Ngày 12/12/2016 đã diễn ra hai sự kiện rất lớn với Cuba: Bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu, và thỏa thuận cho hãng Gooogle cung cấp dịch vụ tại Cuba.
13 năm trước, vào năm 2003, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Cuba và đình chỉ việc hợp tác vì Cuba mở chiến dịch đàn áp các nhà báo và các nhà hoạt động. Phải đến năm 2008, Cuba mới thực hiện các cuộc đàm phán trở lại.
Còn giờ đây tại Brussels của nước Bỉ, Liên minh châu Âu và Cuba vừa ký kết một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, vốn đã bị chặn trong nhiều thập kỷ qua bởi những quan ngại về nhân quyền dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ cộng sản quá cố Fidel Castro.
Trước đó, các Bộ trưởng Liên minh châu Âu đã đồng ý bãi bỏ một chính sách có từ năm 1996. Trong đó, EU yêu cầu Cuba phải cải thiện các tiêu chuẩn nhân quyền trước khi ký kết thỏa thuận bình thường hóa mối quan hệ.
Cũng vào ngày 12/12/2016, Google đã ký thỏa thuận với chính phủ Cuba. Theo đó công ty internet khổng lồ này sẽ được quyền cung cấp dịch vụ truy cập vào kho dữ liệu của Google tại Cuba, cho phép Google cài đặt các máy chủ trên quốc đảo này để lưu trữ những nội dung phổ biến nhất, tạo được một chỗ đứng quan trọng trong lãnh vực mạng điện toán đang bắt đầu phát triển rất nhanh tại đảo quốc này.
Sau khi Fidel qua đời, ngay cả một số tờ báo có khuynh hướng cánh tả như Libération của Pháp cũng phải cho rằng trước đây Raul Castro đã phải quá khép nhường trước cái bóng của người anh trai mình. Nhưng có hy vọng rằng chướng ngại vật lớn nhất và có lẽ là duy nhất để Raul thực hiện cải cách kinh tế sẽ không còn nữa.
Một luồng nhận định khác cũng tỏ ra có cơ sở khi cho rằng Raul không phải là người quá bảo thủ, và ông có thể muốn mang lại cho đất nước mình một sự đổi thay nào đó, thậm chí là thay đổi lớn, trước khi ông quyết định từ bỏ chức vụ tối cao tại Cuba vào năm 2018.
Những luồng nhận định trên đang tỏ ra có tính ứng nghiệm: có lẽ không phải vô tình mà Raul Castro đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu và cho Internet vào Cuba hầu như ngay sau khi người anh trai qua đời.
Một luồng nhận định khác lại cho rằng với dòng máu sôi sục Mỹ Latinh, hoặc giới lãnh đạo Cuba vẫn hết sức bảo thủ, hoặc họ sẽ “cách mạng” nhanh chóng và có thể nhanh hơn cả những quốc gia “tư bản cuồng nhiệt” như Việt Nam và Trung Quốc.
Chân trời đang hé dần. Dù Liên minh châu Âu không còn đặt điều kiện về nhân quyền trong mối quan hệ bình thường hóa với Cuba, nhưng La Habana muốn tiến hành cải cách kinh tế thì lại phải có những nguồn lực mới về tài chính. Cho tới nay, nguồn lực tài chính lớn nhất khả dĩ có thể là tín dụng và viện trợ từ Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Nhưng muốn nhận được những nguồn tín dụng dồi dào để làm cho đời sống người dân bớt khó khăn, giới lãnh đạo Cuba lại cần thỏa mãn một số đòi hỏi của phương Tây về cải thiện nhân quyền.
Lê Dung / SBTN