Trúc Giang (VNTB) Nếu căn cứ theo nội dung của Nghị định số 01/2016/NĐ-CP, “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, thì BHXH không được xác định là loại hình của “tổ chức phi lợi nhuận”.
Nếu tin theo “những lời có cánh” của Công văn số 3758/BHXH-TT, chắc chắn NLĐ sẽ “ăn quả lừa”, mà nói như kiểu cách ngôn từ trong Công văn này, là cũng sẽ giống như NLĐ trước đây đã từng bị… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “lừa” khi mang tiền dành dụm đi gửi tiết kiệm.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn vừa ký phát hành Công văn số 3758/BHXH-TT, về “Định hướng nội dung tuyên truyền trọng điểm” theo hướng người lao động (NLĐ) tham gia BHXH để hưởng lương hưu, sẽ có lợi hơn hẳn so với tham gia bảo hiểm nhân thọ, gửi tiết kiệm và nhận BHXH một lần.
BHXH có phải là tổ chức phi lợi nhuận?
Nếu căn cứ theo nội dung của Nghị định số 01/2016/NĐ-CP, “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, thì BHXH không được xác định là loại hình của “tổ chức phi lợi nhuận”.
Tuy nhiên trong Công văn 3758/BHXH-TT, ông Phạm Lương Sơn nói rằng do tổ chức của ông là “phi lợi nhuận”, không có “kiếm chác”, nên NLĐ nếu chọn mua… bảo hiểm nhân thọ, thì sẽ không có lợi bằng chọn mua BHXH (Theo Luật Quảng cáo, đây có thể được xem là hành vi nói xấu đối thủ cùng ngành nghề).
“Sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời. Như vậy, khoản lời của bảo hiểm nhân thọ được lấy từ chính tiền của người tham gia. Cần lưu ý là thù lao cho đại lý của bảo hiểm nhân thọ là rất lớn (từ 20 đến 25% trong năm đầu và giảm dần trong các năm về sau nhưng không dưới 5%).
Về điều kiện, mức phí tham gia: Đối tượng tham gia BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Nhưng đối với bảo hiểm nhân thọ, mặc dù nhìn thoáng qua các gói quyền lợi thì thấy có vẻ hấp dẫn, nhưng họ đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro”. (Trích Công văn 3758/BHXH-TT)
Trên thực tế thì BHXH đã gom số tiền mà chủ doanh nghiệp và NLĐ đã đóng mỗi tháng, rồi mang cho “ông chủ của BHXH” vay. Ông chủ đó ở đây không ngoài ai khác là Chính phủ – được ghi rất rõ tại Điều 1.1, Nghị định số 01/2016/NĐ-CP: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ”.
Lãi gần 32.500 tỷ đồng
Theo báo cáo công bố hồi tháng 2-2017 của Kiểm toán Nhà nước, phần lớn số tiền của Quỹ BHXH được cho Nhà nước vay, thông qua việc cho Ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu chính phủ. Số còn lại cho các ngân hàng và dự án thủy điện Lai Châu vay. Ngoài ra, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ của Cơ quan BHXH Việt Nam vẫn “kẹt” ở hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II lên tới hơn 1.500 tỉ đồng.
Báo cáo cho biết dư quỹ BHXH bắt buộc đến hết năm 2015 là 370.360 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước; Quỹ BHXH tự nguyện là 2.989 tỷ đồng tăng 29%; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 49.180 tỷ đồng, tăng 19%; Quỹ bảo hiểm y tế dư 49.282 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Kiểm toán Nhà nước cho biết, quỹ bảo hiểm hàng năm đều có kết dư, tốc độ tăng trưởng các quỹ trong năm 2015 đạt bình quân là 22%.
BHXH Việt Nam đầu tư cho Ngân sách nhà nước vay lại tới 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% tổng quỹ. Đây là kênh đầu tư lớn nhất của BHXH Việt Nam. Đầu tư vào trái phiếu Chính phủ tính đến cuối năm 2015 đạt 45.500 tỷ đồng, chiếm 10,46% tổng quỹ; cho các ngân hàng vay lại 59.629 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng quỹ; đầu tư 6.000 tỷ đồng vào Thuỷ điện Lai Châu, chiếm 1,38% tổng quỹ.
Tổng cộng, năm 2015 BHXH Việt Nam đã đem 435.129 tỷ đồng đi đầu tư, tăng 65.600 tỷ so với năm 2014. Tổng số lãi thu được là 32.476 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ hoạt động đầu tư quỹ là 32.079 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm trước. Lãi từ các khoản tiền gửi là 396 tỷ đồng. Về lãi suất cho vay, Thông tư 113 của Bộ Tài chính quy định, cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) áp dụng mức lãi suất hầu hết là 5,08% – 5,1%/năm, tương đương lãi mức lãi suất gửi tiết kiệm ở các ngân hàng thương mại từ 6-9 tháng. Lãi suất bình quân cho Ngân sách Nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ, đầu tư vào dự án Thuỷ điện Lai Châu là 9,04%. Như vậy, mức lãi suất bình quân của BHXH năm 2015 lên tới 8,49%/năm.
Như vậy, nhìn tổng thể từ kết quả công bố kiểm toán nói trên cho thấy việc đầu tư từ nguồn quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (quỹ bảo hiểm) đã diễn ra như thế nào không nhiều người được biết, nhưng nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ đồng thì đã được công bố.
Vì sao BHXH lại đi tố Ngân hàng Nhà nước?
Nhằm thuyết phục NLĐ tham gia vào BHXH, nội dung trong Công văn số 3758/BHXH-TT không ngần ngại “chơi bẩn” qua việc “tố” Ngân hàng Nhà nước một số việc cụ thể tên tuổi như sau:
“Câu chuyện thứ nhất: Từ năm 1982-1985, vợ chồng ông Lê Minh Toán (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành dụm được tổng giá trị 4.100 đồng và gửi 12 cuốn sổ tiết kiệm vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Ở thời điểm ấy, số tiền ông gửi đủ mua thêm một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Đến khi về hưu, năm 2002, ông Toán áng chừng số tiền cả gốc lẫn lãi mà cả đời ông gửi tiết kiệm sẽ vào khoảng 50-70 triệu đồng và cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Nhưng ông đau xót khi biết số tiền sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi ông chỉ thu được 109.778 đồng, đủ trả ba tô phở.
Câu chuyện thứ hai: Anh Hoàng Nam Thành (TP.HCM) gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng từ cuối năm 1983, sau 34 năm chỉ còn 0 đồng.
Câu chuyện thứ ba: ông Nguyễn Vinh Rượu (Hòa Vang, Đà Nẵng) gửi 90 đồng vào quỹ tiết kiệm theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn từ ngày 27/9/1983, đến sáng 31/3/2015, bà Nguyễn Thị Thạnh (con gái ông Rượu) mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng VietinBank hỏi và được trả lời theo ước tính của nhân viên ngân hàng thì bà Thạnh sẽ được nhận hơn 20.000 đồng.
Như vậy càng củng cố thêm nhận định: Đối với quỹ BHXH, dù đồng tiền mất giá vẫn luôn được Nhà nước điều chỉnh kịp thời bù đắp lại quyền lợi cho người tham gia BHXH. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn có mức lương ổn định trong suốt cuộc đời, không bị rủi ro như gửi tiết kiệm”. (Trích Công văn số 3758/BHXH-TT)
Thế nhưng gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì NLĐ muốn rút ra lúc nào cũng dễ dàng, còn muốn nhận lương hưu trước tuổi (do sức khỏe kém, giảm sút bởi bệnh tật…) thì phải trải qua hàng loạt thủ tục hành chánh rất nhiêu khê, và lương hưu cũng sẽ giảm nhiều so nghỉ hưu đúng tuổi, và cũng không được nhận “nguyên cục” một lần.
Ai nên nghỉ hưu từ 2018?
Nếu tham gia BHXH giúp NLĐ có lợi đủ điều như nhiều lần nhấn mạnh ở Công văn số 3758/BHXH-TT, thì phải giải thích sao đây khi tình trạng công nhân xin thôi việc trước năm 2018, hoặc xin ngừng đóng BHXH tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2017 đang ở trong tình trạng báo động, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Trong báo cáo nhanh về tình hình dư luận xã hội 6 tháng đầu năm của Liên đoàn lao động TP.HCM nêu rõ, hàng ngàn công nhân tại TP.HCM cho rằng việc áp dụng bộ luật BHXH mới sẽ gây nhiều bất lợi, khi bắt đầu từ năm 2018, NLĐ muốn được hưởng mức lương hưu đạt 75% thì phải kéo dài thời gian đóng BHXH cho nên đã xin nghỉ việc hàng loạt.
Đơn cử, ví dụ một lao động nữ đến tháng 6/2017 đủ 54 tuổi và 24 năm đóng BHXH. Nếu thời điểm đó suy giảm sức khỏe 61% và nghỉ hưu, thì mức lương hưu sẽ là 70% mức bình quân tiền lương, tiền công đã đóng BHXH (do trừ 3% về thời gian đóng thiếu 1 năm và trừ 2% nghỉ trước 1 tuổi). Còn chờ đến tháng 6/2018 đủ 25 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi, thì sẽ hưởng mức lương hưu bằng 65% mức bình quân tiền lương, tiền công đã đóng BHXH (vì 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%, từ năm thứ 16 mỗi năm tính thêm 2%).
Như vậy, rõ ràng là đối với lao động nữ nếu vì lý do sức khỏe, có đủ 25 năm đóng BHXH và tuổi đời nằm trong phạm vi đủ 52, 53, 54 tuổi thì nên cân nhắc có thể nghỉ hưu trong năm 2017 để có tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn năm sau (tất nhiên phải suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo Điều 55, Luật BHXH năm 2014).
Tiền hưu và tiền lãi ngân hàng: so sánh là… ngớ ngẩn
Việc Công văn số 3758/BHXH-TT so sánh tiền lương hưu mà NLĐ có được khi tham gia BHXH, với cùng số tiền đã đóng bảo hiểm, nếu mang gửi ngân hàng lấy lãi, cho thấy rất đỗi ngớ ngẩn.
Luật BHXH 2014 quy định từ ngày 1-1-2018, lao động nữ 30 năm, nam đủ 35 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75%, thay vì 25 năm và 30 năm như hiện nay. Như vậy, NLĐ muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện tại.
Đó là chưa kể trong khi người làm trong khu vực nhà nước được tính lương hưu bằng mức bình quân lương những năm cuối nên có lợi hơn, vì lương tăng theo thâm niên, làm lâu lương càng cao. Còn NLĐ khu vực ngoài nhà nước, tính lương hưu bình quân cả quá trình, nên mức đóng sao, sau này hưởng lương vậy.
Có lẽ cũng cần làm rõ thêm điều này: chủ doanh nghiệp là người chịu thiệt hại nhiều nhất, vì từ 1-1-2018 trở đi, mức đóng BHXH dựa trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Có nghĩa hàng tháng NLĐ đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng; tổng cộng là 26% tính trên tổng quỹ tiền: Tiền lương; phụ cấp (phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút; và các phụ cấp có tính chất tương tự), và các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương đó… đã phải đóng vào quỹ BHXH.
Đại diện thường trực Quận ủy Bình Tân, TP.HCM nói với báo chí rằng: “Hiện dư luận công nhân đang phản ánh mạnh mẽ về thông tin BHXH, dự kiến vào tháng 12/2017 sẽ nghỉ việc khá nhiều để hưởng quyền lợi về BHXH một lần”.