Hoài Nguyễn
(VNTB) – Các nghệ sĩ yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bổi thường thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng
Nói rõ hơn, liệu có thể quy đổi thành tiền trong đền bù phần dân sự cho thiệt hại được gây ra theo điều luật 331 của Bộ luật hình sự hiện hành?
Cơ quan Cảnh sát diều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm thực hiện. Cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị truy tố bà Hằng cùng bốn đồng phạm.
Nguồn tin cho biết Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng đã ra lệnh tạm giam đối với bà Hằng thêm 19 ngày.
Tính nhạy cảm của nghề “nghệ sĩ” (!?)
Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM).
Tổn thất dân sự đối với các bị hại trong vụ án liên quan điều luật 331 này, khá bất ngờ khi một số đương sự đưa ra các con số cụ thể như sau:
Bà Trần Thị Thủy Tiên và chồng là ông Lê Công Vinh yêu cầu bà Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,4 tỷ đồng; bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm bà Tiên và ông Vinh.
Ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất 43 tỷ đồng do các phát ngôn của bà đã xúc phạm ông.
Bà Đặng Thị Hàn Ni yêu cầu bà Hằng và đồng phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) chưa có yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bà Phương Hằng và đồng phạm phải xin lỗi do các phát ngôn xúc phạm mình. Bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà không yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi do bài viết xúc phạm hai bà.
Ông Nguyễn Đức Hiển không có yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi do các phát ngôn xúc phạm ông.
Khả thi của yêu cầu đền bù bạc chục tỷ?
Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.
Trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nguyên tắc chung thì đúng là trường hợp cá nhân đăng tải, chia sẻ các thông sai sự thật, trái pháp luật gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người khác thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, đều có quyền khởi kiện yêu cầu cá nhân đó bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài chịu trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trên, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện nay, theo Nghị quyết 69/2022/QH15 là 1.490.000 đồng.
Từ quy định cụ thể trên cho thấy yêu cầu “bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm bà Tiên và ông Vinh” là không phù hợp.
‘Drama’ đòi đền bù thiệt hại?
Giả dụ như ở phiên xét xử hình sự sơ thẩm sắp tới, phía luật sư biện hộ cho bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng số tiền bồi thường dân sự cần phải chứng minh làm rõ, nên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Nguyễn Phương Hằng, yêu cầu tách riêng vấn đề giải quyết dân sự, liệu có ảnh hưởng gì đến chuyện xét xử?
Đề xuất trên nếu có từ các luật sư trong trường hợp trên, sẽ được căn cứ theo điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, quy định “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Theo quy định này, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, trường hợp vấn đề dân sự chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, trong trường hợp vấn đề dân sự được tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự, thì nếu các bên tự thỏa thuận hoặc tòa án hòa giải và các bên thống nhất thỏa thuận được với nhau về vụ án thì tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, và có nghĩa họ không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.