Diễm Thi
(VNTB) – Đã tới lúc chúng ta phải suy nghĩ lại cách làm từ thiện của chính mình và chuyển sang những ý tưởng làm từ thiện bền vững.
Thu để chia lại?
Báo Quảng Bình online vào tối 29-10-2020 đăng thông tin cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thu tiền lại của người dân sau khi ca sĩ Thủy Tiên phát là có thật, nhưng là để “đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm”.
Sáng ngày 29-10-2020, một facebooker đã bức xúc viết trên Facebook sau khi bị thôn thu lại tiền: “Nhà mình ngập lụt được Thủy Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi”.
Ngay tối hôm đó tác giả Kỳ Sơn đã thanh minh cho hành động của thôn Ngoạ Cương qua bài viết “ Cần hiểu rõ bản chất hoạt động thu tiền cứu trợ ở thôn Ngoạ Cương, Quảng Bình” (1)
Trong đó Kỳ Sơn đã chỉ ra rằng việc thu lại tiền là nhăm “ đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, những năm trước đây, ban cán sự và người dân thôn Ngoạ Cương đã bàn bạc, đi đến thống nhất chủ trương, khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hoá thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại.”
“Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng.”
Lần này, với số tiền ủng hộ của ca sĩ Thuỷ Tiên, ban cán sự thôn cũng thực hiện như những năm trước đây.”
Kỳ Sơn cho rằng “do chưa nắm bắt, tìm hiểu kỹ thông tin, chủ tài khoản Facebook “Nguyen Thi Hang Nguyen” đã vội vàng đăng tải thông tin nên gây hiểu nhầm, phản ứng trong dư luận và cộng đồng mạng.”
Sau khi được ban cán sự thôn giải thích cặn kẽ vào lúc 14h30 cùng ngày, chủ tài khoản Facebook “Nguyen Thi Hang Nguyen” đã gỡ bỏ thông tin đăng tải và đăng thông tin đính chính.”
Trả lại tiền cho dân vì áp lực mạng xã hội?
Ngày 30-10-2020, bà Nguyễn Thị Tĩnh – chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) – cho biết vừa yêu cầu Ban cán sự thôn Ngọa Cương trả lại toàn bộ số tiền hơn 400 triệu mà thôn đã thu của những hộ dân trong thôn ngay sau khi chuyện lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Bà Tĩnh khẳng định ngay sau khi nắm sự việc xã này đã chỉ đạo thôn trả lại ngay. “Việc cán bộ thôn tự ý thu lại tiền nhu thế là không được, dù bất cứ lý do gì”, bà Tĩnh nói. (2)
Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Quảng Trạch Đậu Xuân Thủy cho hay sau khi nhận tiền hỗ trợ thì một số người tự nguyện gửi lại số tiền cho thôn để phân chia cho những người khác cũng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo ông Đậu Xuân Thuỷ, thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ được nhận tiền hỗ trợ nên người dân có tinh thần san sẻ, nhường nhau. (3)
Ông Hoàng Anh Dũng – Bí thư xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch, Quảng Bình) thì nguyên nhân dẫn đến sự việc cán bộ thôn thu lại tiền của người dân là các hộ dân bị ngập lụt đến cư trú tại những hộ không bị ngập. Cán bộ thôn và người dân thôn Ngọa Cương đã bàn bạc, thống nhất khi có hoạt động cứu trợ bão lũ, đối với hàng hoá người dân được sử dụng, còn tiền mặt thôn sẽ thu lại. (4)
Cũng theo ông Hoàng Anh Dũng thì do thôn này có hơn 150 hộ dân nhưng có 69 hộ dân bị ngập lụt.
Như vậy giữa ông chủ tịch MTTQ VN của huyện và ông Bí thư xã Cảnh Hoá đã không khớp nhau về số hộ dân thật có trong thôn là 170 hay 150 hộ dân.
Việc cứu trợ cho 69 hộ dân bị ngập chỉ có thể được thực hiện sau khi cán bộ Thôn báo danh sách cho các đoàn từ thiện mà ở đây cụ thể là đoàn từ thiện của Thuỷ Tiên. Chỉ có 69 hộ bị ngập thì 69 hộ đó được cứu trợ là điều hợp lý.
Nếu nói là tình làng nghĩa xóm, thì hộ không ngập đón hộ bị ngập đến ở tạm vài ba ngày thì trong khi nhà cửa tài sản của họ bị cuốn trôi và hư hại thì không ai nỡ đòi tiền ăn tiền ở như khi lưu trú ở khách sạn?
Việc trả ơn cho nhau giữa những người ờ nhờ và người cho ở nhờ phải dựa trên tinh thần tự nguyện và tự thoả thuận giữa hai bên chứ cán bộ thôn không thể và không có quyền can thiệp bằng cách thu lại tiền để chia cho đồng đều cả thôn.
Cứ chực chờ cứu trợ?
Tác giả Kỳ Sơn cho biết thôn Ngoạ Cương thường bị ngập úng và thiệt hại khá nặng khi có lũ lụt vì đây là một trong những thôn có địa thế trũng thấp của xã Cảnh Hoá. Hàng năm, khi có thiên tai xảy ra, nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đến cứu trợ.
Vậy cán bộ thôn đã làm gì để giảm thiểu thiệt hại cho người dân khi đã biết lũ lụt sẽ diễn ra hàng năm ngoài việc cứ xong lũ thì lại loan tin rằng “để sớm khắc phục hậu quả thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, ổn định cuộc sống, sinh hoạt, người dân Quảng Bình rất cần sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm.”
Những nghi ngờ về sự minh bạch của việc thu lạị sau đó lại phân chia theo ý của thôn lại được tác giả Kỳ Sơn nhanh nhẩu quy kết rằng có thể làm cơ sở “để các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, làm ảnh hưởng đến hoạt động thiện nguyện và uy tín của cấp uỷ, chính quyền các cấp.”
Người Việt với nhau vẫn mang tâm thế lá lành đùm lá rách, thấy người lâm hoạn nạn không ai nỡ làm ngơ, nhưng cứ cái kiểu góp tiền thì người dân bị thôn xóm thu lại, góp quà thì trưởng thôn trưởng xã không cho phát vì không có giấy phép thì đến một lúc nào đó thì sẽ không ai còn muốn làm nữa.
Việc cứ mỗi lần lũ lụt lại cứu trợ là phát sinh từ lòng tương thân tương ái, nhưng vô hình trung lại làm cho những cấp uỷ, chính quyền các cấp trở thành vô trách nhiệm trong việc ngăn ngừa thiên tai, nhân tai. Khi có thiệt hại gì đã có các đoàn từ thiện cứu giúp khắc phục thiệt hại là xong chuyện. Rồi lại chờ đến mùa lũ năm sau, mọi chuyện lại lặp lại y như vậy.
Quảng Bình trong những năm qua đã chi mạnh tay cho các công trình tượng đại to vật vã ngốn đến hàng trăm tỷ ngân sách nhưng vẫn thất bại trong việc phòng chống lũ cho dân hết năm này đến năm khác.
Tỉnh nghèo chuyên nhận gạo cứu đói Quảng Bình có quảng trường 120 tỷ ở chưa bàn giao đã hư hỏng (2); tượng đài bác hồ 78,8 tỷ mới hoàn thành ngay trong đại dịch Covid (3); cổng chào 13,7 tỷ để chào mừng đại hội đảng (4); trong khi lũ lụt hoành hành đảng viên Quảng Bình vẫn thản nhiên tiến hành đại hội Đảng; trước đó nếu không có Facebook có lẽ Quảng Bình đã chi 2,2 tỷ mua cặp da cho đảng viên về dự Đại hội đảng (5) .
69 hộ dân, mỗi hội nhận 6 triệu đồng, vị chi là 414 triệu vẫn chưa bằng cái số lẻ 13,7 tỷ được dùng xây cho cái cổng chào vô bổ ở ngay trên cửa ngỏ vào tỉnh nghèo chơi sang Quảng Bình.
Ca sỹ Thuỷ Tiên đã công khai tuyên bố, tiền từ thiện dành cho bà con không ai cần phải nộp lại. Có người lên tiếng trên mạng xã hội trách rằng người dân thôn Ngoạ Cương vì dân trí thấp, thậm chí cả vì ngu mới chịu nộp lại tiền như vậy.
Nhưng có lẽ khi có các đoàn thiện nguyện ở đó thì người dân đồng ý không nộp lại. Khi chỉ còn người trong thôn, trong xóm với nhau thì áp lực từ mọi phía sẽ khiến cho họ khó mà không phải nộp lại tiền cho quan xóm, qua thôn, quan xã cho yên chuyện. Hãy cứ nhìn vào hai dòng trạng thái của người đã đưa tin lên mạng xã hội thì có thể thấy cô ấy cũng đã bị áp lực để phải lên tiếng xin lỗi công khai như thế nào.
Vì vậy, từ việc thu lại tiền một cách công khai này, có lẽ ca sỹ Thuỷ Tiên cũng như tất cả các đoàn thiện nguyện khác nên xem xét lại việc phát tiền cho bà con vùng lũ.
Thay vì đưa tiền mặt thì nên nghĩ đến việc giúp đỡ bằng hiện vật hay những công trình có giá trị sử dụng bền vững, hạn chế thiệt hại lũ lụt trong tương lại như xây nhà chống lũ, xây nhà tránh bão lũ chung cho cả cộng đồng có dự trữ lương thực, thuốc men, máy phát điện, vật dụng neo chống nhà, …
Đã tới lúc chúng ta phải suy nghĩ lại cách làm từ thiện của chính mình và hướng về những ý tưởng từ thiện bền vững. Và hơn hết, bắt đầu từ việc trồng lại rừng, khôi phục thảm thực vật, và giảm thiểu bê tông hoá sau đó tiến tới xoá bỏ các đâp thuỷ điện để chuyển sang sử dụng năng lượng xanh như địện mặt trời hay điện gió.
Cứ mãi làm thiện nguyện bằng cách phát tiền lặp đi lặp lại mỗi mùa bão lũ thì bài toán ngập lụt sẽ chẳng có ai nào thèm giải quyết.
___________________
Ghi chú:
(6) https://dantri.com.vn/chinh-tri/quang-binh-xay-tuong-dai-bac-ho-gan-79-ty-dong-20181212135329053.htm
(8) https://tuoitre.vn/bi-thu-quang-binh-dung-ngay-viec-chi-2-2-ti-mua-cap-da-20200827171447895.htm