Việt Nam Thời Báo

VNTB – CSGT “quơ chân khiến tài xế ngã” có thể bị truy tố tội “giết người”

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Cảnh sát giao thông (CSGT) dùng vũ lực trái phép, đánh, đá, đạp xe gây tai nạn cho người dân rồi lấp liếm là chỉ “vung chân trúng đầu”, “tung dùi cui trúng tay”, “tác động tay trúng mặt”… Theo bộ luật Hình sự, hành vi này có thể bị truy tố theo Điều 123, tội giết người.

 

Đại uý CSGT đạp xe khiến 2 người gặp tai nạn

Sáng ngày 14/12, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh đại uý Dương Hải, đội CSGT Bàn Cờ, dùng mô tô phân khối lớn truy đuổi và đạp ngã xe máy của nam thanh niên. Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 5/12, trên đường 3 Tháng 2 (gần rạp hát Hòa Bình, quận 10).

Tuy đã xảy ra từ nhiều ngày trước đó, nhưng phải đến khi đoạn clip được tung lên mạng và gây ra phẫn nộ dữ dội từ phía người dân thì nhà chức trách mới vào cuộc. Làm rõ vụ việc, lãnh đạo đội CSGT Bàn Cờ, cho biết nam thanh niên có dấu hiệu vi phạm giao thông, cán bộ cảnh sát đã ra hiệu dừng xe nhưng người này không chấp hành và bỏ chạy.

Tiếp đó, đại úy Hải truy đuổi đến khu vực trước rạp hát Hòa Bình, áp sát người vi phạm và dùng chân đạp để ép ngã xe của thanh niên này. Khiến người này bị lạc tay lái và đâm vào xe máy của một người khác. Cuối cùng, sau màn rượt đuổi kiểu truy sát đó, thì cảnh sát khám xét không thấy thanh niên có dấu hiệu tội phạm bỏ chạy, mà chỉ đơn giản là chạy ngược chiều thôi.

Đại diện cơ quan công an cho rằng hành vi của đại uý CSGT chỉ là “quơ chân khiến tài xế bị ngã”. Tuy nhiên, vì đoạn clip bị lộ và vấp phải phản ứng của người dân “tạo dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT”. Nên phòng CSGT (PC08) đã tiến hành tạm đình chỉ công tác với đại úy Hải.

“Vung chân trúng đầu”, tung dùi cui trúng mặt, dùng “võ ngành” đá xe…

Không chỉ “quơ chân”, CSGT còn dùng vũ lực trong nhiều trường hợp không cần thiết với người vi phạm giao thông. Tất cả các vụ việc chỉ bị xử lý khi có video bị tung lên mạng.

Hồi tháng 6, mạng xã hội tại tỉnh Hòa Bình xôn xao đoạn clip hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị CSGT chặn đầu xe. Khiến 2 người bị ngã xuống đường. Lúc này, viên CSGT đã dùng chân đá mạnh vào đầu người điều khiển xe máy.

Tình huống xảy ra trước mặt đông đảo lực lượng công an, cảnh sát, 2 mô tô, 2 xe ô tô chuyên dụng của CSGT và một nhóm trẻ em đang chơi bên đường. Công an gọi đó là “vung chân trúng đầu” và mô tả rằng hành vi này là “tác động chân vào đầu người điều khiển xe máy”.

Tại Long An, cuối tháng 10/2022, nhóm ba cán bộ CSGT phát hiện một người đi xe máy không có kính chiếu hậu, và đã chạy mô tô đuổi theo. Sau đó một CSGT đã lao đến dùng dùi cui đánh liên tục cho đến khi người này lạc tay lái, lủi xe xuống đám ruộng ven đường. Ba viên cảnh sát này sau đó bị giáng chức và chuyển công tác.

Một tình huống dùng “võ ngành” đáng chú ý khác được camera hành trình của một xe hơi ghi lại vào tháng 2/2021, tại TPHCM. Cụ thể, tối ngày 3/02/2021, đại uý Lê Văn Mân (CSGT đội Bến Thành) đã băng qua đường, rọi đèn pin vào mặt một thanh niên chạy xe máy và yêu cầu dừng lại. Lúc xe chạy tới gần, thanh niên chưa kịp dừng thì đại úy Mân đã vung chân phải đạp trúng phần hông khiến người lái xe té sấp mặt xuống lề đường.

Những tình huống này vô tình lọt vào ống kính camera và bị tung lên mạng nên mới được cộng đồng biết tới. Còn vô số trường hợp không có video làm bằng chứng, hoặc không được đưa lên mạng xã hội, những vụ việc này chắc chắn không được xử lý.

Đạp xe người dân có thể bị truy tố theo tội giết người

Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công An về việc “quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT” quy định rằng CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Nhưng, Thông tư này không quy định việc CSGT có quyền đánh người vi phạm hay dùng vũ lực với người vi phạm. (1) Còn theo Nghị định 208/2013, CSGT được dùng công cụ hỗ hoặc võ thuật (đá, đạp ngã xe, đánh, trấn áp) để khống chế, buộc người vi phạm chấp hành hiệu lệnh của bên thi hành công vụ. Nhưng đó là trong trường hợp phát hiện đối tượng phạm tội quả tang như cướp, cướp giật, gây thương tích… (2)

Tuy nhiên, đối với những vi phạm hành chính đơn thuần như việc người lái xe máy không tuân theo hiệu lệnh của CSGT. Thì phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an toàn cho người chạy xe như ra hiệu lệnh, dùng dụng cụ chặn xe, ghi lại biển số xe để phạt nguội, hoặc báo cho đồng đội chốt kế cận xử lý… chứ không được phép đánh, đá, đạp xe của người vi phạm. Việc đột ngột lao ra đường chặn xe, đạp, đá, đánh người đang lái xe chẳng những gây nguy hiểm cho người chạy xe, mà còn cho chính cán bộ CSGT.

Nói về tác phong, quy trình làm việc, cho dù người dân làm sai, chạy xe vi phạm giao thông như thế nào đi nữa; thì người thực thi pháp luật vẫn phải làm đúng. Khi lực lượng CSGT dùng vũ lực trái phép như đá, đánh, đạp xe,… gây nguy hiểm tới sức khoẻ, tính mạng người vi phạm giao thông, thì phải bị xử lý hình sự, có thể bị truy tố ở tội giết người.

_________________

Tham khảo
(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Thong-tu-65-2020-TT-BCA-quy-trinh-tuan-tra-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-ve-giao-thong-duong-bo-427300.aspx
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-208-2013-ND-CP-phong-ngua-ngan-chan-xu-ly-hanh-vi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-216632.aspx


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Làm sai không vụ lợi”: quy trình sai từ gốc

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhà nước bắt hết người phản đối để thoải mái tăng phí BOT

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thanh tra giao thông: hết tiền bánh mì rồi tới tiền cà phê

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo