Nguyễn Nam
(VNTB) – Cuốn hộ chiếu “tím than” của Việt Nam đang là chuyện thời sự, và qua đó còn cho thấy nhiều tréo ngoe khác nữa…
Nhà báo N.T., kể: “Ba tôi sinh ở Nha Trang nên khi làm căn cước công dân, công an hướng dẫn quê quán là nơi sinh của ba vì thế trong căn cước công dân của tôi, mục “quê quán” ghi Nha Trang.
Em gái tôi cũng sinh ở Nha Trang như tôi, nhưng căn cước công dân của nó phần quê quán ghi Quảng Trị, vì công an nơi nó làm giấy nói phải ghi theo quê quán của ba, mà ông nội tôi sinh ra ở Quảng Trị nên quê quán ba tôi là Quảng Trị (!?).
Chưa hết, trước năm 1975, ba tôi là thầy giáo, thuyên chuyển nhiều nơi, trong đó em trai tôi sinh ở Bảo Lộc – Lâm Đồng. Vậy là mấy đứa con của em trai tôi khi làm căn cước công dân ghi quê quán là Bảo Lộc – Lâm Đồng, dù vùng đất này không có ai là quan hệ họ hàng cả”.
Luật sư T.Th., diễn giải: Hiện nay, quê quán được xác định theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014: “Quê quán là địa danh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Còn “nơi sinh” hay sinh quán được hiểu là địa danh hành chính nơi cá nhân được sinh ra, thể hiện trong giấy khai sinh. Thông thường, nơi sinh là cách dễ kiểm chứng nhất khi xác định thân thế một cá nhân vì nơi sinh thường có lưu những hồ sơ cá nhân như giấy ra viện, giấy chứng sinh, đơn xin khai sinh và sổ sách đăng ký hộ tịch cá nhân.
Thông thường theo thói quen, người Việt mặc định (hoặc thoả thuận) ghi quê quán đứa bé theo nơi gốc tích cha nhiều hơn là mẹ, như trường hợp mẹ đơn thân. Đặt họ cho con cũng thường theo lẽ này.
Nếu cả hai vợ chồng đều thuận thảo thì không vấn đề gì lớn, nhưng nếu họ chia tay, đứa con ở với mẹ và người mẹ không muốn đứa bé theo quê cha thì phải làm giấy tờ hộ tịch lại, khá rắc rối. Chưa kể các hồ sơ học bạ, lý lịch tư pháp… khó mà chỉnh sửa.
Nhà báo T.V., từng phụ trách mảng nội chính, kể: Có một độc giả gửi thư đến tòa soạn cho biết chị sinh ra, lớn lên ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Chồng chị sinh ra, lớn lên tại Thủ Đức, Sài Gòn, nhưng có quê quán ở tỉnh Ninh Bình. Vợ chồng chị sinh bé trai, đi đăng ký khai sinh khai quê quán theo cha cháu là Ninh Bình, nhưng cán bộ hộ tịch không chịu, bắt khai quê quán cho cháu ở TP.HCM phải nhắc nhở là “ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ”. Nếu không chịu khai theo hướng dẫn thì để trống mục quê quán của đứa nhỏ.
Một trường hợp khác. Một nam thanh niên đi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Theo hướng dẫn người đó phải mang theo sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Trong hai loại giấy tờ này đều ghi rõ nguyên quán của người này là Cà Mau.
Thế nhưng trong bản khai đăng ký kết hôn lại yêu cầu khai lại quê quán. Người thanh niên này ngẫm nghĩ: “Quê gốc của ông nội ở Cà Mau. Nhưng ông nội lên Cần Thơ làm ăn, gặp bà nội và sinh ra ba ở đó. Vậy quê quán sẽ khai ở Cà Mau hay Cần Thơ?”. Sau khi trao đổi, cán bộ hộ tịch nói: “Anh phải khai là Cần Thơ vì ba anh sinh trưởng ở đó”. “Sao lại là Cần Thơ, quê cha đất tổ của tôi phải là Cà Mau chứ!” – người thanh niên thảng thốt kêu lên…
Luật Hộ tịch năm 2014 quy định đại ý, người dân ghi quê quán khi khai sinh thế nào sẽ đăng ký hộ khẩu và làm thẻ căn cước công dân như thế.
Nhưng nhiều năm nay đã có không ít kêu ca về việc lúng túng khi xác định “quê quán”, hay “nguyên quán” khi khai báo nhân thân với các cơ quan chính quyền.
Với việc lấy giấy khai sinh làm gốc, nếu giấy khai sinh thiếu thông tin quê quán, hoặc thông tin quê quán không khớp giữa các giấy tờ, nhiều người gặp phiền phức khi xử lý các vấn đề quan trọng như nhập khẩu, chứng thực lý lịch, cải chính hộ tịch; và đặc biệt là khi làm thủ tục cho chuyện xin vào đảng cộng sản Việt Nam.