VNTB – Cội rễ và sự lựa chọn

Tôn Trọng Dân (VNTB) Giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi.” Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 ̶ 1926), trích từ  Quân trị chủ nghĩa Dân trị chủ nghĩa [1]

. . . Vậy là, sau khi cái hộp Pandora mở bung ra, và ngay cả khi toàn xã hội chưa lên tới đỉnh dốc khoái lạc của tự do-chưa hề sang cả phía bên kia đỉnh dốc mù sương ấy, thì, đủ thứ lăng nhăng, hỗn độn, rác rưởi của con người đã ầm ì, thốc tháo xô ập tới. Cội rễ của chúng có thể tóm gọn vào trong 2 “gốc” lớn sau đây: thái độ đối với Lịch sử và thái độ đối với Văn hoá. Khi người ta chủ trương bịa đặt nhằm lật nhào quá khứ, tráo trở với Lịch sử đã Hoá thạch, thì tương lai cũng ứng xử y hệt với người ta như câu chuyện nhân-quả “súng lục đại bác” mà ai cũng quá biết.

Trong khi bái tụng học vị.học hàm mà thực chất là mặc khải với đủ các thể loại địa vị.quyền chức phù hoa, tất nhiên, trong nhà trường của cộng sản không hề coi trọng môn Công dân (vốn là môn học hẳn hoi trong nhà trường Việt Nam Cộng hoà mà tôi rất nhớ), ngoài đời trẻ em.người lớn xem nhau là “đồng chí”, ngang vai.ngửa vế so “trình độ ý thức”, nên chuyện không coi trọng người già cả, kẻ cơ nhỡ, yếm thế là chuyện đương nhiên. Các bậc thầy cô hành xử đồng sàng với bọn trẻ hậu sinh, nên, chúng đối lại với Quý vị ấy như cá mè một lứa là điều khó tránh khỏi. Cùng lúc đó, lại có kiểu len lén thải xuất chất thối từ tư duy cổ vũ bạo lực giáng trả hận thù, thế nên: Làm sao xã hội lại trong lành và mạnh khoẻ cho được? Làm sao bắt buộc bọn trẻ tương kính người đi trước khi thế hệ đi trước đó ăn nói-nghĩ suy quá sức tật nguyền và thiểu não?

Cội rễ chính của những bất ổn mà người cộng sản bó tay chào thua cũng không hề tương nhượng gì các vị “dân chủ tự mệnh” khi Quý vị “lỡ” cầm được cái quyền. Thậm chí e rằng, khi đó Quý vị phải quét dọn đến mức đoạ cả tấm thân ngà ngọc chỉ quen bơi.thở trong tiện nghi máy lạnh/tủ lạnh/xe hơi delux và trăm thứ bà dằn văn minh cung phụng sẵn khác. Bịa đặt.Láo toét chỉ sao cho nhăm nhăm có Lợi cho “phe” mình – đó chính thể loại tư duy Nhất nguyên một chiều, là Cội rễ cho muôn vàn tội ác phát sinh, trong đó, “Tội” của Quý vị “tự mệnh Dân chủ”/dân chủ có định hướng chống Cộng trả thùkhông hề nhỏ nhít gì khi sánh vai cùng người anh em chung một bào thai… Cộng sản. Xin làm ơn đừng tái diễn vở hài kịch đổ thừa ấu trĩ tại đây, nếu thực lòng muốn dân tộc Việt “hùng ca khúc Âu Lạc” [sic].
Nền Nóc hay Sàn Trần 
Để có thể hình dung tương đối một tương lai nên bước tới, nhìn lại lịch sử với một trí óc tỉnh táo không để tạp niệm khuấy đảo, ít ai lại không thể thấy: tất cả, không trừ một nhân vật lịch sử nào, ở thời điểm họ sống, trong thời đại của mình, họ đã làm hết sức cho niềm tin và giải pháp mà họ cho rằng hợp lý nhất. Ở góc đứng thời điểm hiện tại nhìn lại, người ta không thể bài xích người này đã sai hay người kia đã đúng một cách giản đơn, không thể tráo người này sang chỗ người kia bằng ý thích của mình, hoặc ‘phe’ nhóm của mình, mà chỉ nên nhận định cho rõ: vào lúc ấy, các giải pháp đó là có phù hợp với tình thế hay không. Đó mới là công việc của những người được xem là “trí thức” trong một xã hội, khi mà, nhà nào cũng có “nóc”, và càng tất nhiên hơn, khi ở chung cư, căn hộ nào ắt cũng đều có “trần”.

Ngày xưa, trước thập niên 40 của thế kỷ XX, về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đất nước nào ở vùng Đông Nam Á thuộc địa này lại không thiếu những vùng có “nhà” nhưng không có “nóc”? và làm gì đã có những chung cư-nơi người ta sống tập thể cùng nhau (trong văn minh, hay trong bán khai, còn tuỳ) để có thể nghĩ suy về khái niệm “trần” phổ cập như ở ngày nay? Chính vì vậy, dùng tư duy của thế kỷ XXI để bàn/phán về một thời không có quá nhiều cái “nóc” trong tư tưởng, quả là thật thông thái. Bây giờ, không thể nói thế được nữa, vì kiến thức được mọi người tự do chiếm đoạt/sở hữu, tuy nhiều-ít khác nhau, tuy nông-sâu khác nhau, song, ‘tri thức’ không còn là một cái gì đó lấp lánh, có thể khoác vào và đi rao giảng, thậm chí phủ dụ được nữa rồi. Tất nhiên, cùng với nó là huyễn niệm: “giai cấp”.

Về vấn đề Tính cách Việt, từ Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, cho đến Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu….hàng trăm người đã viết tập trung, hoặc hàng trăm ngàn người đã thoáng nhận xét về người Việt, trong số đó tất nhiên có cả các nhà văn dựng truyện lịch sử. Họ kế tục nhau diễn giải từ thế hệ này sang thế hệ khác, do vậy, vấn đề này chưa thể, và không bao giờ là chung cuộc khi từng dân tộc vẫn phát triển với hàng loạt yếu tố sống luôn phát sinh.

Như mọi dân tộc của loài người, bản chất và tính cách Việt luôn chịu ảnh hưởng từ nền Văn hoá.

Xu hướng phân tích nền văn hoá theo tính âm (tĩnh) và tính dương (động) đối với nhiều vị “trí thức” chuyên sống bằng nghề giảng dạy, không còn là chuyện mới lạ. Nền văn hóa âm tính có nhiều ưu điểm, nhưng, như là 2 mặt của bất kỳ vấn đề nào, chúng cũng có nhiều hạn chế. Ví dụ, tính cộng đồng làng xãbuộc tất cả mọi người phải giống nhau. Ai trồi lên thì sẽ bị đám đông kéo xuống, do mỗi người luôn khao khát có một vị trí trong “làng”, nên vì vậy ai cũng thích hơn người khác, chỉ cần một chút: xây vỉa hè trước nhà mình cao hơn vỉa hè nhà bên cạnh một chút, nhích bánh xe đậu chờ đèn đỏ phải trội hơn xe khác một chút trước lằn vạch giao thông v.v…

Một cách mạo muội, tôi chỉ xin nêu (và, chỉ có thể như thế trong khuôn khổ loạt bài này) 3 vấn đề liên quan đến cội rễ của một đám đông nhân dân mà ở phía này thì họ sao trông như “vô cảm”, ở phía kia họ lại là những người yêu nước, phía nọ trông họ tuồng ghẻ lạnhbưng bô, phía khác nữa lại cảm nhận được độ chính chắn, trưởng thành của một dân tộc đã trải nghiệm khổ đau và biết nâng niu giá trị của hoà bình, kiến thiết. 

1. Vấn đề về Văn hóa: thái độ Bạo lực hay Ôn hoà.

Đứng trước những điều tệ hại đổ vỡ toé loe, có người “nhảy nai”, có người bình thản nhếch mép, có kẻ nổi tam bành xung thiên kích động, có kẻ lúi húi gom nhặt những mảnh vỡ tứ tung rơi vãi để cố hàn gắn lại .. – đó là vấn đề khí chất/cơ địa/thể trạng.. Nhưng: Đặc điểm cốt lõi của người Việt: hòa là bản chất do thiên phú, do huyết thống tổ tiên; chiếnlà bản năng [2] được trui rèn do bên ngoài (lại thêm một chủ đề lý thú). Bất chấp nguồn phát sinh khác biệt nhau, cả 2 tuân theo quy luật sinh học, bản chất và bản năng đều ít nhiều mang tính di truyền. Từ phản ứng do bị kích động nên phần bản năng ở mỗi dân tộc sẽ tụ lại để chiến. Trở về trạng thái an hoà, con người Việt lại trở về với bản chất hoà nhã, niềm nở, mở rộng vòng tay cho cả với kẻ thù xưa. Nhưng, bản năng chiến Việt, éo le thay, lại cực mạnh, vẫn cựa quậy trỗi dậy từng ngày, tìm chỗ, tìm đối tượng để phát cái xung huyết, vốn sung mãn chất chứa của mình. Không đối tượng nào khác ‘lý tưởng’ hơn người bạn, người cùng công ty, công sở, cùng làng xóm, cùng gia đình, hoặc nói rộng ra, là ‘đồng bào’ của mình. Bản năng chiến này sai khiến người Việt phải níu/kéo/dìm/hãm hại người khác để bản thân thể hiện vượt trội, nhưng khi có kẻ thù chung, nhất là ngoại bang thò chân vào, lập tức, bản năng chiến có cơ hội để cùng tập trung chỉa vào đối thủ không may đó. Tôi không đi sâu vào nghiệm phân xem Bản năng chiến đó có bắt nguồn từ tâm lý tiểu nông, từ nền văn minh lúa nước, Óc eo, Ngọc lũ v.v… ra sao (đó tiếp tục là một chủ đề bao la, thú vị cho ai quan tâm), nhưng thực tế cho thấy: khi ‘rảnh’, không có kẻ thù thì một số không nhỏ người Việt lại bắt đầu tìm điểm nhược của người khác để  … “chiến”, với muôn hình vạn trạng loại hình. Và, nhất là, Bản năng này được kích thích tối đa trong Kỷ nguyên Bạo lực.
. . .
Làm gì có “văn hoá nuôi thù”? Nếu có thứ ‘văn hoá’ đó trong lòng dân Việt thì làm gì có chuyện cha ông ta rất nhiều thời cấp lương thả bại binh về? Năm 1079 vua Lý trả cho nhà Tống 221 người về nước bằng đường biển, năm 1081, Lý Nhân Tông trả cho nhà Tống số dân và lính bị bắt. Ngày 16 tháng Chạp năm Đinh Mùi (1427) khi quân Minh bại trận phải tuyên thệ xin rút hết quân về nước, Bình Định Vương Lê Lợi lệnh cấp 500 chiến thuyền và hai vạn ngựa và lương thực cho bại binh kẻ thù [3]. Cha ông dân Việt luôn giữ mực hòa hiếu, tôn trọng lẫn nhau cùng phương Bắc tồn tại hòa bình, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là để mất chủ quyền.

Quý vị “yêu nước oai hùng thời nay” có thể vặc: đó là do “sợ” trong quan hệ bang giao với “giặc lớn” Tống, Nguyên, Minh .. nên cha ông phải “giữ lễ”, chứ “nhân đạo” gì. Vậy thì còn phải xem tiếp nữa…

Khi làm luận án thạc sĩ và bảo vệ năm 2000 với đề tài “Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”, 45 ngày đêm nhà báo Ku Su-jeong vác balô đi một mình khắp các tỉnh duyên hải miền Trung, đến nơi những gia đình có nạn nhân bị thảm sát để tìm ra sự thực về những cuộc thảm sát mà cô đã đọc qua sách báo, tài liệu. Năm 2000, khi bảo vệ luận văn thạc sĩ cũng là năm cô Ku Su-jeongphải ra hầu tòa vì một số cựu binh Hàn Quốc kiện cô đã vu cáo và phỉ báng họ. Tòa soạn Báo Hankyoreh bị cựu binh Hàn Quốc đập phá. Nhà cha mẹ Ku Su-jeong bị ném đá phải xin tá túc một ngôi chùa trên núi… 1992, Việt Nam và Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ ngoại giao. Mỗi năm đều có những đoàn người Hàn Quốc quay lại mảnh đất này và khóc. Họ khóc vì lòng vị tha, đôn hậu của dân tộc này trước những tội ác mà cha ông họ đã gây ra. 10 năm sau (năm 2008), nhà báo Ku Su-jeong tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia “thành Hồ” với đề tài “Mối quan hệ Việt – Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam” (1955-2005) và đạt điểm tuyệt đối.

Làm gì có “văn hoá nuôi thù” trong lòng người Việt?

Lính Mỹ đã làm những hành vi giết người tàn bạo, nhưng chuyện đó vẫn thuờng xảy ra khi có chiến tranh. Và đó là sự thật mà người Việt không thể chất chứa mãi trong lòng. Người Việt Nam chúng tôi có một thái độ ứng xử thực tế là hãy quên đi kẻ thù xấu để có được bạn tốt.”  ̶  đây là một đoạn trích lời dân Việt, trong ký sự Trở Lại Nơi Xảy Ra Vụ Thảm Sát Mỹ Lai của Seymour M. Hersh [4]. Ông nhẹ lòng khi hiểu rằng, tội ác của lính Mỹ đã nhận được sự dung thứ từ lâu rồi của người dân Việt tại chính nơi chốn lẽ ra thù hận ngút ngàn.

Cay đắng chứ, xót xa chứ, căm hờn chứ, nhưng, Tướng Lê Minh Đảo, Cựu Tư lệnh Sư đoàn 18 quân lực VNCH, người bị ‘cải tạo’ 17 năm tâm sự rằng, điều ông đòi hỏi không phải là sự khôi phục lại một chế độ đã mất mà là các quyền thực sự cho những người đang sống ở chính Việt Nam [5]. Như có thể thấy, làm gì có “văn hoá nuôi thù” trong lòng người Việt như ông Nguyễn Văn Lục thầm thì khi Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh (xin xem lại phần 4. đồng Mộng)? Có chăng, là ở một số người Việt, cả ngoài lẫn trong nước Việt.

Chẳng có thứ gọi là “văn hoá nuôi thù” trong lòng đại đa số dân tộc Việt, nhưng, người Việt có Bản năng chiến.

Trong “Nếu đi hết biển[6], khi trả lời Phỏng vấn của đạo diễn-nhà văn Trần Văn Thủy nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã có một nhận xét dí dỏm nhưng vô vàn tinh tế: “Tôi có cảm tưởng hình như người Việt chúng ta vẫn kiên trì theo đuổi một bí quyết rất khiêm nhường và rất ‘đậm đà bản sắc dân tộc’: Ta nhất thiết phải có kẻ thù và kẻ thù của ta càng xấu ta càng tốt, mà là người Việt với nhau nữa thì càng tiện“. Đúng. Người Việt ta không có ai để chiến thì chiến với nhau, chiếntàn bạo, thậm chí bằng cách thức: đánh cho chết luôn chứ không chỉ đánh mã thượng, kẻ địch ngã xuống thì dừng tay. Nét dữ.ác đó khởi xuất từ đâu? – Nó là hệ quả của tập hợp văn hoá giao(crossed culture) TrungẤn: một nền văn hoá ẩn chứa sự thâm hiểm, một nền văn hoá khác ẩn chứa sự hoang dã, hung bạo.

May mắn, theo tôi nhận thấy, “chiến” vẫn chỉ là một Bản năng trội của tộc Việt. Đã gọi là Bản năng thì nó chỉ xuất hiện mạnh nhất khi hội đủ những điều kiện kích thích nó trỗi dậy.

2. Vấn đề về 2 yếu tố: Trẻ  và Trí thức. 20 năm qua, cùng với tiến hoá của thế giới văn minh bên ngoài, Trẻ  và Trí thức đã và đang trở thành tố chất tự nhiên (tương tự hiện tượng: tại các quốc gia văn minh mà tiếng Anh không là tiếng mẹ đẻ, từ lâu, tiếng Anh và kiến thức/kỹ năng IT-công nghệ thông tin đã không còn là những ưu thế để cạnh tranh trong cuộc sống, dù tại Việt Nam, chúng vẫn là hàng..”hot”), chúng (Trẻ và Trí thức) đang dần dà không còn là “tầng lớp/giới” để có thể ve vãn, vận động như ngày xưa. Thực tế cho thấy, có những người thuộc thế hệ 5x, 4x, thậm chí 3 x ngày nay vẫn trẻ trung trong quan niệm nhân sinhquan điểm chính trị, và ngược lại, không hiếm những vị thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x… đang trở nên lọm khọm.lụ mụ với vốn kiến thức đủ tồn tại qua ngày-chờ qua đời của mình. Chính vì lý do sâu xa này, nên ở Việt Nam, nhất là tại Sài Gòn và Hà Nội, “bằng cấp” đã trở thành “hấp lực” cho sự đua chen bằng mọi giá để tự thể hiện/ tự chứng tỏ, trong khi ở mặt ngược lại, người ta không quan tâm việc bạn có danh hiệu/học vị/học hàm gì, mà vấn đề nằm ở chỗ: bạn lý giải và xử lý lời của bạn ra sao, xử lý đời của bạn thế nào.

Chỉ xét về nguồn thu nhập thôi, và chỉ thử xét riêng hai loại Trí thức có nguồn thu nhập cứng là nhận lương (chưa cần phân sâu vào tiêu chí: nhận lương từ nguồn ngân sách công hay không) đã có khác biệt giữa Trí thức ngửa tay nhận lương và Trí thức không ngửa tay ăn lương (loại này gồm những loại gì nữa, Quý vị tự ngẫm, cũng khá thú vị đấy). Hai loại này có “phẩm chất” và “đức hạnh” khác nhau, nhu cầu cũng khác nhau và tất sẽ có cách lý giải và giải pháp khác nhau. 

Dựa vào học vị, học hàm chỉ là nhìn bên ngoài sự vật. Cụ Nguyễn Văn Lục có một cách lý giải rất sát thực tế cho vấn đề này: Người này hơn người kia không hẳn vì kiến thức đã đạt được (acquis) mà là vốn thu nhập sau đó, vốn đọc thêm sách vở. (…) có những vị có bằng cấp từ trước 1975, sang đây không chịu cập nhật hóa, không đọc, không nghiên cứu, nhưng vẫn tự cho mình ‘hơn người’. Cái khổ nhất cho một người trí thức bây giờ là phải nói chuyện với những đầu óc ‘bình vôi’ ấy. Chúng đầy rẫy trong các cộng đồng người Việt[7].
Thử ngẫm: một vị tiến sĩ đi học nước ngoài về, nhưng, nếu vị này có nhãn quan chỉ gói trong mớ kiến thức đã sàng sảy và chỉ loanh quanh tới lui trong những gì đã được kiểm định.đã được định giá, không “ăn thêm” thứ gì khác mà cơ địa thường nhõng nhẽo chối từ, hoặc vốn hay dị ứng, thì Quý vị có thể mường tượng, tri thức của vị tiến sĩ này có thể dùng được trong phạm vi xinh xắn thế nào. Ở đây, một nhận định của vị Gs.Ts trẻ Ngô Bảo Châu không thể nói là sai: “Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng[8].

3. Vấn đề giai cấp: Tương tự số phận của Trẻ  và Trí thức, do xa lộ thông tin toàn cầu đã hào phóng mở cửa cho người người tham gia, ý thức về giai cấp trở nên ngày càng mờ nhạt vì các cơ sở thực tế của các giai cấp/giai tầng đang chuyển hoá theo xu thế nhoà ranh giới, và vì vậy, chuyện áp dụng ý thức giai cấp vào trong thống trị cũng như trong “sự nghiệp” đấu tranh chống lại nó là một hình thái tương đồng của 2 mặt đối lập chuyên tương tác lẫn nhau, nhưng chỉ còn có ảnh hưởng khá giới hạn trên “tầng cao tinh hoa” của xã hội vẫn đang ở dạng nhất nguyên. Người dân bình thường, do phát triển của công nghệ thông tin, do sức lan toả của truyền thông hiện đại, đã không còn tốn thời gian cho độ lóng lánh của các khái niệm: giai cấp, của Trẻ  và Trí thức quá nhiều. Họ chỉ tốn thời gian cho những “sản phẩm” tư tưởng dễ sử dụng cho ‘người dùng cuối’ (end-user). Ý thức giai cấplà một món hàng giờ đã trở nên ngày càng xa xỉ, hoặc, bọt bèo, tuỳ cảm nhận của mỗi người. Nó không còn là cái gì thiêng liêng/linh thiêng như cách đây hơn nửa thế kỷ.

Theo tôi hiểu, tính cộng đồng xã hội của phương Tây, thể hiện ở đặc điểm: người người không cần phải quen biết nhau nhưng với khả năng nhận thức đúng-sai, với luật pháp chế tài quyền lợi chung của cộng đồng, họ sẽ cùng nhau hành động. Hành động theo Lương tri. Trong khi đó, tính cộng đồng của phương Đông, mà người Việt nằm trong số này, là tính cộng đồng làng xã, dựa trên sự quen biết và tình cảm. Đó là tính cộng đồng thấm đẫm Lương tâm.

Bên cạnh đó, theo Gs. Trần Ngọc Thêm [9], người Việt, vốn thuộc nền văn hoá tính âm nên vừa trọng cộng đồng vừa yêu thíchdân chủ  [10], ghét gò bó, gượng ép.

Trong một cội nguồn như vậy, nể nang / bè phái / du di xuê xoa cho nhóm quen biết / cho “chỗ” thân tộc, họ hàng v.v… không phải là đặc trưng riêng có chợt nảy nòi dưới chế độ cộng sản. Từ thời VNCH đã có rồi, xin chớ bảo là không. Và, không khó gì để thấy: những “tính chất”, “đặc trưng” văn hoá này của người Việt mình .. không dễ có triển vọng tự suy giảm khi xã hội đã có dân chủ, nếu, vào thời hậu cộng sản, chính phủ lúc đó (nghĩa là những chính đảng nào đó, ngay từ bây giờ) vẫn không có/không muốn/không cần/không thèm .. chuẩn bị những chính sách hiệu quả hơn, so với hàng chục năm than vãn, đổ tội lỗi cho nhau như vừa qua.

Như vậy, xoáy vào cuộc tranh chiến chính nghĩa/phi chính nghĩa quanh ý thức (thực chất là húc đầu mãi vào vấn đề giai cấp đã cũ xưa, đang mờ nhạt), bằng sự chứng.diễn của óc thông thái, nét ưu việt của trí thức (trí thức nào? trí thức loại gì?), của tuổi trẻ (trẻ về sinh lý, chưa chắc đã trẻ về tâm lý) mà không chuẩn bị kỹ, mà quan điểm, cách nhìn không thẩm thấu được một cách nhiều nhất có thể những xu hướng hiện tại, và lại nghiêng về hướng bạo lực một chiều bất chấp xu thế hợp tác  ̶  Làm sao người dân có thể đồng cảm cùng Bạn đây?

Ai cũng có lý đúng của mình (ngay cả một cái tên cũng đã có ý nghĩa nhất định nên nó mới ra đời và tồn tại). Càng bảo vệ “cái đúng của mình”, đẩy cái xấu cho kẻ không là mình (tha nhân) chỉ càng kích ứng thêm hơn bản năng sinh tồn trong đối tượng Việt đó. Họ không thích là điều tất nhiên (đảng cộng sản bây giờ hiểu được điều này đến đâu? các đảng viên cảm nhận điều này đến đâu? những vị chống cộng nằng nặc đòi giải thể chế độ thấy mình phù hợp đến đâu?), và họ đi đến chỗ chống lại Quý vị – cũng là điều không quá khó hiểu.

Cội rễ các hành vi xuất hiện trong xã hội nào phải chỉ bắt nguồn từ Bản chất, Bản năng  ̶  những thứ luôn có gốc gác phát sinh từ nền Văn hoá và môi trường sống của con người? Bên cạnh đó, làm sao có thể quên đi hoặc xem nhẹ ảnh hưởng của cả một Kỷ nguyên mà loài người cùng chung khí trời thở hít, giao hoà, tương tác với?
Chú thích:

[1] Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa là bài diễn thuyết của cụ Phan tại Nhà hội Việt Nam ở Sài Gòn vào tối 19 tháng 11 năm 1925. Được người Pháp đưa về để chờ chết vì lao phổi, trước khi mất tại Sài Gòn, cụ Phan vẫn đau đáu về tương lai của Việt Nam, và 90 năm trôi qua, bài diễn thuyết này vẫn vẹn nguyên tính thời sự. 

[2] Bản năng là khuynh hướng vốn có của một sinh vật đáp lại một tác động hay điều kiện cụ thể. Bản năng thường là những mẫu thừa hưởng của những phản ứng đáp lại một sự kích thích. 
[3] xem Đại Việt sử ký toàn thư NXB Khoa Học Xã Hội-Hà Nội.1993, t.I. tr. 211, 219; Việt sử thông giám cương mục. t.III. tr. 11, 17. 
[4] xem bài ký sự Trở Lại Nơi Xảy Ra Vụ Thảm Sát Mỹ Lai của Seymour M. Hersh trên The New Yorker ngày 30/3/2015, Nguyễn Minh Tâm dịch 
[5] xem Gặp Tướng bị ‘cải tạo’ 17 năm của Nguyễn Hùng, Thứ hai, 18 Tháng 5. 2015 
[6] Là kết quả nghiên cứu của một trí thức, nghệ sĩ trong nước, thuộc chương trình Rockefeller Nghiên Cứu Về Tiến Trình “(Tái) Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương Của Người Việt Ở Nước Ngoài” 2000-2003 do Trung tâm William Joiner Nghiên Cứu Về Chiến Tranh và Hậu Quả Chiến Tranh, Đại Học Massachusetts Boston tổ chức và tài trợ, tác phẩm “Nếu đi hết biển” của Trần Văn Thủy một mặt không hề được công luận chính thức tại Việt Nam ghi nhận, mặt khác nó gây xung đột trong dư luận tại hải ngoại. 
[8] xem Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 20/01/2012 Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai phần Không ai độc quyền chân lý 
[9] Trần Ngọc Thêm (1951) là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học ngành ngữ văn, nhà văn hóa học của Việt Nam. 
Tôn Trọng Dân (VNTB) “Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng có vạch áo cho người xem lưng, đừng có bêu xấu nhau nữa cho người ta cười thêm cho, trích chương 19 của hồi ức “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” (2010) của Ts. Nguyễn Tiến Hưng



“Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng cái sai nói một lần người ta hiểu; nói hai ba lần người ta im lặng; nhắc lại quá mức cần thiết thì có thể gây ra sự phản cảm”.

Võ Văn Kiệt (1922 ̶ 2008), cố Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam [1]

Từ ‘ngộ nhận’ khi đua nhau đòi nhau Máu …

Trong bài phân tích Tại sao người Việt hải ngoại “kính nhi viễn chi” với Đảng Việt Tân? mặc dù với ý đồ bêu.moi ra cái xấu của Quý vị lãnh đạo Việt Tân nhưng nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn (bút danh Lão Móc), chủ nhiệm, chủ bút tuần báo Tiếng Dân tại Tp. San José (nơi mà đảng Việt Tân cũng đặt ‘đại bản doanh’) đã không thể nhân danh được bất kỳ một “mặt trời chân lý” nào khi dẫn lại lời của ông Hoàng Cơ Định trong bài: Tôi đi dự lễ truy điệu cụ Hoàng Minh Chính đăng trên mục ‘Bình Luận’ của tuần báo VTimes (VTimes số 96, Thứ Sáu 11-4-2008). Lãnh tụ Hoàng Cơ Định viết: “… Những người Việt Nam phải bỏ nước ra đi là nạn nhân của chế độ độc tài cộng sản, trong khi đó những người đã bước vào hội trường này để bày tỏ cái ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ với cụ Hoàng Minh Chính đã bị mạ lỵ lăng nhục bởi những người biểu tình ngoài kia, họ cũng là nạn nhân của một loại độc tài. Đây là thứ độc tài của những người không có vũ khí trong tay, về hình thức tuy có khác, nhưng bản chất vẫn là một.”.

Ai cũng thấy rõ điều này, nếu có phần hồn lành mạnh, nếu còn chút công tâm và sót chút lương tri.

Ông nhà văn chuyên chống cộng Lão Móc  Thiếu Nhẫn không thể không thừa nhận quan điểm Đúng và nhân bản của ông Định, dẫu rằng ông em  ruột của ‘cố lãnh tụ Hoàng Cơ Minh’ này bị bà con người Việt hải ngoại tố cáo rầm rĩ về một màu khác của tư duy nhất nguyên: rất vòng vèo mờ mịt trong tiền bạc công-tư.

Những ai chỉ căn cứ vào hiện tượng Việt quốc ‘đánh’ Việt quốc như đòn thù, chỉ vì bất đồng chính kiến, để cho rằng nếu ngày 30-4-1975 Việt Quốc thắng Việt Cộng, thì ‘Bên thắng cuộc Việt Quốc’ cũng sẽ đối xử với ‘Bên thua cuộc Việt Cộng’, như Việt cộng đã làm sau ngày 30-4-1975 đối với Việt quốc hay còn tệ hại hơi nhiều, thì đó chỉ là sự võ đoán, sai lầm”  [2].

Tôi thật ấm lòng khi đọc được những dòng trên của tác giả Thiện Ý (ông tên thật Nguyễn Văn Thắng, nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston, Texas). Thực sự chân thành chia sẻ tấm lòng và thiện ý với cụ Thiện Ý. Tuy nhiên, quá khứ vẫn sờ sờ cho thấy: trong cái kỷ nguyên Bạo lực đó, y chang Việt Cộng, ‘Việt Quốc’ thanh thản “thù báo thù”, không hiền hậu như cụ Thiện Ý-Nguyễn Văn Thắng cho thấy, không chỉ vì “họ” đã cười đùa hành hạ việt cộng như súc vật ra sao khi bắt được và trước khi thảm sát; mà rồi, hiện tại sau 40 năm, những gì do các Quý vị dân chủ định hướng chống cộng lớn tiếng nhơn danh ‘cộng đồng quốc gia’ cho người trong nước thấy, lại đã…không những không hiền hậu như ông Thiện Ý dịu dàng phân giải, mà thậm chí, còn hung hiểm gấp bội phần.

Hồn nhiên xem thử cụ Trần Văn Tích, chia “phe” nhân dân ra sao: Hầu như toàn vẹn tinh hoa của chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã đào thoát được ra hải ngoại và làm thành lực lượng nòng cốt của cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam. (…) Cũng thực tế là chỉ có hai lực lượng chính yếu làm thành tập thể đồng bào đang sống ở nước ngoài, một bên là phe quốc gia và một bên là phe cộng sản. Phe quốc gia bao gồm những thành phần bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản. Phe cộng sản qui tụ các cán bộ cộng sản, các du sinh, các ‘thợ khách’ di sản của mồ ma khối Đông Âu [3]

Vậy là, vẫn cứ có “địch” và vẫn cứ có “Ta”. “Ta” thông thái và dân “địch ngu dốt. “Chuyên chính dân chủ có định hướng” nắm chắc trong tay (!), chả khác chút nào với “chuyên chính vô sản”.

Hoặc, lắng nghe lòng nhơn ái từ cụ ông Nguyễn Văn Lục qua bài viết Quá khứ có thể không bao giờ là cũ: “Nếu như đề nghị của hải quân đề đốc Arthur Radford, chủ tịch hội đồng trung ương đưa ra kế hoạch xử dụng 60 máy bay B-29 từ Phi Luật Tân thực hiện những chuyến bay đêm để tiêu diệt Việt Minh. Hoặc đề nghị của ngoại trưởng Dulles cho Pháp ‘mượn vài quả bom nguyên tử cở nhỏ thả xuống lòng chảo BBP để vô hiệu hoá Việt Minh’.” Những chuyện trên là “do vài cá nhân, vài nhóm côn đồ thi hành, chứ không phải do chính sách, chủ trương của chính quyền” ?  ̶  Còn nữa, ngày 14/1/1973 đài phát thanh VNCH Sài Gòn từng kêu gọi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Bắc Việt. Những con tem phát động chiến tranh thời Ngô Đình Diệm, khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết, chuẩn bị Bắc tiến”, với “mục tiêu cắm cờ” là vị trí thủ đô Hà Nội trên bản đồ và hình ảnh chùa Một Cột [4], cho thấy một miền Nam hiền hoà chỉ biết sống dân chủ đề huề bên nhau, chăm chỉ mần ăn?

Phản ứng với làn sóng biểu tình đòi dân chủ của SVHS Sài Gòn năm xưa, cụ Lục từng nêu quyết tâm “chuyên chính”: Vấn đề là bắt cho bằng được những kẻ đầu não. Nào có khó khăn gì ? Họ là những Huỳnh Tấn Mẫm, Vũ Hạnh, Dương Văn Đầy. Họ đi khơi khơi ngoài đường. Họ biểu tình, họp báo, viết báo như chỗ không người. Hãy nãy nhốt họ lại. Đủ bằng cớ. Đưa họ đi Côn sơn. Cách ly bọn họ, triệ̣t tiêu tận gốc [5]. Làm sao hiền hậu được trong một kỷ nguyên mà..không giết nhau, bỏ tù nhau, thì..mình làm sao sống sót?

Cụ Lục xác định: Viết lại những trang này như một bài học ôn lại cho những người dân ở miền Nam trước 1975 nay đã sinh sống ở nước ngoài. Như một bài học [6].

Đúng là VNCH phải (và đã) làm như vậy, và cộng sản hoặc, cũng dư hiểu như vậy từ lâu, hoặc, không ‘ngu’ nên “đang học” như lời ông Lục khuyên, song vẫn ‘nhân văn’ lèo lá ma mị hơn khi không giam tù ai trong đói.khát.cực hình nữa?

Cũng không khó gì không tìm thấy “Để con đi giết giặc / Lấy máu nó rửa thù này / Lấy súng nó cầm trong  tay [7] hoặc:  Lưỡi lê đi từng hàng từng hàng / Đầu lưỡi lê còn khóc máu đàn bà, con trẻ / Còn khóc những gì… Việt Nam [8]

Nếu bên cộng đã có câu thơ danh tiếng: “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu” thì bên ‘quốc gia’ cũng nào kém gì với câu thơ hào sảng: “lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ” ? [9]. 2 câu thơ điển hình cho Kỷ nguyên Bạo lực tại Việt Nam cận đại ấy, tuy phía cộng hết muốn nhắc lại, cố giấu biệt đi, song lại được vị anh.em.chung.1.bào.thai của mình: Quý vị dân chủ nhất nguyên có định hướng làm cho tái sinh với đủ thể loại, ở những “tầm cao trí tuệ” mới. 

Với nhà thơ có số phận đen hẩm Nguyễn Chí Thiện, thì..dân tộc Việt này chỉ còn mỗi con đường: “Con đường máu con đường giải thoát /Dù có phải xương tan thịt nát” (trích từ trường thi “Đồng Lầy’’, dài 400 câu, thoang thoảng mùi hương rùng rợn của “Hoa Địa Ngục’’ [10]), hoặc, “Mấy chục năm phá nước phá nhà / Đã tới lúc lũ tông đồ phải lôi ra pháp trường tất cả!’’ (Hoa Địa Ngục tập II-Hạt Máu Thơ).

Hoặc, không cần thơ phú nữa, nhà văn ‘Công tử Hà Đông’ Hoàng Hải Thuỷ oanh liệt thét to luôn: “diệt Cộng, huỵch toẹt là giết bọn cộng sản [11], hoặc, đằm thắm như lời hứa hẹn.doạ dẫm sực nức mùi..quốc-cộng 60 năm về trước của ‘nhà chống cộng chuyên nghiệp’ Việt ThườngTrần Hùng Văn: “Cần phải nhớ rằng Khi chế độ Cộng sản bị sụp đổ thì những kẻ sát nhân, những tên đấu tranh cò mồi dan chủ ‘cuội’ dù là chính phạm hay tòng phạm, thì trước ngọn đèn của công lý, sẽ không bao giờ bỏ sót cho một tên nào, khi chúng đã nhúng tay vào tội ác [12].

Chống Cộng là phải có máu vào, mới..sang: “chống cộng mà hiền như cụt bột, thì làm sao có dân chủ đa nguyên, tự do?. Trên chiến trường, bắn ra mà sợ làm cho Việt Cộng chết của nhà viết truyện khoa học giả tưởng (đúng nghĩa đen) Trương Minh Hòa [13].

Những lời gọi máu này đã khiến ngay cả nhà chống cộng vẫn còn có lương tri Chu Tất Tiến cũng phải lắc đầu chép miệng: “thoát Độc Tài Đỏ lại gặp Độc Tài Vàng, không chết cũng bị thương! [14].

Một trong những bản chất của phía Nhất nguyên này, được tác giả Thuận Văn tỉnh táo tặng cho 1 khái niệm gọn nhưng..nặng: “Như những kẻ chống cộng lưu manh, họ không hề ‘nhân danh con người để chống cộng’ mà là nhân danh cái sự ‘chống cộng’ để chống lại bất cứ cái gì, kể cả chống lại con người [15]. Có đúng như vậy chăng, hay là… Thuận Văn lại phê phán quá lời nhằm vào những người anh.em.chung.1.bào.thai/yêu nhau hơn cả máu lẫn xương này ?

Cái sự “không hề ‘nhân danh con người để chống cộng’ mà là nhân danh cái sự ‘chống cộng’ để chống lại bất cứ cái gì, kể cả chống lại con người” ấy, ung dung tiết.toả mùi máu của chúng tại bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào, khi mà bất kỳ “nhà” tư duy Nhất nguyên nào thò chân đến, chạm tay vào, mở miệng ra.

Quyền lực của kiểu tư duy Nhất nguyên nào cũng “nuôi thù” và “báo thù” cả thôi. Làm gì có chuyện: Ruột của người này thơm tho hơn của kẻ kia?

Nam Việt Nam năm 1959 – 1975. 
Tôi không chắc Quý vị ‘chống cộng’ này khi phải vào tù có giữ được tiết tháo như những người tù ‘cộng’ chống Pháp/chống Mỹ từng kiên trung thà chết không dẫm lên lá cờ Máu mà họ tôn thờ hay không, và, tôi cũng không chắc rằng, những người ‘cộng’  hiện đang vung tay thề nguyện trung thành suốt đời với lý tưởng cộng sản dưới lá cờ đảng quang vinh cầm quyền có sẽ tuẫn tiết oai dũng như 5 vị sĩ quan quân lực VNCH ‘chống cộng’ ngày 30 tháng Tư năm xưa hay không nếu buộc phải rơi vào tình thế tương tự, nhưng, tôi quá chắc một điều:

cả 2 loại Quý vị đang khẳng định cộng’/ chống cộng’ này đều y chang nhau trong việc bảo vệ cái bào thai chung mà mình từng được quện nhuyễn.ru hời  trong đó. Cái “bào thai” này có tên: Bạo lực là công cụ của Quyền lực.
… đến phát hiện: Chung 1 Bào thai (!)

Từ thế kỷ XXI, nhìn lại cuộc đối đầu giữa Nguyễn Huệ-Quang Trung và Nguyễn ÁnhGia Long, khi khoan thai nhẩn nha mà rằng cuộc trả thù của Nguyễn Ánh chỉ là một cuộc vay trả . Đời có vay thì có trả . Nói khác đi sự trả thù có ý nghĩa chính đáng , chấp nhận được nếu đặt trong bối cảnh một xã hội theo thứ ‘Văn Hóa nuôi thù‘ vốn tồn tại nơi người Việt Nam [16], tác giả Nguyễn Văn Lục còn thanh thản, hạ nhẹ phím, buông một câu kỳ thú khác: “Trả thù đôi khi trở thành một thúc bách luân lý và bổn phận .”

Cách “bình sử” này của cụ Lục khiến Quý vị độc giả chắc không thể không nhớ câu chuyện Án chặt đầu” là một hành vi được phép tại Ả Rập Saudi mà tôi đã mạo muội nêu ra từ những đoạn đầu “phần 1. thời trầm uất 2 màu đen.trắng” ? Ở đây, tôi xin mạn phép mở một ngoặc đơn nho nhỏ (và xin đóng lại ngay): liệu cái gọi là ‘Văn Hóa nuôi thù này của ông cụ Lục có thực là vốn tồn tại nơi người Việt Nam hay chăng, hay là bị ngộ nhận, hoặc là người Việt Nam lại bị ..mạo.mị ? – xin xem qua một số nghiên cứu về văn hoá Việt mà tôi thiển lậu ghi nhận tại “phần 6. Cội rễ. Lựa chọn” của loạt bài 8 phần này, thay cho những đôi co dằng dịt.

Trở lại câu chuyện xuyên suốt về “nhân dạng” của cái kỷ nguyên tôn thờ bạo lực, tôn bạo lực làm quan toà.kẻ thi hành án cho mọi cuộc tranh chấp và là nấc thang dẫn bước lên đỉnh quyền lực.

Thuở ấy, Ngô Đình Diệm đã “thay mặt” cho Hồ Chí Minh làm điều cần phải làm tại miền Nam ô hợp (như ông Hồ từng làm với Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, theo lời ồm oàm dạy khôn của các cố vấn Tàu phù). Còn ai không nhìn thấy rõ những thực trạng hoá thạch đó ? Và, tướng lĩnh miền Nam đã chịu đựng cho đến ngày 1.11.1963. Đừng quên những người em, con, cháu của bè bạn/đàn em của Ba Cụt, của Bảy Viễn, của … trăm ngàn nhánh trong cộng đồng đa đảng phái thời ấy: con, cháu họ còn sống. Khi xưa, cha ông họ không có net để mà “chém” chết  bàn phím, “nổ” tanh bành màn hình. Họ “chém” nhau bằng .. xác vương.máu vãi khắp ruộng đồng, đô thị.

Tuổi trẻ Việt Nam những năm 20xx ơi, Quý vị có hình dung nổi những tang thương đó ?

Các đảng phái tan tác đó, cuối cùng, sau 1965 bắt đầu hồi phục, và liệu có lập ra được 1 chính quyền dân chủ của mình ? Họ đã xây dựng được một xã hội công dân pháp trị hay, một “xã hội dân sự” đối đầu ngon lành với quân sự ? Trong khi, đừng quên, những người cộng sản được dân che giấu, sống giữa dântrong dân, vẫn là “bọn cộng phỉ” ăn rau rừng “đeo” cọng đu đủ (cọng, đu đủ không có cành) hàng … chục thằng mà không gãy (ốm gầy/suy nhược như thế mà lãnh đạo đất nước gì nổi?).

Lịch sử không dành thời gian cho các chính đảng quốc gia thử nghiệm tài năng? VNCH của ông Thiệu lại vẫn cũng chèn ép các đảng phái ? Thử cùng xem lại vài nét đoạn lịch sử ấy.

Từ 1955 đến 1975 – trong 20 năm này (một vài nhà sử, nhà nghiên cứu của phía ‘quốc gia’ xem tổng là 27 năm, tính từ 1948 [17]), để thực thi nền dân chủ (xin lưu ý các em.các cháu: khái niệm dân chủ này mới dần sáng rõ như hiện nay chỉ sau năm 1989, trước đó, khái niệm “dân chủ” có chiều kích giản dị hơn so với thời hiện đại: nó chưa hề biết đến ‘tính đa nguyên’) thời ấy, các chính đảng “quốc gia” ở đâu ? Không hề có cộng sản tại miền Nam, mà chỉ có “cộng phỉ” bị tiêu diệt, bị tróc nã, bị chặt đầu, bị dìm nước như súc vật.

Có thể đổ tất tần tật cho.., ừ, vì khủng bố gia đình trị (việc này đến nay, vẫn cãi chưa xong trong khắp ‘cõi dân chủ’ hải ngoại của ‘người Việt quốc gia’!), toàn xã hội nằm trong lòng bàn tay “Đệ Nhất Cộng hoà” của anh em chí sĩ họ Ngô. Vậy nhưng, trong lúc chí sĩ họ Ngô cùng người em mưu thâm trí hậu của mình bàn tính ‘chuyện ích nước lợi nhà’ trên nền .. nhà của Ngô triều, lại dùng tổng lực để tẩy quét Bình Xuyên, Hoà Hảo, mua chuộc tướng Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Văn Thành Cao, Trần Văn Thành v.v…, thì lúc này, phải chăng không là cơ hội cho những người ‘dân chủ quốc gia’ (nếu quả thực lúc đó tại miền Nam VN có 1 lý tưởng dân chủ sáng ngời ngời sắt son đến vậy, để đối đầu xứng đáng với lý tưởng cộng sản ác-hèn) âm thầm nhen nhóm lại tổ chức của mình, sau khi bị Việt Minh “lột vảy” tại miền Bắc ? Nguyễn Tường Tam-Nhất Linh (1906 ̶1963) chưa bế tắc đến mức uống thuốc độc quyên sinh; Hà Thúc Ký (1920-2008) lãnh tụ của Đại Việt Cách mạng Đảng;  Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990), một trong những người sáng lập và lãnh đạo đảng Tân Đại Việt, là Tổng thư ký của Phong trào Quốc gia Cấp tiến..- tất cả các Quý vị tiền bối này đều còn ở độ tuổi 40 ̶ 50 tráng niên, hăng hái.

Tại thời đoạn Nhựt đảo chánh Pháp, Cụ Trần văn Ân (còn có tên Nhựt Bổn là Shabita, là người bạn của Nhựt, có liên hệ nhiều với Nhựt do Cụ là Tổng Thư ký Việt nam Phục quốc Đồng minh Hội của Hoàng thân Cường Để) kể lại là “phía những người Việt Nam tranh đấu không có chuẩn bị để có thể ‘ăn có’  [sic] khi tình hình xảy ra [18]. Sau này, Cụ Trần văn Ân và ký giả Nguyễn Kỳ Nam nhận xét “Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Thống nhứt thừa thiện chí  thiếu sách lược [19].

Hiện nay, tại hải ngoại, ai cấm đảng Dân chủ Việt Nam (chia thành 3 hệ phái khác nhau) của cụ cố Hoàng Minh Chính và cụ Trần Khuê; đảng Nhân dân Hành động Việt Nam của các ông Nguyễn Sỹ Bình ̶Nguyễn Tường Bá; đảng Thăng Tiến Việt Nam v.v… tụ tập nhau lại cùng lập một mặt trận vì dân chủ cho Việt Nam ? Cộng sản cấm chăng ? hay, vì họ không có thực lực ? hay, vì họ không có “sáng kiến” ? hay, thực chất “lương tâm” của họ không quan tâm đến một tương lai cho đất nước mà chỉ quan tâm cho nỗi cực nhọc khi tiến hành một lý tưởng ? Đã có những ai nghiêm túc đào sâu cội rễ “thành tựu” này suốt…67 năm qua (27+40) của hàng loạt các đảng phái quốc gia ?

Tôi chỉ mới thấy có vài tài liệu, trong đó có bài Một Cái Nhìn Sơ Lược Về Đảng Phái Quốc Gia của tác giả Nguyễn Văn Trần, dám chấp nhận sự thật trần trụi khi khách quan cho biết tình cảnh của các đảng phái “quốc gia”:

Dưới thời Đệ I Cộng Hòa các đảng phái quốc gia chống Cộng sản và thực dân từ trước khi ông Ngô Đình Diệm lập chánh phủ đều bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp thô bạo. Sau khi Đệ I Cộng Hòa sụp đổ năm 1963, Đảng Đại Việt và các đảng phái khác bắt đầu tranh thủ dân tâm trở lại [20].

Tuy vậy, cụ Nguyễn Văn Trần lại không thể cho độc giả biết gì thêm về tình hình hoạt động của rất nhiều chính đảng quốc gia trong thời kỳ Đệ Nhị Cộng hoà. Đến giai đoạn hải ngoại, cụ Ts. Nguyễn Văn Trần đã giải thích cho đoạn sử này:

Ngày nay ra hải ngoại, các đảng phái như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại việt Quốc dân Đảng, Đại việt Cách mạng Đảng, Tân Đại việt, Dân xã Đảng, … đều lâm vào một hoàn cảnh nghịch lý khách quan. Ra đời làm đảng cách mạng võ trang, tranh đấu theo đường lối cách mạng chống thực dân và Cộng sản. (…) Nay ở hải ngoại, các đảng phái vẫn duy trì nhiệm vụ cách mạng mà hoàn cảnh lại khác đi. Tranh đấu cách mạng không còn thích hợp. Có chuyển qua tranh đấu chánh trị, thành chánh đảng, thì cũng không có môi trường hoạt động. Đảng phái cách mạng nay đành phải tham gia hoạt động với Cộng đồng người Việt hải ngoại như những hội ái hữu”.

Nghĩa là, dù muốn hay không, người đọc (trẻ hay già, ‘thông thái’ hay không) cũng hiểu thêm nhiều điều, trong đó có một chuyện mà thường dân như tôi khá quan tâm:

đã “Ra đời làm đảng cách mạng võ trang” mà không có môi trường sử dụng bạo lực thì các chính đảng này … mất hết động lực cách mạng để dìu dắt nhân dân ? Vậy, họ làm cách nào có đủ năng lực lãnh đạo toàn đất nước .. đi vào Xây dựng, nếu, may mắn thế nào đó, họ cầm được .. cái quyền trong tay?

Dù đã lưu vong, VNQDĐ Hải ngoại  [21] vẫn không sửa đổi được đặc tính chia rẽ và đố kỵ lẫn nhau. Thực lực chẳng có gì. (…) Trước tình hình suy thoái của chế độ Tưởng Giới Thạch, nhóm Nguyễn Tường Tam tìm cách thuyết phục người Mỹ can thiệp vào Việt Nam”. Không phải chỉ có nhà sử học Vũ Ngự Chiêu ghi nhận lại điều này, mà nhiều nhà nghiên cứu khác, hoặc các bậc trưởng thượng (không thích cộng) cũng có hồi ức về quãng thời gian đó, với nhận xét vô tư, không thiên lệch, chẳng hạn như tác giả Minh VũHồ Văn Châm:

Nguyễn Tường Tam lên Côn Minh gặp Vũ Hồng Khanh. Hai bên thỏa thuận là tổ chức mới kết hợp 3 đảng, ở trong nước thì lấy tên là Đại Việt Quốc Dân Đảng, còn ở Trung Quốc thì lấy tên là Quốc Dân Đảng Việt Nam, tránh dùng danh xưng Đại Việt vì lý do tế nhị trong giao tế với bạn đồng minh Trung Hoa [22]  ̶  Hoá ra, không chỉ “lũ cộng nô bán nước”, Quý vị tiền bối của ‘quốc gia’ cũng biết lấy lòng người Tàu ?

Sau 1975, các đảng phái như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại việt Quốc dân Đảng, Đại việt Cách mạng Đảng, Tân Đại việt, Dân xã Đảng, …đều phục hoạt dần; song có hoạt động..gì để bảo vệ quyền lợi cho chính bà con Việt Kiều ? Không thấy. Không nghe. Không có một giải pháp nào thiết thực. Những đảng này mà ùa về Việt Nam để tranh nhau “đại diện và bảo vệ quyền lợi” cho người dân thì…thảm hoạ.

Họ, có khác gì so với các “nghị gật” hiện nay tại Quốc hội CH.XHCN.VN ??? Thậm chí, tệ hơn. Vì ? – “Quan mới đói hơn quan cũ”. Lý lẽ này, khi loài người vẫn còn cần cái thiết chế gọi là “nhà nước”, bao giờ cũng đúng, càng đúng với văn hoá thôn làng-sàng đình của không ít người Việt tiểu nông trong ruộtđại gia ngoài mặt. Chỉ thích xênh xang áo mão chứ không ham xắn tay vào việc. Vì thế, họ đã dành sân rộng Việt Nam cho Việt Minh-Việt Cộng “chơi” với dân từ lâu lắm rồi, trước cả 1948.
. . .
Năm này qua tháng khác, xem.đọc.đối chiếu hàng loạt các bài có liên quan đến tình hình các chính đảng quốc gia tại hải ngoại, và cũng đã xem rất kỹ nguồn gốc cùng phương thức hoạt động của đảng Việt Tân, tôi thú thật, rất bàng hoàng khi xem một số thông tin trái chiều, trong đó chỉ xin đơn cử điển hình bài Vài Nét Sinh Hoạt Đảng Phái Của Người Việt Nam của tác giả Trương Minh Hòa, có đoạn: “Đảng Chống Cộng ở hải ngoại được hướng dẫn bởi những người đại diện do dân bầu, là các tổ chức Cộng Đồng Người Việt Tự Do khắp nơi, là cơ cấu dân chủ duy nhất của người Việt hải ngoại, chứ đảng Việt Tân không do dân bầu, tự họ xướng danh và tự phong lãnh tụ, lãnh đạo để tự xưng là đại diện cho dân khi tiếp xúc với chánh giới các nước sở tại, cũng là một trò lừa bịp nữa. Và đảng Chống Cộng trong nước bao gồm hơn 84 triệu thành viên, lúc nào cũng chuẩn bị khí thế để quật nhào đảng cướp Cộng Sản, giành lại tự do và quyền làm người”.

Tôi không dám bình gì về đoạn thông tin này (vì không có ý định xúc phạm bất kỳ ai), tuy nhiên, tôi, ở Việt Nam, cũng phải tự hỏi: làm gì có đảng nào ở hải ngoại mà hoạt động nổi tiếng vọng về tận Việt Nam được như Việt Tân ? Ít nhất, đảng Việt Tân đã tự xây dựng được lực lượng của mình, đó là điều quá xứng đáng khích lệ, còn các đảng khác – đã Làm gì ? Tại sao lại công kích đảng Việt Tân ? Lại còn: có tổ chức gồm hơn 84 triệu thành viên nào trong nước gọi là đảng Chống Cộng ? Vậy, thông tin này là gì ? và Web đưa những dạng thông tin như vậy là…Web đấu tranh cho ‘một nền dân chủ khai phóng, vô tư’??

Xin lưu ý, bài “Vài Nét Sinh Hoạt Đảng Phái..” được posted không đề năm, chỉ đề Wednesday, 21, November, và không thể tìm trong phiên bản web mới của trang Web hơi bị nổi tiếng: VietnamExodus, như vậy ắt nó nằm trong trang báo cũ của VietnamExodus từ tháng 11-2005 đến tháng 05-2008.

84 triệu dân Việt mà chống cộng bừng bừng thì 30 tháng 4 năm nay Quý vị chống cộng đã về Sài Gòn uống..bia rồi.

Cho nên, không lạ gì khi tác giả Trọng Tín ở Kyoto, trong bài Vì Sao Chúng Đánh Phá “Nhóm Việt Thường”??? đã phản bác gay gắt: “nói mà chẳng biết mình nói gì, viết mà không biết là mình viết tào lao, cho dù có ở tù VGCS 20 năm nữa thì Trương Minh Hòa cũng chỉ biết đến mấy trò tiểu xảo của bọn cai ngục, thứ mạt hạng nhất trong ngành công an ngụy quân của VGCS, chứ làm sao mà có đủ kiến thức để ‘chống cộng’ được? Thảo nào đi lính bao năm mà không lên nổi một hột trong QLVNCH cũng là điều dễ hiểu”.

Trong vấn đề này, có lẽ nên tĩnh tâm nhìn kỹ là ai đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội lịch sử  ? – xin đừng lôi người Dân vào đây thay cho các bộ óc mẫn tiệp/thiên tài của các nhà chánh khách trời biển, có năng lực thông thái, an bang tế thế.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà nghiên cứu có trách nhiệm, đã có một nhận xét rất chính xác như sau: Sự yếu kém về tư tưởng chính trị của người Việt thê thảm đến độ rất nhiều người hoạt động chính trị không biết là có vấn đề tư tưởng chính trị và vẫn nghĩ rằng ai cũng có thể lập đảng, viết tuyên ngôn, cương lĩnh, soạn thảo chương trình hành động [23].
. . .
Lịch sử hoá thạch cho thấy: những người ‘Quốc gia’ – tiền thân của những người chống cộng sau này, đều tự mệnh mình là ‘Dân chủ’. Họ chống cộng không phải vì phi cộng, không phải để giải hoặc chế độ tham nhũng.độc quyền này, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn hẳn, mà là để phục hoạt chế độ mà họ đã từng một thời xênh xang, dấu ái. Đó là một trong những lý do chính (song ít ai dám nói ra, thậm chí không ai thèm nói ra) khiến người dân bình thường (ngay tại miền Nam, trong đó có không ít anh em lính.công chức bình thường, bạc phận của chính quyền Sài Gòn còn rớt lại) không hào hứng gì khi nghe tới mọi “phong trào dân chủ” có định hướng.

Vậy thì, đến đây nên xét lại vấn đề: sẽ hoà hợp-hoà giải Ai với Ai ? Giữa những người “Dân chủ” Việt có định hướng một chiều VNCH  tại châu Âu và rải rác toàn thế giới với phong trào dân chủ có định hướng diệt cộng ở Cali..rồi cùng về nước thay chỗ Cộng, lãnh đạo/đè đầu dân Việt do cộng sản .. sợ quá “bỏ lại, tháo chạy” ? (?).



Chú thích:


[1] đoạn trên trích từ cuộc trả lời phỏng vấn của Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với tuần báo Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt cộng, thực hiện nhân đợt kỷ niệm sự kiện 30-4 năm 2005


[3] xem Ra Nước Ngoài là Vào Ngõ Cụt củaTrần Văn Tích, December 9, 2014. Cụ Trần Văn Tích sinh năm 1932 tại Quảng Trị, bác sĩ, hiện định cư tại Đức, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong

[4] xem bài Tự do sẽ chấm dứt hận thù dân tộc của Cù Huy Hà Vũ, 14.05.2015



[7] trích bài thơ Bên kia sông Đuống (Việt Bắc, tháng 4/1948) của Hoàng Cầm

[8] trích bài thơ Cuộc vui trong dinh Độc Lập của Chế Lan Viên

[9] “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”: câu thơ của thi vương Tố Hữu (1920-2002) trong thi phẩm “30 năm đời ta có Đảng”; “lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ”: câu thơ của thi bá Vũ Hoàng Chương (1916-1976) trong thi phẩm “Hoa Đăng“.

[10] “Hoa Địa Ngục’’ – tên một thi phẩm chất ngất tính nhân văn của thi bá Nguyễn Chí Thiện.

[11] xem Để Cho Người Ta Ngu Với phần 1 của ‘Công tử Hà Đông’ Hoàng Hải Thuỷ



[14] xem Thư thứ hai gửi “cựu” Thiếu tá Liên Thành của Chu Tất Tiến (tự mệnh) “người lính VNCH không bao giờ giải ngũ”

[15] xem Chủ nghĩa chống cộng lưu manh Thuận Văn | talawas 5.4.2008



[18] Trần văn Ân, Hồi ký dành cho gia đình và thân hữu, không xuất bản. Xem thêm Lần dở lại trang nhựt ký của Cụ Trần văn Ân “Chung quanh sự xung đột giữa Nhà Ngô và Giáo phái Miền nam” – Nguyễn văn Trần



[21] Thấy không ăn thua với phe cộng sản, từ mùa Hè 1946, sau khi vượt biên Hoa-Việt, tại Hoa Nam, nhóm Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ v.. v… đã phối hợp cùng Nguyễn Hải Thần, Trần Trọng Kim để lập chính phủ lưu vong với Bảo Đại làm minh chủ. Nhóm Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh còn lập nên Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Ngoại tại Nam Kinh. Số đảng viên gồm khoảng 1.300 người, được Quốc dân đảng Trung Hoa cấp súng và lương thực – trích từ VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG của Vũ Ngự Chiêu.


 * Bài “Cội rễ và sự lựa chọn” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo”
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)