Trưa ngày 23/6 một cơn mưa lớn kéo dài chỉ 1 tiếng đồng hồ khiến Đà Lạt “chìm” trong nước và cây đổ. Một điều khó có thể tưởng tượng ra nổi cách đây vài chục năm ở một thành phố cao nguyên luôn có nhiều mưa.
Nguyên nhân được chính quyền và báo chí nhà đánh giá là do “do mưa với cường độ lớn và tập trung chỉ trong vòng 1 giờ làm nước tập trung nhanh về các khu vực trũng thấp dẫn đến tiêu thoát nước không kịp, gây ngập cục bộ. ”
Vùng bị ngập nước nặng nằm ngay khu vực tiếp giáp với sân Golf và Hồ Xuân Hương. Con đường Trần Quốc Toản vốn chỉ đông người đi bộ tập thể dục vào buổi sáng hay du khách dạo quanh bờ hồ. Khu quy hoạch mới có tên là Golf Valley nơi có hồ thoát nước – hồ Đội Có – chỉ cách sân Golf có một con đường Đinh Tiên Hoàng cũng trắng nước.
Nước ngập đường Trần Quốc Toản được báo viết là “nước có màu đỏ quạch lẫn lộn nhiều đất, cát xây dựng do chảy qua từ công trường thuộc một số dự án quanh hồ Xuân Hương.”
Hiện nay dự án lớn nhất ở ngay cạnh Hồ Xuân Hương là công trình xây dựng trung tâm thương mại và bãi để xe ngầm ở trong lòng sân Golf. Chỉ có thể là nước từ công trình xây dựng này chảy ra chứ không thể từ ở bên kia bờ hồ tràn tới.
Những khu vực ven suối Cam Ly hay các con suối ở Hà Đông, Đa Thiện đều ngập nước.
Đường Yersin còn có xe hơi bị nước cuốn đi.
Báo chí cũng rất uyển chuyển khi đưa tin rằng dù “ngập cục bộ” nhưng “nước sau đó thoát nhanh sau khi mưa kết thúc.” Báo có nói “UBND các phường và Phòng Kinh tế TP Đà Lạt tiếp tục thống kê thiệt hại do trận mưa lớn gây ra để có hướng xử lý, khắc phục. ” Nhưng không thấy nói người dân bị thiệt hại sẽ có được bồi thường hay không, cũng không nghe nhắc tới việc ngăn ngừa và phòng chống tình trạng tương tự trong tương lai.
Cứ như vậy người dân phố núi cứ phải làm quen với cụm từ “ngập cục bộ” trong khi “thời tiết cực đoan” – nếu phải nói theo ngôn ngữ bình dân là ngập lụt do nước thoát không kịp khi thời tiết bất thường – để rồi từ đó phải sống chung với chúng.