửa tháng qua.
“Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại” là chủ đề Hội thảo quốc gia lần đầu tiên do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 27-8, tại Hà Nội. Hội thảo thực sự do Viện Hán Nôm chủ trì, mời các viện, trường đại học và những cơ quan khác có liên quan chữ Hán Nôm trong toàn quốc tham dự.
Hội thảo đã nghe 45 tham luận của các nhà khoa học 3 miền Bắc Trung Nam bàn luận về những sự kiện văn hóa Hán Nôm nổi bật đang thu hút sự chú ý của xã hội và giới truyền thông, như: Việc phát ấn (ấn vua là con dấu chữ Hán) tại một số lễ hội, phong tục xin chữ Hán về thờ và treo; Cái ấn Hoàng thành Thăng Long bằng gỗ mới đào được chưa xác thực nhưng Hà Nội quyết tổ chức “phát ấn” (đóng vào tờ giấy, phát cho người xin cầu may mắn); giá trị của nguồn tư liệu Hán Nôm đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kể cả chủ quyền Biển Đông và chủ quyền đất nước nói chung… Các tham luận cũng bàn về phương án phát huy giá trị, vai trò của Hán Nôm đối với chính sách văn hóa và quản lý văn hóa; với việc giáo dục và sự phát triển Hán Nôm trong đời sống đương đại.
Từ Hội thảo trên dẫn đến bài báo của Ts.Đoàn Lê Giang:“Cần dạy chữ Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Trong bài phỏng vấn của VNTB, chúng tôi đã trình bày quan điểm về vấn đề này.
Để bạn đọc khỏi hiểu lầm dẫn đến tranh luận lạc đề, chúng tôi xin nói rõ như sau:
Trong Hội thảo, nhóm chủ đề chót được bàn thảo là giáo dục và phát triển“Hán cổ văn và chữ Nôm”, vì bài báo không nói rõ mục tiêu và giới hạn khiến nhiều người hiểu lầm đó là học một ngoại ngữ thường gọi “Hán ngữ, Trung văn, Tiếng Trung, Hoa ngữ, Ngữ văn Trung Quốc”. (Các khoa tiếng Trung và các Trường đại học ngoại ngữ không tham gia hội thảo này vì nội dung không thích hợp).
SƠ LƯỢC NHỮNG Ý KIẾN PHẢN BÁC
Chúng tôi tạm gom ý kiến phản bác đa dạng vào ba nhóm:
Nhóm a– Rằng, nhà cầm quyền việt Nam chủ trương đưa tiếng Hán vào Việt Nam để chuẩn bị lộ trình “Nhập Trung” theo “mật ước Thành Đô”.
Nhóm b– Rằng, người Việt hiện đại chẳng cần biết tiếng Hán cũng vẫn giỏi tiếng Việt. Bây giờ chỉ cần học tiếng Anh mang lại lợi ích cụ thể. Đưa Hán văn vào trường học là vô bổ,vô ích.v.v…
Nhóm c- Rằng, đưa chữ Hán vào phổ thông làm cho chương trình thêm nặng, bất khả thi vì thiếu GV dạy và tốn kém.v.v…
Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI:
Phản biện nhóm a: “Nhà cầm quyền chủ trương đưa tiếng Hán vào Việt Nam để chuẩn bị lộ trình “Nhập Trung” thực hiện “Mật ước Thành Đô”.
Tôi tin chắc giới lãnh đạo cấp cao không quan tâm chuyện Hán Nôm, bởi bất khả tri nên bất khả luận (nhìn danh sách ủy viên BCH trung ương khóa này thì biết rõ điều đó). Họ phải lo bao chuyện đa đoan nhức nhối liên quan mạng sống về chính trị, căng thẳng về kinh tế xã hội. Các món nợ xấu ngập đầu trung ương. Hội đồng “lý luận trung ương” thì lo lắng “xây dựng lý thuyết cộng sản và định hướng XHCN” cũng đủ thắt họng rồi.v.v…
Thực ra người đầu tiên nêu chủ trương đưa Hán Nôm trở lại phổ thông cách đây 20 năm là GS ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo. Cố GS Hạo thành thạo nhiều ngoại ngữ, như Hán, Pháp, Anh, Nga, đã dịch thuật nhiều tác phẩm kinh điển thế giới và đào tạo nhiều thế hệ ngôn ngữ học nước ta. Từ ấy đã có những hội thảo Hán Nôm lẻ tẻ ở các trường đại học cũng đề xuất nhà nước đưa Hán Nôm vào phổ thông. Đặc biệt kỳ này hội thảo quốc gia gom được hầu hết đại biểu chuyên gia Hán Nôm cả nước.
Tóm lại, đây là hội thảo chuyên môn học thuật và văn hóa thuần túy có liên quan kinh tế du lịch, lễ hội, tôn giáo và nhà trường, không dính dáng trực tiếp chính trị.
Do hiểu lầm, những người có tinh thần dân tộc hơi nóng vội đã tha hồ mạt sát các nhà nho hiện đại rằng họ chủ trương “bán nước, làm nô lệ cho Tàu cộng”.v.v…
Ngôn ngữ có ba chức năng cơ bản: giao tiếp, tư duy- miêu tả thế giới- truyền tải kiến thức kinh nghiệm và biểu lộ tình cảm, cảm xúc.
Giới khoa học thế giới khẳng định từ lâu rằng ngôn ngữ không có tính chính trị.
Tuy nhiên trong quá khứ, nhà cầm quyền đã coi ngôn ngữ là công cụ chính trị, đã can thiệp việc truyền bá ngoại ngữ một cách nông nổi cụp giựt khiến tình trạng ngoại ngữ ở miền Bắc lộn xộn và kém hiệu quả, gây thiệt hại lãng phí lớn lao sâu sắc. Cắt đứt tiếng Pháp từ sau 1945 còn để Hán cổ văn trong thời kháng chiến. Sau 1954, cắt đứt tiếp Hán cổ văn, đưa tiếng Nga và tiếng Trung vào phổ thông. Đến khoảng năm 1970 đưa tiếng Anh vào trung học song song tiếng Nga, Trung. Đến 1979 do mâu thuẫn với Trung Quốc thì cắt đứt tiếng Trung, đến 1991 không ai chiụ học tiếng Nga nữa thì đóng cửa tiếng Nga. Như vậy từ 1991 phổ thông toàn quốc đều học tiếng Anh (riêng miền Nam học tiếng Anh liên tục từ trước 1975 và một ít tiếng Nga sau 1975 nhưng chưa phủ kín hết các trường). Chính sách ngoại ngữ phổ thông ở Miền Bắc thay đổi tùy tiện theo quan hệ chính trị như trên khiến trình độ tiếng Anh phổ thông non yếu, thua kém miền Nam chênh lệch thấy rõ, phải mất nhiều năm mới đuổi kịp (* Kết quả thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tú tài và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 cho một con số trung bình giật mình là 3,48 điểm, thấp nhất trong các môn thi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do quản lý ngành giáo dục yếu kém).
Phản biện nhóm b: “chẳng cần biết tiếng Hán cũng giỏi tiếng Việt, chỉ cần học tiếng Anh mang lại lợi ích cụ thể. Đưa Hán văn vào trường học là vô ích, vô bổ. v.v…”.
Đây là nhóm quan điểm mang tính thực dụng, không chú trọng tính văn hóa. Họ không chứng minh được bổvà vô bổ về ngôn ngữ, ngoại ngữ là thế nào, ngoài dẫn chứng rằng tiếng Anh mang lại công ăn việc làm cụ thể.v.v…
Nhóm người tự tin mình vẫn thành thạo tiếng Việt dù không biết chữ Hán. Khả năng“thành thạo tiếng Việt” của họ tới mức độ nào thì khó đo lường, khó định lượng, rất tương đối. Tôi tin đó là những người lớn tuổi, có năng khiếu ngôn ngữ, từng trải thực tế đọc-nói-viết nhiều. Tuy nhiên, tôi tưởng tượng rằng nếu những vị ấy biết Hán văn cơ bản thì họ còn thành thạo hơn thế nữa kia.
Nêu một ví dụ vui của Việt ngữ: Ngày xưa khi nói về người giỏi Hán văn, người ta trầm trồ “Cụ ấy thâm nho lắm”. (thâm: sâu, sâu sắc, giỏi, thạo). Giới ít chữ và kẻ võ biền đố kỵ với giới có học thì nói “Lão ấy thâm nho lắm”. Thế là “thâm nho” bị chuyển nghĩa 180 độ thành “mưu mô, đểu”… Vô vàn trường hợp dở khóc dở cười khác. Trong giao tiếp, bất đồng ngôn ngữ ắt sẽ sinh ra mâu thuẫn, vì kẻ nói và người nghe hiểu từ ngữ khác nhau, sẽ không hiểu nhau. Các chuyên gia Hán Nôm nghĩ đến một tương lai cộng đồng nói viết đều hiểu nhau, tiếng Việt ít bị lộn xộn hơn, giàu có hơn (như vốn có). Đó là thiện chí của họ, xin đừng ném đá lung tung.
Khi phần lớn dân tộc ta đã nhận ra nguy cơ Trung cộng xâm lược bành trướng, hơn chục năm qua những người yêu nước đã nêu ra chủ trương“Thoát Trung”. Từ ngữ này có thể gây ngộ nhận, tôi đề nghị xác định“Thoát Trung Cộng” chính xác hơn, tránh nhận thức mơ hồ và cực đoan, giận cá chém thớt. Hai chữ “thoát Trung”cũng gần với “thoái Trung”, nhưng “thoát” (cởi bỏ, vứt đi), mạnh mẽ hơn “thoái” (lui, nhường). Ngay cả tập đoàn Trung cộng cũng tàn phá suy bại nền văn hóa Hán văn của đất nước họ.
Tôi xin tạm gọi hơn chục năm lại đây là giai đoạn VIỆT NAM TRANH LUẬN. Nhờ mạng internet người ta có diễn đàn rộng hơn, thuận tiện hơn để tranh luận thoải mái hơn. Tranh luận từ những vấn đề cốt tử đất nước như bỏ hay giữ điều 4 Hiến pháp, thay đổi thể chế chính trị, đổi tên nước, coi lại chức năng quân đội công an… đến chuyện vợ chồng tranh cãi khi dạy con, bạn hữu tranh luận, thầy trò cũ tranh luận. (Tuy nhiên thầy- trò hiện tại trong nhà trường XHCN thì vẫn là…thầy nói trò cấm cãi. Cãi thì liệu hồn rớt! Họp chi bộ vẫn là bí thư độc thoại, đảng viên cấm cãi, cãi thì liệu hồn xếp loại ĐV không trong sạch, không vững mạnh). Nhìn chung, ngày nay đúng là giai đoạn Việt Nam Tranh Luận. Đảng Cộng sản thích hay sợ giai đoạn này- tôi không biết. Sau này các nhà viết sử cần chọn một cái tên đặt cho giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu 21, có thể gọi là VIỆT NAM TRANH LUẬN. Xin đừng lấy danh ngôn của TBT Nguyễn Phú Trọng rằng hiện giờ là giai đoạn “Rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam” và giai đoạn “Dân ngày càng tin Đảng” làm tiêu đề phân kỳ lịch sử, ắt sẽ bị hậu thế coi là xuyên tạc lịch sử đấy.
Phản biện nhóm c: “đưa chữ Hán vào làm cho chương trình thêm nặng, bất khả thi vì thiếu GV dạy, kinh phí tốn kém..v.v…”.
Nhóm bạn đọc đồng tình đưa Hán Nôm vào phổ thông là có ích cho nền văn hóa dân tộc nhưng cho rằng bất khả thi.
Chúng tôi đã đưa ra một phương án khả thi “Tích hợp lồng ghép Hán cổ văn vào môn tiếng Việt” trong bài phỏng vấn của phóng viên VNTB (đăng trên VNTB tuần trước).
Do đó sẽ không tốn kém đáng kể, chỉ cần tập trung gia công cho bộ môn Tiếng Việt.
Nhìn chung một bộ phận trí thức trên cả hai lề baó chí vui mừng và lạc quan về đề xuất của ngành Hán Nôm.
NGƯỜI THỰC DÂN PHÁP ĐÃ TỪNG COI TRỌNG HÁN CỔ VĂN TRƯỚC KHI CHÍNH QUYỀN VÔ SẢN VỨT BỎ VỘI VÀNG*[1]
Gs Nguyễn Huệ Chi cho biết“Một nhà triết học nổi tiếng của Pháp hình như là Jacques Derrida (1930-2004), trong các công trình giải cấu trúc luận, khi phản bác ký hiệu học cổ điển coi trọng phần âm mà coi nhẹ phần chữ, đã từng lưu ý rằng chữ tượng hình là thứ ngôn ngữ chứa đựng trong từng chữ cả một kho tư tưởng, khác với chữ ký âm, đọc vào chỉ là đọc con chữ hời hợt và không thu nhận được một chút tư tưởng gì. Hay nói như nhà ngôn ngữ học phương Đông người Pháp Jean-François Champollion (1790-1832):“Chữ tượng hình là một hệ thống phức hợp, một thứ văn tự mang cùng lúc cả tính tượng hình, tính tượng trưng, cả năng lượng ngữ âm, ngay trong một văn bản, trong một câu, thậm chí gần như trong cùng một từ”.
Dưới thời Pháp thuộc, Nha học chính Đông Pháp đã tổ chức thành công bộ sách Hán văn tân giáo khoa thư, 6 tập, do Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi soạn, cùng với bộ Quốc văn giáo khoa thư, 6 tập, do nhóm Trần Trọng Kim soạn, được dùng cho cấp tiểu học cho đến tận 1945. Người Pháp thực dân hẳn phải đánh giá lịch sử văn hóa văn minh của dân tộc chúng ta như thế nào sau khi đã lắng nghe nhiều kiến nghị của trí thức bản xứ, mới chấp nhận một chương trình giảng dạy có thêm hai phần như đã nói vào chương trình giáo dục Pháp – Việt ở bậc học 6 năm đầu tiên.
“Trước năm 1945 ở nước ta, sau khi thực dân Pháp bỏ các kỳ thi chữ Hán thì chữ Hán vẫn được giảng dạy trong nhà trường, mỗi tuần 1-2 tiết. Tuy số tiết học ít ỏi nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai, viết sai tiếng Việt và để tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người” (Dẫn lại ý kiến Ts. Đoàn Lê Giang).
Nhiều bạn đọc không kỹ hoặc cắt xén ý kiến tác giả, đã cắt hai chữ “góp phần” chỉ còn “tạo nên cốt cách con người”và họ giãy nảy lên rằng không biết chữ Hán thì không thành người hay sao, còn phương Tây thì sao ? vân vân…(Tôi cụng viết còm rằng: ai bảo anh lỡ sinh ra trong cái nôi văn hóa Việt Nam ?!).
Trong chương trình phổ thông, Tiếng Anh và Hán Nôm song song là hai môn khác biệt, như “nước sông không phạm nước giếng”. Người sử dụng tiếng Anh khi cần thiết dịch ngược (Việt- Anh) nếu không rành Hán văn có thể dịch không chính xác. Vậy là Hán cổ văn còn giúp ích trực tiếp hiệu quả cho việc sử dụng tiếng Anh.
Học chữ Hán Nôm cần có tự điển và từ điển, hiện nay thị trường có sẵn, rẻ, dễ mua. Tuy nhiên không dễ dùng như từ điển abc của các ngôn ngữ phương Tây. Nhiều người có nhu cầu tra chữ, thỉnh thoảng, nhưng không thể tra được. Muốn tra từ điển Hán tự cần phải được chỉ dẫn cả vài tháng, tức là cần học cơ bản chữ Hán xong tạm gọi là có chứng chỉ A. Nhu cầu chữ Hán đa dạng, cao thấp nhiều ít khác nhau, có thể học hoặc tự học theo kiểu cách khác nhau, đạt các mức độ khác nhau. Sau đây là đề xuất của PGS. Nguyễn Hồng Cổn.
PGS.Nguyễn Hồng Cổn nguyên Trưởng khoa ngôn ngữ học ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho rằng nên dạy chữ Hán cho học sinh trung học phổ thông để người Việt biết ý nghĩa và cách sử dụng các từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt. Có thể dạy khoảng 1.000 chữ (1 năm học khoảng 300 chữ) cho học sinh THPT. Tốt nghiệp tú tài các em biết 1000 chữ. [Tác giả khác đề nghị cho cả học sinh trung học cơ sở, thậm chí tiểu học, bắt đầu học vài trăm chữ, tối đa 500 chữ].
Trình độ Hán cổ văn phân hạng từ cao xuống thấp:
Trình độ 4 là trình độ cao: biết viết, đọc, hiểu, dịch được các văn bản chữ Hán khó, phức tạp (trước tác cổ điển, văn bia…). Đây là trình độ cử nhân Hán Nôm (PHN chú).
Trình độ 3 là trình độ khá: biết viết, đọc, hiểu được các văn bản chữ Hán đơn giản (các câu thành ngữ, tiêu đề văn bia, tên đền đài, miếu mạo…). Đây là trình độ cử nhân Ngữ văn (PHN chú)
Trình độ 2 là trình độ cơ sở: biết viết, đọc, hiểu được các chữ Hán thường gặp trong tiếng Việt (số lượng khoảng trên dưới 1000 chữ?). Tra từ điển thành thạo. Trình độ tú tài tương lai (nếu đưa Hán cổ văn và chữ Nôm trở lại phổ thông) và trình độ tự học.
Trình độ 1 là trình độ đại chúng: không viết, đọc hiểu được chữ Hán nhưng biết ý nghĩa và cách sử dụng các từ ngữ gốc Hán (từ ngữ Hán Việt) trong tiếng Việt. Biết tra từ điển Hán -Việt.
Bảng phân loại trên giúp người học tùy theo nhu cầu, khả năng và hứng thú mà tự chọn cách học thích hợp.
KẾT
Nhân đây xin nhắc đến hai nhà nho, một truyền thống, một hiện đại.
Cụ Trần Trọng Kim nhà chính trị, nhà giáo soạn sách giáo khảo, biên khảo, nhà dịch thơ kiệt xuất. Cụ xuất thân trong một gia đình Nho giáo từ nhỏ học Hán văn. Năm 1897, cụ học Trường Pháp-Việt tỉnh Nam Định đương nhiên học tiếng Pháp. Năm 1900, cụ thi đỗ vào Trường Thông ngôn, tốt nghiệp năm 1903, đi dạy trường trung học và sư phạm. Cụ Trần với nhãn quan uyên thâm Đông Tây, được coi là người nêu ra nhận định sớm nhất về bản chất của Việt Minh và người cộng sản. Trong “Thư gửi Hoàng Xuân Hãn năm 1947”cụ viết “Tôi vẫn biết việc chống với Pháp chỉ có V.M.(Việt Minh) mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cộng-sản. Họ chỉ có một mục-đích là thi hành chủ nghĩa của họ, họ dùng đủ phương diện để đưa người ta vào cái chòng của họ. Sự hành động của họ ở bên ta cũng như bọn cộng sản đã dùng ở bên Tàu và ở các nước khác, đều theo một lối đúng nhau như hệt. Họ không cần quốc-gia, không cần đạo-đức, nhưng có nhiều người tin ở nghĩa quốc gia, thì họ lợi dụng cái nghĩa quốc gia để đạt cái chủ-nghĩa của họ. Lừa dối xảo quyệt đủ đường, cho nên người ta dễ mắc lừa lắm”.
Tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu làm nghiên cứu sinh TS ở Tiệp khắc (Slovakia) thành thạo một ngôn ngữ Đông Âu, sau lại tự học Hán cổ văn và nổi tiếng với những câu đối Hán văn dạt dào cảm hứng chính trị, chuẩn mực điêu luyện và lãng mạn chục năm qua. Nhà nghiên cứu Hà Sĩ Phu đóng góp quan trọng vào tiến trình Đổi Mới đất nước với công trình nghiên cứu “Chia tay ý thức hệ” (1989) và tùy bút triết học chính trị“Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Cách đây hai bữa, ông viết bài “Hán văn là một bộ phận cấu thành của tiếng Việt” đăng trên BVN. “Hán văn là một trong hai nguồn gốc tạo ra tiếng Việt, tiếng Việt được cấu thành bởi hai bộ phận: tiếng thuần Việt và tiếng Hán Việt… Hán văn không phải của Tàu mà vốn của Việt Nam (*[2]) hoặc đã Việt hóa thành của Việt Nam. Hiểu biết Hán văn không chỉ nhằm hiểu quá khứ mà chủ yếu phục vụ hiện tại…Và điều này mới quan trọng: Hán văn không phải công cụ để nô lệ Tàu mà là công cụ chống Tàu xâm lược”.
Theo kinh nghiệm riêng, học sinh trung học cơ sở học Hán cổ văn song song với môn hình học và sẽ rất thuận lợi. Trong khi viết Hán tự cần “vẽ” liên tục các nét vuông, thẳng đứng,chéo hai bên, cong, tròn, chấm cũng là những thao tác tương ứng với môn hình học sơ cấp. Viết Hán tự sẽ góp phần phát huy năng lực hội họa phổ thông, mặt khác thêm dịp rèn tính nết và tư duy. Câu thành ngữ xưa “Nét chữ là nết người” phù hợp nhất với viết Hán tự.
Nhìn chung, tôi tin rằng ở đời học được chữ nào hay chữ ấy. Hán cổ văn và chữ Nôm- những con chữ sinh động mà cái hồn của nó đã hoà tan trong nền văn hóa truyền thống phong phú đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.