L.T.S (VNTB) Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH-DNNN) là cách tạo động lực để “toàn dân làm kinh tế”, bởi theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong ý kiến chỉ đạo vào đầu năm nay rằng, “Nhà nước lấy được tiền về, DN tư nhân thay thế. Tư nhân là nhân dân, toàn dân làm kinh tế thì mới thắng lớn được”.
Theo kế hoạch CPH thì trong giai đoạn 2014 – 2015, tổng số DNNN cần cổ phần hóa là 432 DN. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt thì đó là một kế hoạch “rất thách thức.” Bởi nhìn vào số lượng DNNN đã cổ phần hóa ở giai đoạn trước đó (2011-2012, 2011- 2013, 2011-2014) thì bình quân một năm, cổ phần hóa chỉ ở mức 12 DN, 33 DN, 60 DN. Trong khi số DN phải cổ phần hóa năm 2015 là 289 DN, cao hơn rất nhiều so với bình quân năm ở các giai đoạn trước. Trong khi đó, 2015 là năm cuối của “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.
Một trong những nguyên nhân khiến cho CPH gặp thách thức chính là nằm ở sự “chây ì”, bởi CPH chính là cải cách DNNN – nó động chạm trực tiếp đến quyền lợi của những nhóm lợi ích. Thế nên, CPH gặp sự phản ứng, và ở mức độ nào đó, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận là ngay trong DNNN đã được CPH thì “tỷ trọng cổ phần hóa trong các doanh nghiệp này còn rất thấp; đặc biệt, là các tập đoàn lớn, thậm chí, có những tập đoàn đã cổ phần hóa nhưng không đến 5%.”
Để một lần nữa nhìn nhận lại vấn đề vì sao phải tiến hành CPH DNNN cũng như được mất khi thực hiện điều đó, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết của tác giả Triệu Tùng Chi gửi đến VNTB.
VNTB – Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: được gì, mất gì?
Triệu Tùng Chi (VNTB) Khi mất quyền sở hữu các doanh nghiệp, nhà nước cũng mất luôn quyền bổ nhiệm, bố trí cán bộ (giám đốc, các cán bộ chức năng) mà quyền này bây giờ thuộc về hội đồng quản trị. Do đó các cán bộ cốt cán, tuyệt đối trung thành với Đảng và sự nghiệp của Đảng không thuộc diện ưu tiên khi xét tuyển và bổ dụng.
Nhà nước được gì khi cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước?
Khi CPH các xí nghiệp làm ăn thua lỗ nhà nước chỉ có lời, nhưng số người lao động dôi dư ra (thất nghiệp) thì sẽ nhiều thêm. Họ là những ai: Những giám đốc bất tài vô dụng, những người không có chuyên môn vững, những công nhân không lành nghề. Họ muốn được làm việc. Xin mời, nhưng họ phải có đủ trình độ. Nền kinh tế thị trường XHCN sẽ giúp họ đào tạo lại chuyên môn với một phí tổn ít nhất.
Khi CPH-DNNN, mọi thành viên đều có thể mua cổ phần tùy theo khả năng tài chính của mỗi người. Đây cũng là một điều lợi cho tình hình tài chính quốc gia”có thể huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng”. Về mặt kỹ thuật, để làm được điều này chúng ta phải tổ chức được thị trường chuyển nhượng cổ phiếu. Các cổ phiếu đã mua phải được bảo đảm bằng luật pháp, được quyền thừa kế, thế chấp, mua bán trong luật định. Có như vậy mọi người mới sẵn lòng mua cổ phần và chính điều này sẽ tạo thuận lợi cho tiến trình cổ phần hoá. Đây có thể là nguyên nhân chính yếu làm chậm quá trình cổ phần hoá vì chúng ta mơí có thị trường chứng khoán. Cho đến nay chúng ta đã có thị trường chứng khoán nhưng số các công ty có cổ phần giao dịch lại quá ít ỏi. Việc cổ phần hoá nhanh hay chậm sẽ thúc đẩy hay kìm hãm tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Khi CPH-DNNN. Ban lãnh đạo doanh nghiệp mới sẽ là hội đồng quản trị (HĐQT) được bầu ra trong đại hội cổ đông. HĐQT sẽ định ra sách lược hoạt động của công ty trong đo có cả phần nhân sự giám đốc. Tất cả các ứng viên có khả năng sẽ được thi thố trong quá trình tuyển dụng và tất nhiên sẽ chọn được giám đốc điều hành và các nhân viên nghiệp vụ có khả năng nhất. Vì xí nghiệp, công ty là tế bào của nền kinh tế thị trường nên khi tế bào có vững mạnh thì toàn bộ cơ thể kinh tế mới phát triển bền vững. Nhà nước sẽ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho mọi tế bào thành viên của nền kinh tế phát triển và sẽ thu thuế thông qua luật thuế. Sẽ không còn chuyện nợ thuế, nợ thu ngân sách và nợ lòng vòng giữa các DNNN với nhau nhưng sẽ có chuyện gian lận thuế. Để tránh tình trạng này, nhà nước cần phải có chính sách thuế rõ ràng và điều quan trọng là phải có lực lượng kiểm toán tinh thông nghiệp vụ và có đủ phẩm chất. Nhà nước phải trả lương tốt và phải có các biện pháp chế tài cho lực lượng kiểm toán viên và nhân viên thu thuế để không xảy ra tình trạng tham nhũng trong lực lượng này.
Khi không còn các xí nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước, bộ máy hành chính của nhà nước sẽ nhẹ hẳn, phần biên chế hiện tại để quản lý hàng loạt các xí nghiệp từ trung ương đến địa phương của từng ngành từng cấp sẽ biến mất. Các cơ quan chức năng sẽ chỉ làm các công việc quản lý hoạt động kinh doanh, điều tiết và thu thuế, tài phán các tranh chấp kinh tế, thanh tra giám sát các biểu hiện gian lận và trốn thuế. Các hoạt động thuần túy nghiệp vụ này sẽ đơn giản hóa bộ máy hành chính của nhà nước. Nguồn thu ngân sách chủ yếu của nhà nước sẽ là thuế và chính vì vậy tội trốn thuế, gian lận thuế sẽ là một tội danh hình sự. Về mặt đạo đức, tội trốn thuế là tội ăn cắp. Sẽ không còn các công ty kinh doanh trực thuộc bộ này bộ nọ hoặc trực thuộc các cơ quan ban ngành này nọ. Và nhà nước sẽ không còn phải nai lưng ra gánh nợ và bù lỗ hoặc trả lương cho các đơn vị này. Mọi công ty, mọi doanh nghiệp sẽ hoạt động theo luật doanh nghiệp. Sẽ không còn các đơn vị doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên và các vị giám đốc bất tài vô dụng làm thiệt hại cho nhà nước bấy lâu sẽ không còn đất dụng võ.
Vẫn còn có các DNNN làm ăn có hiệu quả, nộp đủ ngân sách cho nhà nước bấy lâu nay. Nhưng nếu xét thật toàn diện theo luật doanh nghiệp về vốn cố định (nhà xưởng, thiết bị máy móc) và vốn lưu động cùng với lượng tiền lương khổng lồ phải chi trả trong các xí nghiệp này thì chưa hẳn các xí nghiệp đó đã có lãi và phần lỗ lại thuộc về nhà nước.
Nhà nước mất gì khi CPH các DNNN hay những điều đáng quan tâm khi CPH.
Nhà nước sẽ mất quyền sở hữu các doanh nghiệp này, sẽ mất nguồn thu ngân sách bấy lâu nay, sẽ mất đi một lượng biên chế khổng lồ, sẽ thừa ra một loạt cán bộ cơ hữu vốn đã hoạt động trong các doanh nghiệp này trong đó có các cán bộ Đảng và đoàn thể mà khi cổ phần hoá các doanh nghiệp mới có thể không sử dụng. Các tài sản của nhà nước (công sản) sẽ được bán đi (CPH) và chỉ có thể thu lại một phần giá trị của nó bởi qua thời gian hoạt động các tài sản này đã bị mất đi một phần giá trị. Và cũng trong quá trình hoạt động một phần nào đó của tài sản này đã bị “bay hơi”. Nếu không bán được nhanh thì tỷ lệ bay hơi này sẽ tăng theo thời gian.
Khi mất quyền sở hữu các doanh nghiệp, nhà nước cũng mất luôn quyền bổ nhiệm, bố trí cán bộ (giám đốc, các cán bộ chức năng) mà quyền này bây giờ thuộc về hội đồng quản trị. Do đó các cán bộ cốt cán, tuyệt đối trung thành với Đảng và sự nghiệp của Đảng không thuộc diện ưu tiên khi xét tuyển và bổ dụng. Cũng có thể nói được rằng trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá khó có thể có một tổ chức chính trị như Đảng, đoàn thanh niên hoạt động. Mọi hoạt động trong doanh nghiệp mới sẽ thuần tuý về kinh tế. Vậy các đoàn thể nào sẽ nắm và lãnh đạo trực tiếp một bộ phận của giai cấp công nhân ở đây?. Vai trò của Đảng cộng sản trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá như thế nào?. Nếu tính số doanh nghiệp được CPH nằm trong các doanh nghiệp tư nhân thì con số này sẽ không nhỏ. Và lực lượng công nhân lao động sẽ không ít trong số đó có các đảng viên, đoàn viên. Họ sẽ sinh hoạt ở đơn vị tổ chức nào?
Đây cũng là một cái mất phải tính đến để bố trí sinh hoạt cho các lực lượng này. Một tổ chức có thể hoạt động được nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động là tổ chức công đoàn. Nhưng trong các xí nghiệp đã CPH hoạt động theo luật doanh nghiệp liệu các công doàn này có thể phát huy được hiệu năng của mình không hay sẽ bị tha hoá. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động công đoàn này như thế nào, công khai hay bí mật. Nếu công khai, thì ai có quyền và luật nào sẽ cho phép thành lập chi bộ Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Còn nếu không công khai thì là bí mật, và như vậy liệu có phạm vào luật và các quy định của doanh nghiệp hay không. Hầu hết các bài viết trước đều né tránh vấn đề này. Khi Đảng không còn nắm được lực lượng lao động này (phải nói là không nhỏ) thì việc phát triển Đảng có bị hạn chế hay không?. Đảng có bị thu hẹp quyền lãnh đạo hay không?. Tất cả những băn khoăn trên có thể được cho là cái có thể mất khi cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Đảng phải thay đổi hay sửa đổi điều lệ của mình như thế nào để có thể phù hợp với thực tế khách quan này. Đây là một bài toán khó giải và làm nhiều người băn khoăn nhất khi cân nhắc chủ trương Cổ phần hoá. Nhưng chúng ta hãy lấy những điển hình sau cổ phần hoá giỏi như REE và một vài công ty khác. Ở đó vẫn có các đảng viên cộng sản nòng cốt, vẫn có các tổ chức của Đảng hoạt động tốt. Chúng ta nên tổ chức các hội thảo chuyên đề về vấn đề này để đúc rút ra điển hình và nhân rộng ra các cơ sở có chọn lọc khác để tạo ra cơ sở lý luận cho công cuộc đổi mới.
Điều quan tâm thứ hai là lực lượng lao động dôi dư ra rất nhiều. Họ là những người “mất biên chế” hay nói đúng ra là họ bị thất nghiệp. Các doanh nghiệp khi đã được cổ phần chưa chắc đã thu hút hết số lao động cũ của DNNN tiền thân bởi vì họ phải làm ăn có lãi do đó phải giảm chi phí tới mức thấp nhất trên mỗi một đơn vị sản phẩm. Cách tốt nhất là tuyển chọn được những người biết làm việc trong đó có cả giám đốc. Số người không được tuyển chọn sẽ dôi ra, chắc chắn họ là những người chưa đủ khả năng ít nhất là qua các kỳ tuyển trạch. Họ muốn tuyển chọn để được trả lương, xin mời. Nhưng phải đủ tiêu chuẩn, đây cũng là một cuộc cạnh tranh gay gắt không kém cạnh tranh thị trường. Muốn đủ khả năng làm việc thì phải được đào tạo và đào tạo lại một cách thường xuyên vì công nghệ ngày càng được cải tiến và hiện đại hoá.
Nhà nước phải dành các quỹ lớn để đào tạo tay nghề cho tất cả những người lao động và các chủ doanh nghiệp phải trả lại một phần vốn đã chi cho đào tạo khi họ tuyển dụng nhân viên. Tiền này có thể được ứng trước rồi trừ dần vào lương của nhân viên được tuyển dụng thông qua thời gian tập việc. Giải quyết công ăn việc làm cho số lao động dôi dư này là một vấn đề toàn xã hội. Các quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ từ thiện, quỹ hỗ trợ việc làm cần phải có nguồn bổ sung liên tục từ các doanh nghiệp ăn nên làm ra. Số tiền đóng góp có thể được trừ vào tiền thuế của công ty.
Cần phải khuyến khích các công ty tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, nhưng cũng không vì thế mà bắt buộc các công ty phải nhận thêm những lao động dôi dư không có đủ điều kiện lao động (tay nghề, trình độ chuyên môn….). Khi CPH-DNNN sẽ xuất hiện thị trường lao động, và lao động lúc đó sẽ là một hàng hoá, phụ thuộc vào cung cầu của thị trường, được thoả thuận giữa người mua (chủ doanh nghiệp) và người bán (người lao động) theo các hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp khi thuê mướn nhân công buộc phải có hợp đồng lao động. Nhà nước căn cứ vào hợp đồng lao động để quản lý doanh nghiệp bên cạnh việc theo dõi tình hình tài chính để thu thuế. Như vậy cái mất thứ hai là đội ngũ của giai cấp công nhân sẽ bị giảm thiểu về số lượng trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, nhưng chất lượng của từng thành viên giai cấp sẽ được tăng thêm rất nhiều. Đó là những nhà quản lý tài ba, những công nhân lành nghề, những kỹ sư giỏi và có thể cả các ông chủ giỏi. Họ chính là người Việt nam đang xây dựng một nước Việt nam mới, nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam. Những cái mất đó lại cũng chính là cái được.
“Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”
Khi viết những dòng này ngoài tâm huyết của một người Việt nam đã từng cầm súng trong chiến tranh giành độc lập cho dân tộc còn là sự biết ơn của người đã được nhân dân và nhà nước đào tạo tương đối cơ bản trước những vận hội lớn lao của dân tộc. Toàn cầu hoá là một tiến trình mà hiện nay các nước tư bản phát triển đang triển khai và không thể đảo ngược. Nền tảng vật chất của nó đang hình thành với các công nghệ hiện đại: công nghệ thông tin, thương mại điện tử, vật liệu mới, bảo vệ môi trường, công nghệ nanô. Nếu như việc phát minh ra chữ viết là một phát minh cách mạng để biến việc lưu giữ và truyền bá thông tin chủ yếu từ truyền khẩu sang chủ yếu bằng văn bản để cho các thế hệ sau của loài người học được và kế thừa được văn minh của các thế hệ trước thì việc phát minh ra máy tính đã công nghệ hoá việc lưu giữ và truyền bá thông tin trong thời đại hiện nay. Thời đại mà như Mác đã tiên đoán: “Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Chúng ta có tiết kiệm được thời gian hay không để đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển ?. Điều này hiện nay chỉ phụ thuộc vào chính chúng ta mà nói đúng hơn phụ thuộc vào chính các chủ trương chính sách của chúng ta.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ làm được.